Lừa đảo qua mạng: Tiền mất có lấy lại được?

(PLO)- Khi thực hiện hành vi lừa đảo qua mạng, các đối tượng thường sử dụng các địa chỉ IP mạng ảo hoặc nhà mạng nước ngoài để lập tài khoản có thông tin giả trên các mạng xã hội. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, Pháp Luật TP.HCM có bài viết: "Giả mạo cuộc thi áo dài: Chiêu trò cũ, nạn nhân mới" về nội dung chị T và chị H bị một nhóm người trên mạng xã hội (MXH) lừa đảo thông qua việc mời gọi tham gia cuộc thi Duyên dáng áo dài 2024 và Áo dài thanh lịch 2024, mạo danh Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP.HCM (VTV9) tổ chức.

Bài viết trên nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ bạn đọc:

Lừa đảo MXH ngày càng tinh vi

Bạn đọc Thương Thương bình luận: "Tôi thấy trường hợp này đánh vào lòng tham và sự thiếu hiểu biết. Thủ đoạn của các đối tượng này rất tinh vi, nào là tuyển người mẫu nhí, áo dài duyên dáng…bình mới rượu cũ mà nhiều người vẫn nhẹ dạ cả tin. Theo tôi, tham gia cái gì thì tham gia, nhưng đụng đến chuyển khoản thì coi chừng. Nhưng nếu tội phạm sinh sống bên nước ngoài thì xử phạt như thế nào?".

Bạn đọc Thanh Mai bình luận: "Qua vụ việc này, chứng tỏ cho thấy nhiều người vẫn chưa trang bị kiến thức bảo vệ mình trước những đối tượng lừa đảo trên mạng. Có thể họ thiếu kiến thức, tham cái lợi nhỏ, bất kỳ cuộc thi nào cũng phải có thông tin rõ ràng, thông cáo báo chí từ các cơ quan báo chí chính thống hay cơ quan chủ quản đứng ra tổ chức. Đằng này, quảng cáo trên Facebook kèm giải thưởng lớn, mà trong khi đó trang web hay Facebook chính chủ của nhà đài không thông báo gì hết mà vẫn đăng ký thi".

Bạn đọc Lý Thiện chia sẻ: "Tôi có bà chị bị trường hợp tương tự, được gửi cho cái link quay trúng thưởng. Bà chị có 2 lượt quay, 1 lượt đầu không được gì, lượt 2 quay trúng điện thoại Iphone 14 Pro max. Nhưng khi tôi xem qua, thấy hướng dẫn bảo chuyển 5 triệu cho tài khoản hệ thống để đảm bảo không phải robot, nếu không sau 45 phút hệ thống sẽ tự huỷ tư cách trúng thưởng. Tôi có khuyên là không nên chuyển vì đây là lừa đảo, sau khi tôi rời đi thì bạn bà chị của tôi làm theo, lúc đầu đối tượng kêu chuyển 5 triệu, rồi đòi xác nhận bước 2 thêm 5 triệu. Đến giờ này thì chả thấy điện thoại đâu mà còn mất tiền".

Bạn đọc Hiệp Trí bày tỏ quan điểm: "Vấn đề là kẻ lừa đảo chúng nắm bắt tâm lý để thao túng rất tốt. Tất nhiên là các đối tượng đi lừa thì thành công cũng có tỉ lệ nhất định thôi, nhưng đã thành công thì lại thành công lớn. Mọi người nên thường xuyên đọc báo chí chính thống hay xem những thông tin cảnh báo từ cơ quan chức năng. Giờ trên tay ai cũng có 1 smartphone có thể tra thông tin liên tục mà, bị lừa rồi mới biết thì uổng công báo chí thông tin mỗi ngày".

lừa đảo.jpg
Sự phát triển mạnh mẽ của MXH thì tội phạm lừa đảo trên mạng cũng không ngừng gia tăng, ngày càng tinh vi và đa dạng hình thức lừa đảo. Ảnh: TRẦN MINH

Dấu hiệu nhận biết thủ đoạn lừa đảo

Trao đổi với PV, PGS-TS Nguyễn Thị Kim Anh, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Trung ương TP.HCM; giảng viên tâm lý Trường ĐH Văn Lang cho biết đây là hình thức lừa đảo tinh vi, lợi dụng sự thiếu hiểu biết và cả tin của người dân để chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng lừa đảo thường sử dụng các chiêu trò như:

Tạo dựng hình ảnh giả mạo: Giả mạo các tổ chức uy tín, các chương trình khuyến mãi, hoặc các cuộc thi hấp dẫn để thu hút sự chú ý.

Lời hứa hẹn hấp dẫn: Đưa ra những lời hứa hẹn về lợi nhuận cao, quà tặng giá trị để đánh lừa lòng tham của người dân.

Tạo áp lực tâm lý: Gây áp lực về thời gian, số lượng để khiến người dân vội vàng tham gia mà không kịp suy nghĩ.

Theo PGS-TS Nguyễn Thị Kim Anh, để tránh bị sập bẫy lừa đảo trên không gian mạng, mọi người cần nâng cao hiểu biết về công nghệ, cập nhật các thông tin về lừa đảo qua mạng, trang bị kiến thức để nhận diện các chiêu trò lừa đảo. Nên thận trọng trước những lời hứa hẹn hấp dẫn, không nên vội vàng tham gia vào các chương trình, cuộc thi mà chưa kiểm chứng kỹ lưỡng.

Chúng ta cần tìm hiểu kỹ thông tin về tổ chức, chương trình, hoặc cuộc thi trước khi tham gia. Nếu có nghi ngờ hay chưa nắm rõ thông tin cụ thể về chương trình thì nên đến ngay cơ quan chủ quản tổ chức để xem có phải cuộc thi tổ chức tại đó hay không và khi nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, cần báo ngay cho cơ quan chức năng để được hỗ trợ.

z5299053996166_d88ce03d5adc8cbd85a77bb51bab671f.jpg
PGS-TS Nguyễn Thị Kim Anh

Lừa đảo trên không gian mạng là một vấn đề nhức nhối cần được quan tâm. Mỗi người cần nâng cao cảnh giác và trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để tránh bị sập bẫy lừa đảo.

Tương tự, Luật sư Lê Trung Phát, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và sự phát triển mạnh mẽ của MXH thì tội phạm lừa đảo trên mạng cũng không ngừng gia tăng, ngày càng tinh vi và đa dạng hình thức lừa đảo như tuyển dụng lương cao, trúng thưởng, vay tiền online, giả dạng cơ quan chức năng, tổ chức cuộc thi rồi yêu cầu người tham gia thực hiện theo.

"Các đối tượng thường sử dụng các địa chỉ IP mạng ảo hoặc nhà mạng nước ngoài để lập tài khoản có thông tin giả trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber… để thực hiện các hành vi phạm tội. Cơ quan điều tra khó xác định được nhân thân, địa chỉ thật của người thực hiện hành vi phạm tội, đồng thời việc thu thập, đánh giá, xử lý chứng cứ điện tử để phục vụ cho việc điều tra, xét xử cũng rất khó khăn.

Thứ hai, đây là hành vi lừa đảo trên không gian mạng nhưng bản chất vẫn là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do đó, nhiều người gặp khó khăn khi áp dụng chế tài xử phạt hành chính do chế tài xử phạt này không nằm trong các văn bản xử phạt về An ninh mạng mà nằm trong Nghị định số 144/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình" - Luật sư Phát cho hay.

Về mức xử phạt, xử phạt vi phạm hành chính lần đầu nếu tài sản chiếm đoạt có giá trị dưới 2 triệu đồng theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021. Mức phạt tiền là từ 2 triệu đến 3 triệu đồng. Đồng thời còn bị xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm, nếu người nước ngoài vi phạm thì bị trục xuất khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trường hợp tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, hoặc nếu tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 174 BLHS 2015.

Lúc này, khung hình phạt cho người thực hiện hành vi lừa đảo sẽ là phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Về câu hỏi bạn đọc, các đối tượng lừa đảo là người Việt đang ở nước ngoài hoặc người nước ngoài thì sẽ xử lý thế nào?

Luật sư Lê Trung Phát trả lời: Căn cứ theo quy định tại Điều 6 Bộ Luật Hình sự năm 2015 thì các đối tượng lừa đảo là người Việt đang ở nước ngoài hoặc người nước ngoài có hành vi phạm tội xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam, lợi ích của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam theo quy định của BLHS 2015.

Về nguyên tắc tố tụng hình sự hiện nay, khi người phạm tội (bị can) trốn hoặc không biết rõ là đang ở đâu thì Cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã bị can theo quy định tại Điều 231 BLTTHS 2015. Trường hợp người phạm tội bỏ trốn khỏi lãnh thổ Việt Nam thì cơ quan điều tra cùng với các cơ quan có thẩm quyền, phối hợp liên kết với cảnh sát quốc tế hoặc các quốc gia mà Việt Nam ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp để thực hiện truy nã quốc tế, bắt và dẫn độ về nước.

Cuối cùng, nếu việc truy nã không có kết quả hoặc người phạm tội đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa thì Tòa án có thể xét xử vắng mặt theo quy định tại Khoản 2 Điều 290 BLTTHS 2015.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm