Ngày 16-1, phiên xử Phạm Công Danh, Trầm Bê và các đồng phạm cố ý làm trái quy định gây thiệt hại hơn 6.000 tỉ đồng tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) tiếp tục với phần xét hỏi. Vấn đề thu hút sự chú ý nhất là số tiền được xác định là thiệt hại lên tới hàng ngàn tỉ đồng đang ở đâu chưa rõ.
Đã sử dụng hết 4.500 tỉ đồng?
Luật sư hỏi đại diện Ngân hàng VNCB rằng khoản tiền 4.500 tỉ đồng mà Phạm Công Danh đã dùng để tăng vốn điều lệ (nhưng đã không được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp nhận) đang ở đâu. Đại diện VNCB trả lời là nằm trong tài khoản tiền gửi của VNCB tại NHNN. Vì trong giai đoạn đó 13.000 tỉ đồng tiền gửi tại NHNN có số tiền tăng vốn này.
Trước đó, đại diện VNCB đã gửi cho tòa số liệu về các dòng tiền. Cụ thể, từ ngày 14-2 đến 26-7-2014 (ngày khởi tố vụ án), VNCB đã sử dụng hơn 7.600 tỉ đồng tiền mặt, tiền gửi NHNN, tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác. Trong đó có bao gồm cả số tiền 4.500 tỉ đồng gửi tại Ngân hàng LienVietPostBank chuyển về sở giao dịch của NHNN. Nhưng số dư cuối ngày 26-7-2014 chỉ còn 526,1 tỉ đồng.
Luật sư đặt vấn đề: “Số tiền trên VNCB sử dụng chứ không phải do bị cáo Phạm Công Danh và đồng phạm sử dụng đúng không?”. Theo đại diện VNCB, trong giai đoạn này ông Danh là chủ tịch HĐQT. Vì thế số tiền này VNCB sử dụng chứ không phải cá nhân ông Danh và đồng phạm sử dụng.
Tuy nhiên, khi luật sư nhấn mạnh không sử dụng vào mục đích cá nhân thì đại diện VNCB không trả lời về ý kiến này. Đại diện VNCB giải thích thêm về dòng tiền này, cho rằng thời điểm đó “nguồn vào và nguồn ra khác nhau, không cùng một hoạt động”.
Bị cáo Phạm Công Danh. Ảnh: QUỐC VŨ
Đại diện VKSND đặt vấn đề với đại diện VNCB: “Sau khi NHNN mua lại 0 đồng thì nguồn tiền nào để trả cho người dân gửi tiết kiệm tại ngân hàng?”. Đại diện Ngân hàng VNCB đáp là dùng nguồn thu nợ khách hàng bán lẻ và từ nguồn Nhà nước. Khi kiểm sát viên hỏi cụ thể hơn là bao nhiêu từ nguồn thu nợ, bao nhiều từ Nhà nước thì vị đại diện nói: “Chúng tôi sẽ xem xét để đưa số liệu chính xác do dòng tiền đi vào, đi ra thường xuyên...”.
Trong khi tổ giám định NHNN trả lời tại tòa là không có tài liệu về khoản tiền 4.500 tỉ đồng là do VNCB sử dụng hay không.
Trước đó, bị cáo Phan Thành Mai (cựu tổng giám đốc VNCB) cũng trả lời luật sư là thời điểm đó VNCB đã hạch toán trở lại 4.500 tỉ đồng về tài khoản treo để tăng vốn điều lệ, do 22 tổ chức và cá nhân góp vào. Cuối năm 2014, ngân hàng có báo cáo tài chính và kiểm toán nhưng khi ấy bị cáo đã bị khởi tố. Bị cáo đề nghị HĐXX yêu cầu VNCB xuất báo cáo tài chính năm 2014. Bị cáo Mai cũng cho rằng tại thời điểm đó nếu cơ quan giám sát công khai việc không cho tăng vốn thì các bị cáo không có hậu quả như ngày hôm nay.
6.000 tỉ đồng thiệt hại đang ở đâu?
Đáng chú ý là đại diện VKS tại tòa đã xét hỏi để làm rõ khoản tiền trên 6.000 tỉ đồng mà ông Danh đã gây thiệt hại. VKS cho rằng VNCB có trên 6.000 tỉ đồng trong tài khoản. Sau đó bị cáo Danh mang đi thế chấp cho ba ngân hàng TPBank, BIDV và Sacombank. Vậy số tiền này ở đâu mà VNCB có?
Nguyên chủ tịch HĐQT VNCB Phạm Công Danh nói: “Lâu quá tôi không nhớ hết”, sau đó chuyển câu trả lời cho bị cáo Mai. Nguyên văn ông Danh nói: “Thưa tòa, chắc ông Phan Thành Mai biết”.
Trả lời VKS, bị cáo Mai nói khoản tiền trong tài khoản VNCB có 3.600 tỉ đồng từ bà Hứa Thị Phấn (thuộc nhóm Phú Mỹ) chuyển vào, trên 3.000 tỉ đồng còn lại huy động từ thị trường 1 (tức huy động tiết kiệm từ khách hàng…).
Còn trước đó bị cáo Hà Văn Bình (nguyên chủ tịch HĐQT Công ty Đại Phát) nói chỉ làm theo chỉ đạo của bị cáo Nguyễn Việt Hà (cựu giám đốc Quỹ Lộc Việt). Bị cáo thấy cáo trạng truy tố chưa đúng. Bị cáo này cho biết mình không quen biết ông Phạm Công Danh.
Bình còn khai công ty thành lập từ năm 2010, do ý tưởng của bị cáo Hà. Công ty có chức năng tư vấn về bất động sản và vốn điều lệ nộp vào là 6 tỉ đồng, có ba thành viên nhưng thực tế chỉ có hai. Bị cáo đứng tên 40% vốn công ty nhưng là đứng hộ. Trong hoạt động, bị cáo hoàn toàn theo sắp xếp của bị cáo Hà.
HĐXX hỏi: “Tiền vốn là của ai?”. Bị cáo Bình trả lời: “Bị cáo không có nhiều tiền thế. Phía anh Hà gửi tiền vào tài khoản cho có để chứng minh với Sở KH&ĐT, rồi sau đó rút ra trả anh Hà”. Cũng theo bị cáo này, từ khi xảy ra vụ việc với TPBank thì công ty chưa có việc gì nên chưa dùng đến tiền. Tòa hỏi bị cáo nhận lương từ đâu khi điều hành công ty. Bị cáo đáp công ty chưa có gì nên chưa có lương...
Tòa từ chối luật sư ông Trần Bắc Hà mời Trước khi bắt đầu phiên tòa, thay mặt HĐXX, chủ tọa thông báo: Theo biên bản làm việc với người đại diện của ông Trần Bắc Hà, xác định ông đã nhập viện tại Singapore. Theo đó, ông Hà nhập cảnh ngày 7-1 vừa qua (trước ngày khai mạc tòa 8-1 - PV). Người đại diện đã nộp hồ sơ chứng minh ông Hà đang điều trị bệnh tại Singapore. HĐXX chấp nhận đơn vắng mặt vì đã nộp đủ giấy tờ, xác nhận của đại sứ quán. Tuy nhiên, HĐXX không chấp nhận cho luật sư ông Hà tham gia phiên tòa (ngoài người đại diện là một luật sư, ông Hà còn mời thêm một luật sư bảo vệ quyền và lợi ích - PV). Lý do là đơn giới thiệu luật sư tham gia phiên tòa trên không thể hiện ý chí chủ quan của ông Hà. Đồng thời, tòa nhấn mạnh chỉ chấp nhận cho luật sư ông Hà tham gia phiên tòa khi ông Hà có mặt. Vì trước đó tòa đã gửi thông tin triệu tập đến người liên quan nhưng mãi đến nay mới có thông báo và việc giới thiệu luật sư bảo vệ cũng không có xác thực của lãnh sự quán. Trước đó, hai phó tổng BIDV, người liên quan trong vụ án bị triệu tập cũng mời luật sư trễ khi tòa đã khai mạc và HĐXX chấp nhận cho luật sư của họ tham gia phiên tòa. |