Luật Đầu tư công: Chống tùy tiện đội vốn dự án

Ngày 13-6, Quốc hội (QH) đã thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi) với 439/450 (chiếm 90,70%) đại biểu QH tán thành.

Chống tăng tổng mức đầu tư nhiều lần

Trước đó, Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Theo ông Nguyễn Đức Hải, để khắc phục tình trạng điều chỉnh tổng mức đầu tư tùy tiện, dự thảo luật trình QH đã quy định việc điều chỉnh chủ trương đầu tư phải tuân thủ các quy định phân loại chương trình, dự án. Các quy định này khá chặt chẽ nhằm hạn chế điều chỉnh dự án, tăng tổng mức đầu tư nhiều lần.

Trong thực tế, khó có thể quy định tỉ lệ chung khống chế tỉ lệ tăng mức vốn đầu tư cho tất cả dự án trên cả nước do mỗi khi điều chỉnh, cấp có thẩm quyền phải xác định trên cơ sở điều kiện thực tế được pháp luật cho phép và việc điều chỉnh phải đem lại hiệu quả đầu tư.

Về quy định đối với trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh quyết định đầu tư dẫn đến thay đổi phân loại dự án, Ủy ban Thường vụ QH xin tiếp thu ý kiến đại biểu. Theo đó, trong mọi trường hợp điều chỉnh, cấp quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư chương trình, dự án phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày một số nội dung sửa đổi trong luật. Ảnh: QH

Con gà (vốn) phải có trước

Bên cạnh đó, Luật Đầu tư công (sửa đổi) đổi mới phương thức kế hoạch hóa, đáp ứng tốt hơn đối với thực tiễn vận hành của nền kinh tế, khắc phục được vướng mắc lớn nhất về đầu tư công trước đây, đó là vấn đề “con gà, quả trứng”, nghĩa là vốn (con gà) có trước hay dự án (quả trứng) có trước.

Cụ thể, trước đây, muốn quyết định chủ trương đầu tư của một dự án cần phải xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn. Tuy nhiên, muốn xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn phải căn cứ vào dự án. Như vậy là đã tạo một vòng lặp luẩn quẩn và không có giải pháp lối ra để xử lý.

Nhưng Luật Đầu tư công lần này đề xuất phương án phải có dự kiến kế hoạch nguồn vốn và khả năng cân đối vốn trước (tạm gọi là số kiểm tra). Từ nguồn vốn, các bộ, cơ quan, địa phương tiến hành các bước, các thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Dự án quan trọng sử dụng vốn trên 10.000 tỉ đồng

Luật Đầu tư công quy định dự án quan trọng quốc gia có một trong các tiêu chí: Sử dụng vốn từ 10.000 tỉ đồng trở lên; sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan, khu rừng nghiên cứu…; sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ trên hai vụ với quy mô từ trên 500 ha; di dân tái định cư từ 20.000 người trở lên ở miền núi, từ 50.000 người trở lên ở các vùng khác; dự án đòi hỏi phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được QH quyết định. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm