“Luật Kế toán phải thể hiện được tính công khai, minh bạch. Nước ngoài đến ta đầu tư, chỉ cần xem luật kế toán là người ta biết ngay. Luật này phải dày, không thể mỏng được, đừng có tinh giản, nếu không đừng làm luật”, Chủ tịch Quốc hội nói. Theo Chủ tịch Quôc hội, luật kế toán phải công khai, minh bạch, chính xác và phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên dự thảo Luật kế toán trình lần này lại chưa kỹ … Bên cạnh đó, kiểm toán nội bộ hình thù cũng chưa rõ dù việc này đã bàn thảo nhiều năm. Chủ tịch Quốc hội đề nghị lần sửa đổi này phải đưa vào luật.
“Nếu kế toán không có tính hệ thống, thống nhất, minh bạch thì việc thanh kiểm tra, kiểm toán không thể thực hiện được. Thống kê và kế toán rất quan trọng. Thống kê tổng kết về lịch sử, còn kế toán nói lên sự thực của đời sống. Tìm tiêu cực, tham nhũng, biển thủ cũng ở đây”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng
Liên quan đến nội dung thuê dịch vụ kế toán, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng việc thuê kế toán, kế toán trưởng rất quan trọng. Hiện có tình trạng nhiều doanh nghiệp thuê cán bộ để làm thuế, kế toán. Cần phải quy định cụ thể điều kiện thuê kế toán. Phải có điều kiện cán bộ đang công tác thì không được làm việc này, cán bộ nghỉ hưu mới được làm. “Anh đang kiểm soát thuế, mà anh lại tiếp tay cho doanh nghiệp thuê anh là không được”, ông Phúc nói.
Đặc biệt, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị nên bỏ quy định về điều kiện cấp giấy chứng nhận kinh doanh kế toán. “Nên bỏ vì không hợp lý. Luật DN đã quy định rồi, giờ ta lại quy định thêm. Hoàn toàn ko phù hợp. Giờ kinh doanh kế toán lại phải góp 5-60% vốn nữa sao?”, Ông Lý đặt câu hỏi.
Bên cạnh đó các ĐB cũng cho rằng cần quy định cụ thể một số nội dung vào trong luật như: kiểm toán nội bộ; quy định về điều kiện kế toán trưởng; hội nghề nghiệp kế toán…
Trước những ý kiến trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, sẽ tiếp thu và cố gắng cụ thể hóa toàn bộ những vấn đề đại biểu vừa nêu, nhưng việc này cũng chỉ thực hiện ở mức độ nào đó thôi. “Về chuẩn mực kế toán, cố gắng đưa vào luật. Nếu đưa vào cả thì dầy lắm. Chỉ có thể đưa vào ở một mức độ nhất định”, ông Hiển vừa nói vừa làm động tác ước chừng độ dầy của dự luật trên sẽ vào khoảng 50 cm nếu đưa chi tiết các chuẩn mực kế toán vào trong luật.
Cùng ý kiến với ông Hiển, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng dẫn dụ, quy định về chuẩn mực kế toán, hiện có tới 37 chuẩn mực kế toán, hơn 40 chuẩn mực về kiểm toán, do vậy Luật chỉ quy định nguyên tắc thôi, còn lại sẽ giao cho Bộ tài chính quy định chuẩn mực.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị luật phải xây dựng trên cơ sở đảm bảo tính công khai, minh bạch, chặt chẽ rõ ràng và phù hợp với quy tắc quốc tế, đảm bảo tính hợp hiến đồng bộ. Đối với chuẩn mực và tiêu chuẩn của kế toán trưởng cần cố gắng đưa vào luật.