Theo ông Tiền, điểm thụt lùi thứ nhất là dự luật lần này không đề cập đến các ngành nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện mà chuyển hai danh mục này sang luật Đầu tư.
Trong khi đó, có rất nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng không cần thiết có luật Đầu tư. Bởi đầu tư công đã có Luật Đầu tư công, còn lại đầu tư phục vụ kinh doanh lại gắn liền với đầu tư thành lập DN, là gắn với luật Doanh nghiệp sẽ hợp lí hơn. Do đó, việc chuyển đổi này khiến cho Luật DN trở thành hành lang pháp lí chưa đầy đủ cho việc thành lập DN và hoạt động kinh doanh.
Bước lùi thứ hai là chương quy định về DNNN. Trong đó có một nội dung khá quan trọng là cơ quan đại diện chủ sở hữu DNNN là cơ quan nào thì luật DN cũng không quy định. Trong khi đó Luật quản lí vốn cũng không có quy định cụ thể. Dường như ban soạn thảo để lại điều này để chính phủ quy định và trở lại mô hình bộ chủ quản như hiện nay, tiếp tục tái diễn tình trạng vừa đá bóng vửa thổi còi, tạo ra lợi ích nhóm, thiếu minh bạch.
Một điểm khiếm khuyết nữa được ông Tiền chỉ ra là hiện nay chưa có một cơ chế nào, kể cả trong Luật DN và Luật Đầu tư, để các bộ ngành phải giải trình lí do vì sao đặt ra những điều kiện kinh doanh, đặt ra các điều kiện đó để làm gì.
“Vừa rồi trong dự thảo luật kế toán đưa ra 9 điều kiện về hoạt động dịch vụ kế toán thì không có một ông DN nào có thể đáp ứng được. Trong khi đó, những người làm kế toán chạy sô không đăng kí kinh doanh vẫn hoạt động vô tư mà bộ không thể can thiệp được. Hiện nay có khoảng 400 DN hoạt động trong lĩnh vực kế toán nhưng đăng kí hành nghề kế toán và kiểm toán chỉ có 82 DN”, ông Tiền dẫn chứng.