Chiều 12-3, Đoàn Luật sư (LS) TP.HCM đã ra quyết định xử lý kỷ luật LS Phạm Công Út (Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Phạm Nghiêm, thuộc Đoàn LS TP.HCM) với hình thức kỷ luật xóa tên khỏi danh sách LS Đoàn LS TP.
Điều đáng nói là ông Út đang là LS bào chữa cho tám bị cáo trong phiên xử vụ cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nam Việt (Navibank) mà TAND TP.HCM đang xét xử. Cả ngày 12-3, ông Út vẫn tham gia phiên xử vụ án Navibank nói trên với tư cách LS bào chữa.
Liên quan đến phí LS trong vụ án khác
Theo nội dung quyết định của Ban chủ nhiệm Đoàn LS TP.HCM về việc kỷ luật, ông Phạm Công Út ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với khách hàng nhận ngay 1 tỉ đồng và sẽ nhận 30% giá trị tài sản thu hồi được nhưng không có khả năng thực hiện hợp đồng, không hoàn trả tiền cho khách hàng.
Khách hàng yêu cầu thanh lý hợp đồng, ông Út chỉ chuyển trả 200 triệu đồng. Đến khi khách hàng khiếu nại, ông Út lại cho rằng số tiền 200 triệu đồng là cho khách hàng mượn, sẽ đòi lại và yêu cầu tiếp tục thực hiện hợp đồng.
Trong quá trình hòa giải, ông Út không thừa nhận sai phạm, chỉ trả thêm 300 triệu đồng và đặt điều kiện là khách hàng phải rút đơn khiếu nại, nếu không ông sẽ kiện đòi lại tiền. Tuy nhiên, khách hàng không đồng ý, vẫn yêu cầu ông Út trả phần còn lại.
Theo quyết định, hành vi nêu trên của ông Út đã vi phạm khoản 5 Điều 3, điểm d khoản 1 Điều 9 Luật LS, các quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của LS Việt Nam. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Ông Út có quyền khiếu nại đến Ban Thường vụ Liên đoàn LS Việt Nam trong thời hạn 15 ngày (kể từ ngày nhận được quyết định này).
LS Phạm Công Út (thứ hai từ phải sang) tại phiên xử Navibank. Ảnh: HY
Chiều 12-3, trước khi tạm dừng phiên xử buổi chiều vụ Navibank, thẩm phán chủ tọa phiên tòa Vũ Thanh Lâm thông báo công khai: “Thông qua báo mạng, tòa có nhận được thông tin về một LS đang bào chữa tại phiên xử, HĐXX sẽ xem xét”. Sau đó PV đã xin gặp riêng để hỏi về địa vị pháp lý với tư cách là LS của ông Út trong phiên xử này trong những ngày tiếp theo nhưng thẩm phán Lâm từ chối bình luận.
Một thành viên Ban chủ nhiệm Đoàn LS TP nói: “Sau khi nhận đơn khiếu nại của người dân, Đoàn LS đã cử người xác minh. Nhận thấy ông Út có dấu hiệu vi phạm, Đoàn LS đã mời ông Út đến giải trình và họp Hội đồng Khen thưởng-Kỷ luật nhiều lần. Sau cùng, ban chủ nhiệm đã họp nhiều lần và thống nhất xóa tên”.
Cũng theo vị này, Đoàn LS TP đã gửi quyết định xóa tên ông Út ra khỏi đoàn đến các cơ quan chức năng. Về nguyên tắc, nếu LS bị xóa tên thì không thể tham gia bào chữa tại phiên xử Navibank mà phải dừng ngay công việc này lại.
Người bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tên khỏi danh sách LS của Đoàn LS sẽ bị thu hồi chứng chỉ hành nghề LS. Trong trường hợp LS bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tên khỏi danh sách LS của Đoàn LS thì Đoàn LS phải thông báo bằng văn bản với Sở Tư pháp và đề nghị Bộ Tư pháp thu hồi chứng chỉ hành nghề LS, đề nghị Liên đoàn LS Việt Nam thu hồi thẻ LS. Theo điểm g khoản 1 Điều 18 và khoản 3 Điều 85 Luật LS |
Ông Út: “Tôi sẽ rút việc bào chữa”
Trao đổi sau khi rời phiên tòa, ông Út cho biết sẽ rút việc tham gia bào chữa tại phiên xử này và ông cũng không khiếu nại gì quyết định trên của Đoàn LS TP.HCM. Ông Út cũng thông tin cho biết là vợ ông rất lo lắng cho ông suốt thời gian qua bởi LS là nghề nguy hiểm.
LS Nguyễn Văn Trung (Chủ nhiệm Đoàn LS TP.HCM) cho biết: “Sau khi Hội đồng Khen thưởng-Kỷ luật họp nhiều lần, mức kỷ luật xóa tên cũng được cân nhắc vì là hình thức kỷ luật nặng nhất. Tuy nhiên, do ông Út đã có hành vi vi phạm nhiều quy định của Luật LS và các quy tắc ứng xử nghề nghiệp nên Ban chủ nhiệm đã thống nhất xóa tên. Vụ việc này kéo dài từ năm 2017 đến nay, Đoàn LS đã xác minh, kiểm tra, hòa giải… và đã cân nhắc nhiều trước khi ra quyết định xử lý kỷ luật. LS bị kỷ luật xóa tên sau ba năm sẽ được nộp đơn gia nhập lại nếu đáp ứng những điều kiện theo quy định”.
Đề nghị mức án với 10 cựu lãnh đạo Navibank Chiều 12-3, đại diện VKS đã phát biểu quan điểm luận tội tại phiên xử Navibank. Đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt nguyên tổng giám đốc Navibank Lê Quang Trí 14-15 năm tù. Các bị cáo Đoàn Đăng Luật, Huỳnh Vĩnh Phát, Trần Thanh Bình bị đề nghị cùng mức án 12-13 năm tù. Hai bị cáo Cao Kim Sơn Cương và Nguyễn Hồng Sơn (nguyên phó tổng giám đốc Navibank) bị đề nghị 10-11 năm tù. Bị cáo Đinh Thị Đoan Trang bị đề nghị mức án 9-10 năm tù. Hai bị cáo còn lại là Nguyễn Ngọc Oanh, Phạm Thị Thu Hiền bị đề nghị mức án 8-9 năm tù.
Về biện pháp tư pháp, VKS đề nghị HĐXX tuyên buộc Navibank phải nộp lại hơn 24 tỉ đồng là tiền lãi ngoài mà Navibank được hưởng từ các hợp đồng tiền gửi tại VietinBank để sung công quỹ nhà nước. Theo VKS, các bị cáo dưới sự chỉ đạo của bị cáo Trí đã ký thống nhất chuyển tiền cho 14 nhân viên gửi sang VietinBank để gửi lấy lãi chênh lệch. Do đó, cáo trạng truy tố các bị cáo về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật… H.YẾN |
Các hợp đồng dịch vụ pháp lý khác tính sao? Theo điểm c khoản 1 Điều 47 Luật LS thì khi giám đốc công ty Luật TNHH MTV Phạm Nghiêm bị thu hồi chứng chỉ hành nghề LS thì tổ chức hành nghề LS sẽ chấm dứt hoạt động. Lúc này Sở Tư pháp thu hồi giấy đăng ký hoạt động. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày bị thu hồi giấy đăng ký hoạt động, chứng chỉ hành nghề LS thì LS phải giải quyết các hợp đồng dịch vụ pháp lý đã ký với khách hàng, những hợp đồng chưa thực hiện xong thì LS phải thỏa thuận với khách hàng về việc thực hiện nó. Theo Điều 11 Luật LS thì khi bị thu hồi chứng chỉ hành nghề thì LS không đủ điều kiện để tiếp tục hành nghề. Do đó đối với những thỏa thuận của khách hàng mà LS đang tham gia với tư cách là LS bào chữa hoặc bảo vệ quyền lợi thì LS đã bị thu hồi chứng chỉ không thể tiếp tục tham gia được nữa. Lúc này LS bị thu hồi chứng chỉ phải thỏa thuận với khách hàng giải quyết những vấn đề liên quan trong hợp đồng dịch vụ pháp lý đã ký. LS NGUYỄN SƠN LÂM, Đoàn LS TP.HCM |