Điều 217 BLTTHS 2003 về trình tự phát biểu khi tranh luận quy định sau khi kết thúc việc xét hỏi, kiểm sát viên trình bày lời luận tội. Sau đó bị cáo trình bày lời bào chữa, nếu bị cáo có người bào chữa thì người này bào chữa cho bị cáo. Sau khi luật sư (LS) bào chữa phát biểu xong, chủ tọa hỏi bị cáo có đồng ý với quan điểm của LS hay không, có cần bổ sung gì không. Nếu bị cáo có ý kiến phát biểu bổ sung thì để bị cáo được phát biểu… Sau đó chủ tọa sẽ yêu cầu những người tham gia tố tụng khác phát biểu quan điểm của mình đối với bản luận tội của đại diện VKS.
Điều 320 BLTTHS 2015 (có hiệu lực từ ngày 1-1) đã sửa đổi, bổ sung về trình tự tranh luận trên. Theo đó, nếu vụ án được khởi tố theo yêu cầu của bị hại thì bị hại hoặc người đại diện của họ trình bày, bổ sung ý kiến sau khi kiểm sát viên trình bày lời luận tội. Tiếp đến bị cáo là người phát biểu lời bào chữa trước, sau đó mới đến người bào chữa. Tuy nhiên, thực tế có tình trạng thẩm phán chủ tọa vẫn điều hành phần tranh luận theo quy định của luật cũ. Điển hình là phiên tòa xét xử vụ án Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng. Sau lời luận tội của VKS, chủ tọa đã yêu cầu các LS phát biểu lời bào chữa trước...
Vấn đề đặt ra là nên để bị cáo phát biểu lời bào chữa trước, hay cứ thực hiện như quy định cũ là người bào chữa phát biểu trước, hoặc HĐXX nên linh hoạt hỏi ý kiến hai chủ thể này?
Quan điểm thứ nhất cho rằng BLTTHS 2015 quy định như thế nào thì người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng phải thực hiện đúng trình tự đó. Nghĩa là bị cáo phải được phát biểu trước, người bào chữa phát biểu sau. Cuối cùng, bị cáo có quyền bổ sung ý kiến bào chữa của người bào chữa.
Quan điểm thứ hai thì lập luận: HĐXX nên để cho bị cáo quyết định trong phần bào chữa, họ phát biểu lời bào chữa trước hay sau người bào chữa. Nếu bị cáo đề nghị người bào chữa phát biểu trước thì HĐXX không có căn cứ nào buộc họ phải phát biểu trước. Sau khi người bào chữa phát biểu xong, bị cáo thực hiện quyền ý kiến bổ sung ý kiến người bào chữa.
Thực tiễn cho thấy các vụ án bị cáo có yêu cầu người bào chữa hoặc có người bào chữa theo chỉ định thì hầu như họ đều đề nghị người bào chữa phát biểu trước và họ chỉ bổ sung ý kiến bào chữa (nếu có).
Việc quy định mới cho phép các bị cáo được phát biểu bào chữa trước có thể gây khó khăn, thậm chí là mâu thuẫn về quan điểm bào chữa giữa bị cáo và người bào chữa. Đặc biệt, trường hợp bị cáo có nhiều LS cùng tham gia bào chữa thì càng khó khăn hơn.
Vần đề là kỹ năng và chất lượng trong thực hiện việc phát biểu lời bào chữa cho bị cáo như thế nào, chứ không nhất thiết phải tuân thủ trình tự ai nói trước ai nói sau. Vì vậy, dù BLTTHS 2015 có sửa đổi trình tự phát biểu lời bào chữa nhưng HĐXX nên linh hoạt để cho bị cáo và người bào chữa quyết định trình tự phát biểu. Bởi mục tiêu quan trọng nhất là người bị buộc tội được đảm bảo thực hiện tối đa quyền bào chữa tại phiên tòa xét xử công khai.
LS NGUYỄN HỒNG HÀ, Phó Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Khánh Hòa