Ông Trần Thanh Toàn (ngụ Trà Vinh) vừa khởi kiện luật sư (LS) X. (Đoàn LS tỉnh An Giang) ra TAND TP Long Xuyên để đòi lại 80 triệu đồng. Ông Toàn cho biết trước đó, ông thuê LS X. bào chữa cho em trai ông (bị truy tố, xét xử tội buôn bán hàng cấm) được hưởng án treo. Tuy nhiên, cuối cùng em trai ông vẫn bị phạt 18 tháng tù.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, LS X. đã phủ nhận điều này. Vụ việc hiện đang được tòa thụ lý giải quyết.
Hứa nhưng không thành
Ông Toàn kể năm 2014 em trai ông bị bắt vì chở thuốc lá lậu. Sợ em bị tù giam, ngày 6-8-2014, ông nhờ LS X. bào chữa theo hướng em ông được án treo. Dù hai bên đã thỏa thuận vậy nhưng hợp đồng in ra thì không ghi chữ án treo nào nên ông không đồng ý ký. Sau đó LS viết thêm chữ “án treo” vào hợp đồng.
Theo ông Toàn, tổng giá trị hợp đồng là 120 triệu đồng. Ngày 6-8-2014, LS X. nhận trước 50 triệu đồng. Ba tháng sau, LS nhận tiếp 30 triệu đồng. Ngày 28-11-2014, tòa đưa vụ án ra xử và tuyên em trai ông không được hưởng án treo.
“Lúc đó tôi nói với LS: “Giờ tòa kêu án vậy, LS coi làm sao cho được chứ”. Khi ấy LS X. nói để làm tạm hoãn thi hành án một năm, sau một năm làm tiếp tạm hoãn nữa thì có thể xin miễn chấp hành án. Tôi nói nếu làm được hai chuyến vậy thì đồng ý hết 80 triệu đồng, nếu không được phải hoàn lại. LS nói sẽ ráng làm. Tuy nhiên, sau đó em tôi vẫn phải thi hành án. Tôi kêu LS trả lại tiền thì LS không chịu, bảo muốn thưa cứ thưa. Ý tôi lúc đầu không muốn đòi lại hết nhưng bức xúc quá nên mới quyết đòi hết” - ông Toàn nói.
Ông Toàn cho rằng LS đã hứa kết quả án treo nhưng không thành thì phải trả lại tiền cho ông. Ảnh: N.NAM
Hợp đồng dịch vụ pháp lý giữa LS X. ký với ông Toàn, trong đó có ghi thêm hai từ “án treo”. Ảnh: N.NAM
Luật sư bị cảnh cáo
Ông Toàn nói thêm trong một biên bản hòa giải tại Ban Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh An Giang, LS X. cho rằng nhận 50 triệu đồng của ông là để làm chi phí tại ngoại cho em ông. Điều này là không có cơ sở. Gia đình ông có đơn xin tại ngoại với lý do gia đình đơn chiếc, cha mới mất, vợ bị can mới ly hôn, trước khi bị bắt bị can đang nuôi con nhỏ với mẹ già… Sau đó VKS quyết định cho em ông tại ngoại. Thậm chí đơn xin tại ngoại cũng do gia đình làm chứ không phải LS X. làm giúp.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Văn Sáu - Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh An Giang cho biết khi hòa giải tại đoàn, LS X. thừa nhận có viết thêm hai chữ “án treo” và ký tên vào hợp đồng như ông Toàn phản ánh. Tuy nhiên, LS giải thích rằng viết theo yêu cầu của ông Toàn để mẹ ông Toàn an lòng do bà cao tuổi chứ LS không hứa hẹn kết quả trước với khách hàng.
Theo ông Sáu, LS X. nói vậy nhưng bên ông Toàn không thừa nhận. LS X. cũng không có gì chứng minh cho lời nói của mình. Đoàn nhận thấy LS X. vi phạm đạo đức nghề nghiệp nên đã ra quyết định cảnh cáo. LS X. không đồng ý và đã khiếu nại về Liên đoàn LS Việt Nam.
“Mình là LS phải biết những điều được làm và không được làm. Nếu như gia đình ông Toàn có yêu cầu về việc ghi rõ kết quả án treo thì LS cũng không thể được ghi như vậy. Làm như vậy là vi phạm vào điều cấm của LS. Ban Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh An Giang đã biểu quyết với 5/5 phiếu thống nhất kỷ luật với hình thức cảnh cáo LS X. Đây là trường hợp vi phạm lần đầu của Đoàn LS tỉnh An Giang” - ông Sáu cho hay.
Luật sư X.: Chữ “án treo” không có giá trị pháp lý! Trong bút ký phiên tòa và bản án vụ án hình sự của em trai ông Toàn, không có câu chữ nào thể hiện LS bào chữa xin cho bị cáo hưởng án treo. Ngay từ đầu không có ý niệm gì về án treo. Tôi ghi thêm chữ “án treo” trên hợp đồng là theo ý của ông Toàn… . Việc viết tay thêm vào như vậy có ý nghĩa gì trong hợp đồng? + Anh Toàn nói mẹ đang bệnh, nghe em trai bị bắt, nếu để lâu sợ bà già lo lắng mà chết nên đề nghị LS ghi vô hợp đồng án treo để gia đình yên tâm… Tôi nói: "Thôi, để tôi ghi cho mẹ anh yên tâm chứ hợp đồng ghi đầy đủ hết rồi". . LS đã hành nghề trên dưới 10 năm, hiểu rõ các quy tắc của LS, vậy thì vì sao LS vẫn viết như vậy? + Tôi nghĩ là đã soạn cái hợp đồng đó đàng hoàng rồi, bằng văn bản rồi. Tôi không hứa hẹn kết quả gì cả, hoàn toàn không hứa án treo. Nếu trong hợp đồng này mà chữ “án treo” đánh máy luôn thì cái đó mới nói là tôi hứa hẹn, buộc tôi được. Còn đây là viết tay, chỉ là mình giúp họ trấn an gia đình thôi. Tôi khẳng định là chữ “án treo” viết tay đó không có giá trị pháp lý vì cái đó là hứa miệng ở ngoài cái hợp đồng. Coi như ghi vô đó để họ về nhà nói chuyện với gia đình, với bà già, chứng minh cho bà già gì đó, tôi cũng không có hiểu… Hợp đồng đã xây dựng xong rồi, nếu muốn sửa đổi hợp đồng là phải có phụ lục. Anh Toàn cứ chăm bẵm vào đó, nghe lời người khác muốn hạ uy tín tôi hoặc là có một cái gì đó. . Ông Toàn kiện đòi lại 80 triệu đồng, ý LS thế nào? + Tôi không đồng ý vì tôi đã làm hết trách nhiệm rồi. Tôi làm vượt luôn trách nhiệm. Tôi không sai trong vụ đó nên tôi không trả lại. Anh Toàn cứ thưa tôi nhiều chỗ. Thưa gì thì thưa một chỗ thôi… Tôi nói thiệt, tôi cũng giận lắm. Sau vụ này tôi cũng làm đơn phản tố lại, yêu cầu anh Toàn xin lỗi, bồi thường danh dự cho tôi. Anh thưa tôi mà cái kiểu cố tình công kích, làm xúc phạm đến danh dự, uy tín của tôi. Tôi không hứa hẹn gì với anh mà anh thưa đủ trò như vậy là sao? |