Những ngày qua, dư luận tiếp tục quan tâm vụ việc cô giáo mầm non về hưu nhận mức lương thấp không thể tưởng tượng 1,3 triệu đồng/tháng. Mức lương ấy không đủ sống, các cô lại phải đi làm thêm để có cái ăn cái mặc. Phía BHXH tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh thì cho rằng “đã tính đúng mức lương hưu cho các cô”.
Không đủ sống phải đi làm thêm
Ngày 30-10, cô Trương Thị Lan (ở huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) quay lại ngôi trường cô từng là giáo viên để làm công việc nấu ăn cho học sinh. Sau 37 năm cống hiến, cầm quyết định nghỉ hưu 1,3 triệu đồng/tháng, cô Lan khóc, cả tập thể giáo viên của Trường Mầm non Lê Duẩn (xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên) không biết động viên cô bằng cách nào chỉ có khóc theo.
“Con trai thì sức khỏe kém, chồng bị điếc, bị tiểu đường, con gái nghỉ sinh không có lương, con gái út đang học lớp 12, cô Nguyễn Thị Thu Hà, Hiệu trưởng trường, thương hoàn cảnh nên nhận tôi vào nấu ăn phục vụ cho trường. Giờ đang còn sức chỉ biết cố gắng lao động kiếm thêm nuôi bản thân và chồng con. Mai sau tôi già thêm, sức khỏe yếu sống ra sao đây” - cô Lan quệt nước mắt nói.
Cũng như cô Lan, cô Nguyễn Thị Vỹ (ở xã Nam Xuân, huyện Nam Đàn, Nghệ An) ngã quỵ khi nhận quyết định nghỉ hưu với mức lương 1.356.000 đồng/tháng. Chúng tôi đến nhà của cô Vỹ ở chân núi Hủng Vàng (xóm 7, xã Nam Xuân, huyện Nam Đàn, Nghệ An) thấy cửa đóng then cài. Hàng xóm cho biết: “Chồng cô Vỹ đi bệnh viện, còn cô đang ra đồng trồng rau để bán”.
Trời sẩm tối, cô Vỹ mới về đến nhà. Vừa cho đàn gà, vịt trong vườn nhà ăn, cô Vỹ quệt nước mắt vừa nói: “Khi cầm quyết định nghỉ hưu, tôi đọc không thể tin vào mắt mình, lương 1.356.000 đồng/tháng. Tôi choáng váng, ngã quỵ xuống. Trở về nhà tôi nằm khóc bốn ngày. Đêm không sao chợp mắt được.
Sau 35 năm học tập và công tác từ miền núi đến miền trung du, miền xuôi, tôi không ngờ nghỉ hưu với mức lương quá thấp vậy. Dù tôi nói thật mức lương hưu thì người thân và xóm giềng đều không tin, mọi người cho rằng tôi giấu giếm lương chứ ít nhất tháng cũng 3,5 triệu đồng mới đủ sống. Giờ nghỉ hưu lương quá thấp, không đủ mua gạo ăn, phải ra làm nông thôi” - cô Vỹ nói.
Cô Trương Thị Lan (ảnh trái) ngồi buồn, lo lắng khi nghỉ hưu lương 1,3 triệu đồng. Cô Nguyễn Thị Vỹ đang hái chè xanh để bán, kiếm thêm thu nhập cho đủ sống. Ảnh: ĐL
Thiệt thòi vì là... giáo viên nông thôn
Ông Nguyễn Quang Quyết, Trưởng phòng Chế độ BHXH, BHXH tỉnh Nghệ An, cho biết: “Giáo viên mầm non trước năm 1995 được điều chỉnh bởi Quyết định 133 (năm 1982 của Hội đồng Bộ trưởng, nay là Chính phủ) và Thông tư 25 (ngày 16-8-1983) của Bộ GD&ĐT hướng dẫn quyết định trên. Điều chỉnh thứ hai là Thông tư 09 liên bộ GD&ĐT, Tài chính, NN&PTNT (ngày 21-5-1977).
Đối với Quyết định 133 thì chỉ tuyển dụng hiệu trưởng vào biên chế nhà nước và thời gian công tác tính từ ngày vào làm giáo viên mẫu giáo. Còn Thông tư 09 lại quy định đối với giáo viên mầm non ở TP và thị xã thì mới có biên chế, còn ở khu vực nông thôn giáo viên mầm non không có biên chế nhà nước mà chỉ được ăn công điểm. Ăn công điểm thì phụ thuộc vào mức thu nhập của hợp tác xã trên địa bàn cô giáo đó giảng dạy. Đối với các cô giáo khu vực nông thôn dù đi dạy trước năm 1995 chỉ được tính bảo hiểm khi có quyết định vào biên chế nhà nước”.
Theo ông Quyết, các giáo viên mầm non ở nông thôn có thời gian giảng dạy rất dài nhưng không được công nhận thời gian công tác. Sau đó, Chính phủ có Nghị định 73 (ngày 19-8-1999) về xã hội hóa ngành giáo dục, ngành văn hóa thể thao, khi đó các đối tượng trên mới được đóng BHXH. Đến ngày 22-3-2004, Bộ GD&ĐT cùng BHXH Việt Nam có Công văn 2150 thực hiện đối với ngành, cơ sở giáo dục thì các cô giáo nông thôn nêu trên được truy đóng BHXH từ ngày 1-1-1995.
Như vậy, xuất hiện lương 1,3 triệu đồng và tính ra lương hưu dưới 1,3 triệu đồng được bù thêm cho đủ 1,3 triệu đồng chủ yếu là giáo viên mầm non nông thôn. Nếu cô giáo đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH thì tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện.
Trả lời câu hỏi về việc có kiến nghị nâng lương cho giáo viên mầm non nông thôn đặc thù hay không, ông Lê Trường Giang, Giám đốc BHXH tỉnh Nghệ An, cho rằng: “Đây là vấn đề chính sách, phải xem xét tổng thể và có tính kế thừa”. Cũng theo ông Giang, nếu cho giáo viên mầm non được hưởng chính sách ưu tiên thì sẽ phải có sự điều chỉnh các ngành nghề khác nên không đơn giản muốn là làm được ngay”.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Lương 1,3 triệu đồng sống sao nổi! Sáng 30-10, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về trường hợp của cô Trương Thị Lan (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) nhận lương 1,3 triệu đồng/tháng khi về hưu, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết đã có đề xuất với Bộ Nội vụ. Theo ông, đây là thực trạng phổ biến của các thầy cô vì thang, bảng lương trong giáo dục thấp so với yêu cầu, nhất là yêu cầu đổi mới. Hiện Bộ GD&ĐT đang làm việc với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính để đưa thang, bảng lương của các thầy cô vào luật giáo dục. Bộ trưởng Nhạ chia sẻ: “Đứng về mặt Nhà nước quy định là như thế nhưng thực tế các thầy cô hy sinh gần như cả đời, giờ về hưu lương chỉ 1,3 triệu đồng thì sống sao được”. Theo ông Nhạ, đề xuất này của Bộ đang được tiếp thu, sửa chữa, dự kiến Quốc hội sẽ xem xét tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5-2018) và thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10-2018). Đề xuất tăng lương cho giáo viên hiện được các bộ, ngành cho ý kiến với phương châm “có lợi nhất cho các thầy cô” và “phải có thu nhập để giáo viên yên tâm chứ không hô hào”. |