“Quy định lương hưu của người lao động theo nguyên tắc thực đóng thực hưởng, tức là đóng cao hưởng cao, đóng thấp hưởng thấp...”. Đó là khẳng định của bà Đinh Thu Hiền, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, tại hội nghị trực tuyến cung cấp thông tin về quỹ BHXH, ngày 31-10.
Lương hưu giáo viên mầm non: BHXH đã tính đúng
Đối với trường hợp cô Trương Thị Lan (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã có 37 năm công tác nhưng giai đoạn đầu không thuộc biên chế nhà nước. Nhưng sau đó, năm 2004 BHXH Việt Nam và Bộ GD&ĐT có văn bản truy đóng BHXH từ tháng 1-1995 đối với giáo viên mầm non nhằm mục đích giúp họ có đủ thời gian để hưởng chế độ hưu trí. Vì vậy đa số giáo viên có thời gian tham gia BHXH từ tháng 1-1995 với số năm đóng khoảng 20 năm.
Đối chiếu với quy định, trường hợp cô Lan có thời gian đóng BHXH là 22 năm tám tháng, khi nghỉ hưu được hưởng 69%, như vậy mức lương hưu chưa đến 1,3 triệu đồng/tháng. “Tuy nhiên, theo quy định nhà nước thì tất cả những người về hưu, dù thấp bao nhiêu cũng được điều chỉnh bằng lương cơ sở (hiện nay là 1,3 triệu đồng/tháng), lương hưu của cô Lan chưa đủ nên được điều chỉnh cho đủ 1,3 triệu đồng” - bà Hiền cho biết.
Tới đây, nhiều lao động nữ sẽ thiệt 10% so với nghỉ hưu năm 2017. Ảnh: HTD
Lao động nữ giảm lương hưu 10%: Thiệt thòi
Liên quan đến quy định tại khoản 2 Điều 56 Luật BHXH năm 2014, từ ngày 1-1-2018 sẽ bắt đầu áp dụng lộ trình thay đổi cách tính tỉ lệ % hưởng lương hưu. Theo đó, lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi sẽ phải có đủ 30 năm đóng BHXH mới được hưởng tối đa 75% (so với trước năm 2018 chỉ cần có đủ 25 năm đóng BHXH là được hưởng tỉ lệ tối đa 75%). Như vậy, nhiều lao động nữ sẽ thiệt 10% so với nghỉ hưu năm 2017.
Đối với quy định trên, bà Đinh Thu Hiền thừa nhận thời gian qua đơn vị đã nhận được khá nhiều tâm tư của lao động nữ, nhất là những trường hợp nghỉ hưu vào thời điểm giáp ranh giữa năm 2017 và 2018. Nên có một số lao động nữ đang phân vân việc có nhận BHXH một lần hay không.
Bà Hiền cũng cho rằng BHXH là cơ quan thực hiện nhưng trong quá trình xây dựng luật, chắc chắn các chuyên gia cũng đã cân nhắc giữa việc cân đối mức đóng, hưởng để phù hợp hơn.
“Những ý kiến phản ánh của người lao động, chúng tôi cũng đã phản ánh đến Bộ LĐ-TB&XH. Chắc chắn chúng tôi và các cơ quan chức năng khác trong thời gian tới sẽ phối hợp để có đề xuất phù hợp. Ví dụ, cần có lộ trình phù hợp như lao động nam để lao động nữ đỡ bị sốc khi chính sách thay đổi đột ngột...” - bà Hiền nhấn mạnh.
Nói thêm về vấn đề trên, ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, chỉ đạo Ban Thực hiện chính sách BHXH phải có văn bản gửi đến các cơ quan có thẩm quyền.
“Cần xem xét tại sao lao động nam có lộ trình nhưng nữ lại không... Bên cạnh đó, phải có một cơ quan nào đó đặt vấn đề này lên Chính phủ, Quốc hội mới điều chỉnh sửa luật được. Vấn đề này đã đặt ra từ tháng 2 và 3-2017 nhưng đến nay chưa có câu trả lời thỏa đáng. Tôi đã nói rất nhiều lần và hiện vẫn chưa có tín hiệu tích cực nên hãy chờ đón, chuẩn bị tinh thần để chịu những chỉ trích của người lao động”.
Sáu tỉnh bội chi khám chữa bệnh BHYT 3.000 tỉ đồng Sáu tỉnh kể trên gồm Nghệ An (919 tỉ đồng), Thanh Hóa (780 tỉ đồng), Quảng Nam (579 tỉ đồng), Quảng Ninh (359 tỉ đồng), Hà Tĩnh (218 tỉ đồng), Hải Dương (247 tỉ đồng). Ngoài ra có 21 tỉnh có chi phí khám chữa bệnh BHYT vượt quỹ khám chữa bệnh BHYT cả năm 2017 mỗi tỉnh trên 100 tỉ đồng. Đáng chú ý, cơ quan BHXH các tỉnh, thành từ chối hơn 358.660 danh mục dịch vụ đề nghị của cơ sở khám chữa bệnh. Quá trình giám định danh mục vẫn còn tình trạng đề nghị áp dụng các dịch vụ chưa được Bộ Y tế phiên tương đương. Đại diện Trung tâm Giám định BHYT và thanh toán đa tuyến đánh giá nguyên nhân chính dẫn đến các cơ sở y tế dữ liệu đề nghị thanh toán còn sai sót, phải gửi lại nhiều lần do: Người đứng đầu chưa thực sự quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin trong giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT; tính sai thuốc, dịch vụ kỹ thuật thanh toán theo điều kiện, tỉ lệ căn cứ quy định của Bộ Y tế; ghi sai quyền lợi tỉ lệ hưởng; không thực hiện đối chiếu, chốt dữ liệu thông tin của phiếu thanh toán với danh mục dùng chung đã thống nhất với cơ quan BHXH... Lương hưu cao nhất 100 triệu đồng/tháng Một lao động nam tại TP.HCM đã nghỉ hưu có mức lương hưu 100 triệu đồng. Lao động này làm việc cho công ty nước ngoài, tham gia đóng BHXH 23 năm ba tháng, tỉ lệ hưởng 62%. Lao động này có 17 năm đóng trên nền lương cơ sở là 569 triệu đồng, bình quân đóng 66 triệu đồng/tháng. Những năm còn lại (năm năm) lao động này tiếp tục đóng 18 triệu đồng/tháng (khi có quy định mức đóng BHXH không quá 20 tháng lương cơ sở). Thời điểm lao động này nghỉ hưu (tháng 3-2015), lương hưu là 87 triệu đồng/tháng. Bây giờ sau hai lần điều chỉnh lương hưu (lần lượt là 7% và 8%) đã hơn 100 triệu đồng/tháng. Bà ĐINH THU HIỀN, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH Việt Nam |