Lưu giữ địa danh Gia Định cho đời sau

Địa danh, tự nó đã là một giá trị, có liên quan đến những sự kiện về văn hóa, lịch sử, kinh tế, con người… hiện diện từ quá khứ. “Đồng thời còn là những chứng tích về ngôn ngữ và có thể cả về văn tự mà các cộng đồng đã đặt, đã dùng và lưu lại trên địa bàn cư trú và phát triển của mình” (Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX - NXB Khoa học xã hội, 1981).

Vì lẽ trên, địa danh còn có thêm một yếu tố quan trọng khác là đã thuộc về tâm thức, ký ức không thể xóa nhòa của con người sống trên vùng đất đó. Địa danh không chỉ là một tên gọi, còn là tinh thần từ sức mạnh của quá khứ, thôi thúc con người hiện đại biết sống, hướng về tương lai như thế nào cho phải đạo, ít ra không phụ lòng với quá khứ vô hình đã có.

1. Trên Pháp Luật TP.HCM ngày 14-8, nhà văn Lê Văn Nghĩa đã nói hộ ý kiến của nhiều người về địa danh Gia Định. Bên cạnh đó, còn có nhiều địa danh khác đã bị xóa nhòa qua năm tháng. Trong đó, như nhiều người khác, tôi nghĩ đến địa danh Phiên An.

Từ thành Phiên An đến thành Gia Định là một câu chuyện dài. Khi viết Gia Định thành thông chí, một trong “Gia Định tam gia” là Trịnh Hoài Đức (1765-1825), ở phần “Cương vực toàn thành” viết tỉ mỉ gồm các trấn: Phiên An, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Thanh, Hà Tiên. Căn cứ vào đó, ta biết trấn Phiên An phía bắc giáp Biên Hòa, nằm trong khu vực địa lý từ sông Thủ Đức đến sông Bến Nghé, chuyển quanh xuống ngã ba Nhà Bè, thẳng ra cửa Cần Giờ. Ban đầu gọi Dinh phiên trấn, năm 1808 vua Gia Long đổi thành trấn Phiên An.

Trải qua thăng trầm lịch sử, tên gọi Phiên An biến mất.

Chứng tích còn sót lại của thành Gia Định xưa tại góc đường Đinh Tiên Hoàng, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh chụp ngày 16-8. Ảnh: HTD

Tất nhiên, sự thay đổi ấy mỗi thời đều có cái lý của nó, chỉ vất vả cho thế hệ sau, khi học/học sử về những sự kiện có liên quan đến thành/trấn Phiên An như vụ nổi dậy của Lê Văn Khôi chẳng hạn, khó thể hình dung ra một vị trí cụ thể. Nếu tên gọi không thay đổi, có lẽ sự nhận thức, nối tiếp về lịch sử thuận lợi hơn và cũng gần gũi hơn với các thế hệ sau.

2. Theo tôi biết, “hội văn nghệ” đầu tiên của Sài Gòn chính là Bạch Mai Thi Xã. Giữa thế kỷ 19 đã xảy ra cuộc bút chiến dữ dội giữa các nhân vật lừng lẫy: Phan Văn Trị, Tôn Thọ Tường, Nguyễn Đình Chiểu, Bùi Hữu Nghĩa, Huỳnh Mẫn Đạt, Lê Quang Chiểu… Địa điểm sinh hoạt của thi xã này ở chùa Cây Mai (còn có tên gọi Mai Sơn tự). Tự điển Sài Gòn - TP.HCM (NXB Trẻ, 2001) cho biết chùa này dựng vào năm 1816 và “Tháng 5-1860, Pháp đóng quân ở chùa để tiến đánh đại đồn Chí Hòa”; “Trước năm 1945, đường Nguyễn Trãi tiếp giáp với đường Hùng Vương được đặt tên Rue de Cây Mai” (tr.658).

Với tên gọi này, tự nó đã là nhân chứng của một giai đoạn hào hùng và bi thương của lịch sử. Những bài thơ bút chiến của một thời diễn ra tại chùa Cây Mai đã khái quát được tinh thần dấn thân, thái độ chính-tà rạch ròi của kẻ sĩ trước thời cuộc. Chính cuộc bút chiến này đã cho thấy miền Nam - “vùng đất mới” còn là nơi hội tụ những hào kiệt văn chương lừng lẫy. Nếu tên gọi của con đường này - một tên gọi đường bình dị, dân dã như tính cách người của vùng đất này - “Cây Mai” vẫn còn giữ nguyên như trước, có lẽ âm vang về quá khứ, về hồi ức của một thời sẽ có sức sống mãnh liệt hơn với người đương thời.

Dù vẫn biết tên gọi của nhiều địa danh đã thay đổi do nhiều lý do khác nhau nhưng nếu không xáo trộn, không thay đổi thì vẫn tốt hơn khi nhìn lại bề sâu, chiều dài của một vùng đất. Ý nghĩa tích cực nhất của lịch sử, văn hóa lúc “ôn cố tri tân” là gì nếu không là nguồn năng lượng tinh thần tiếp sức cho đời sau.

Gia Định ghi dấu lịch sử…

Chị bạn của tôi sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn - TP.HCM, trên giấy khai sinh ghi nơi sinh của chị là Gia Định. Với chị, đó là một niềm tự hào.

Còn với tôi, một người đến thành phố này trọ học và lập nghiệp, cái tên Gia Định thật ấn tượng, ý nghĩa. Lần đầu tiên, tôi biết Gia Định là ở câu ca “Nhà Bè nước chảy chia hai/ Ai về Gia Định Đồng Nai thì về”. Lần thứ hai, tôi biết đến Gia Định là khi đã vào thành phố này trọ học, ngày đó có hãng taxi tên Gia Định mà tôi luôn đọc nhầm thành “gia đình”, cho đến hồi chị gái tôi giải thích rằng đó là Gia Định, là tên gọi từ năm 1790 với Gia Định kinh, trước đó là một quá trình lịch sử trải dài hình thành phủ Gia Định.

Tôi bắt đầu tìm hiểu về Gia Định, về Nhà Bè, Đồng Nai… những địa danh trên câu ca xưa. Biết đến Gia Định, tôi mới được hiểu hơn về lăng tả quân Lê Văn Duyệt mà mỗi năm tết đến người dân đều đổ về lễ Lăng Ông như một nét riêng vốn có của thành phố. Đến Lăng Ông, tôi mới có động lực tìm đọc, hiểu thêm về đại thần Phan Thanh Giản, danh tướng Lê Chất. Tìm hiểu thêm, kẻ lạ như tôi hiểu thêm về cụ Đồ Chiểu, về câu thơ “Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây/ Một bàn cờ thế phút sa tay” của cụ trong bài Chạy Tây khi thành Gia Định thất thủ trước liên quân Pháp - Tây Ban Nha - Philippines ngày 17-2-1859, mới biết được góc đường Lê Duẩn - Đinh Tiên Hoàng ghi dấu tích của thành Gia Định xưa…

Cùng hiểu biết của tôi lớn dần thì cái tên taxi Gia Định dần xuất hiện thưa thớt, tên Gia Định cũng dần thưa thớt. Tôi chỉ mong Gia Định hay những tên gọi cũ của thành phố này vẫn được sống, được gọi, được đặt để đúng nơi của nó, để những thế hệ sau của vùng đất này được tự hào mình là người Gia Định.

MINH TRIẾT (Quận Tân Bình, TP.HCM)

_________________________________

“Điểm tựa để bám víu”

Các cơ sở hạ tầng đô thị như đường sá, cây cối, vỉa hè, công viên, cầu cống hay sông rạch… không còn chỉ là những thứ đồ vật vô hồn vì chúng thực sự là một trong những thành tố cấu tạo nên chính cái không gian sống hay thế giới sống của cư dân đô thị này. Chiều kích vật chất không bao giờ có thể tách rời khỏi chiều kích xã hội và nhân văn trong đời sống của con người.

Trong các áng văn chương, trong các tập hồi ký hoặc ký sự, chúng ta luôn bắt gặp hình ảnh của những góc phố, lề đường, bùng binh, mùa lá me bay hay một quán cà phê nào đó (dù đó là quán “cóc” bình dân hay quán Brodard sang trọng)… gắn liền với những kỷ niệm của một thời thơ ấu, một thời bươn chải mưu sinh hay một thời chuyển mình nhiều xáo động trong dòng lịch sử thăng trầm của thành phố này.

Nếu người dân quê có những gốc đa, ao làng hay sân đình để lưu luyến thì người thị dân cũng có những cái mốc không gian cụ thể mà họ gắn bó và hoài niệm hoặc thương nhớ trong suốt cuộc đời của họ, nhất là với những người phải rời chốn này để sinh sống nơi phương xa.

… Có lẽ chữ “hồn phố” là một thuật ngữ khá điển hình diễn tả sự hòa quyện giữa khía cạnh vật thể với khía cạnh tinh thần và văn hóa của một chốn quần cư thị tứ.

Đứng trên góc độ này thì chúng ta mới hiểu được tại sao trong tâm tưởng của nhiều cư dân sống lâu năm ở Sài Gòn vẫn còn mang đậm ấn tượng của những tán lá me, những viên đá lát đường, những hàng cây sao sừng sững rợp bóng mát hay những địa điểm quen thuộc trong thế giới ký ức của họ. Theo thiển ý chúng tôi, đấy hoàn toàn không phải là những biểu hiện của một thứ tâm lý ướt át hay hoài cổ, bởi lẽ xét về mặt tâm lý học nhân cách thì đấy chính là những “điểm tựa để bám víu” trong cuộc sống của mỗi con người, nói theo lời nhà xã hội học Pháp Maurice Halbwachs.

(Trích từ Hạ tầng đô thị Sài Gòn buổi đầucủa
PGS-TS Trần Hữu Quang)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm