Trong diễn văn đọc tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh Hoàng Song Hà đã ôn lại lịch sử vùng đất Bình Thạnh từ thời các bậc tiền nhân khai phá.
Rất tiếc ông không nhắc tới địa danh Gia Định - tên vùng đất mà Bình Thạnh hiện nay là vùng lõi. Thật ra vùng đất thời mới hình thành gọi là Gia Định, tức phần lớn Nam Bộ ngày nay. Năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh nhận chức kinh lược vào Nam, đặt ra phủ Gia Định, gồm hai huyện Phước Long và Tân Bình. Năm 1700, Nguyễn Hữu Cảnh bị bệnh mất. Nơi ông mất sau đó được đặt tên là cù lao Ông Chưởng, tức chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh để nhớ ơn ông. Sau đó người có công gầy dựng đất Gia Định là Nguyễn Cư Trinh. Năm 1802, vua Gia Long đổi phủ thành trấn Gia Định, địa giới vẫn toàn Nam Bộ như trước. Năm 1813, Gia Long cử Tả quân Lê Văn Duyệt làm tổng trấn Gia Định. Sau khi Lê Văn Duyệt mất, năm 1831, vua Minh Mạng mới chia nước thành 30 tỉnh và phủ Thừa Thiên, trấn Gia Định chia làm Nam Kỳ lục tỉnh, gồm tỉnh Phiên An (tức Gia Định), Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Sau này qua nhiều lần cắt tách ra làm nhiều đơn vị hành chính khác nên tỉnh Gia Định bị thu nhỏ lại. Đến trước 30-4-1975, tỉnh Gia Định có các quận Tân Bình, Thủ Đức, Nhà Bè, Bình Chánh... bao quanh thủ đô Sài Gòn làm vành đai phòng thủ cho thủ đô, tỉnh lỵ là khu vực trung tâm quận Bình Thạnh hiện nay và tòa hành chính tỉnh là UBND quận Bình Thạnh bây giờ. Tuy địa danh Gia Định biến mất trên bản đồ hành chính nhưng nhiều công ty, bệnh viện, trường học... vẫn còn hiện diện tới nay, như BV Nhân dân Gia Định, Trường THPT Gia Định, Điện lực Gia Định, Cấp nước Gia Định... Có nghĩa là nhiều người, nhiều giới vẫn còn nhớ tiếc tên Gia Định.
Hơn 30 năm trước, trong một lần cà phê vỉa hè với nhà văn Sơn Nam, ông móc trong túi ra tặng tôi cuốn biên khảo Đất Gia Định xưavừa được Nhà xuất bản TP.HCM ấn hành. Sơn Nam là nhà văn, nhà biên khảo chuyên viết về vùng đất Nam Bộ, rất nặng lòng với vùng đất Gia Định xưa. Trong buổi sáng tháng Tư năm ấy, ông nói giọng buồn buồn: “Tiếc quá, cái tên đất Gia Định không còn nữa”. Tôi nói chú quen biết ông Sáu Dân, sao chú không đề nghị ổng phục hồi lại tên Gia Định. Đổi tên quận Bình Thạnh thành quận Gia Định cũng hay quá đi chứ! Sơn Nam bảo ông Sáu còn trăm công ngàn việc. Mà mình cũng ngại gặp ổng. Hơn 10 năm sau, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cùng tạp chíXưa và Naytổ chức cuộc “Tọa đàm về nhân vật Lê Văn Duyệt” có cả sự tham dự của ông Sáu Dân - Võ Văn Kiệt, bấy giờ là cố vấn BCHTƯ và cả nhà văn Sơn Nam. Chắc Sơn Nam quá bận lo tế lễ hay đã quên chuyện phục hồi tên Gia Định!
Bây giờ cả ông Sáu Dân và ông Sơn Nam đều đã ra người thiên cổ, nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập quận Bình Thạnh, tôi lục đọc lại cuốn Đất Gia Định xưagiấy đen nhẻm mà lòng ngậm ngùi nhớ tới người cả đời tâm huyết với vùng đất Gia Định xưa. Và mạo muội đề xuất với những người có trách nhiệm (như HĐND TP.HCM và HĐND quận Bình Thạnh) và quan tâm tới địa danh Gia Định (như Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam chẳng hạn) xem xét phục hồi địa danh Gia Định, như đổi tên quận Bình Thạnh thành quận Gia Định.
Tỉnh Hà Tây mấy năm trước sáp nhập vào TP Hà Nội đã được đổi thành quận Hà Tây. Hay như ở Bình Định, vùng đất khởi nghiệp của nhà Tây Sơn bấy giờ có Tây Sơn thượng đạo, tức vùng An Khê và Tây Sơn hạ đạo, tức vùng Bình Khê trước 1975. Sau ngày thống nhất, quận Bình Khê đã được đổi tên thành huyện Tây Sơn để nhớ lại một địa danh lừng lẫy trong lịch sử. Nên chăng đổi tên quận Bình Thạnh thành quận Gia Định để nhớ lại một địa danh lẫy lừng trong lịch sử?