Đây là công trình nhằm tưởng nhớ công lao của vị tướng đặt nền móng cho vùng đất Sài Gòn - Gia Định. Sau 14 tháng khẩn trương xây dựng, công trình đã chính thức hoàn thành và đưa vào hoạt động đúng dịp giỗ của đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh (ngày 17-5 âm lịch).
Sau 14 tháng khởi công, đền thờ đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh đi vào hoạt động.
Công trình là hệ thống kiến trúc truyền thống của người Việt bằng các vật liệu gỗ, nền lót gạch nung và lợp mái ngói. Với tổng diện tích hơn 7.400 m2, công trình gồm các hạng mục: khối đền chính, nhà điều hành, cổng tam quan, văn bia, hồ nước, giao thông nội bộ, kè bảo vệ...
Tham dự lễ khánh thành có sự hiện diện của đoàn lãnh đạo TP gồm Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh, đại diện gia tộc đức Lễ Thành hầu cùng đông đảo người dân...
Phát biểu tại lễ khánh thành, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đánh giá: “Đền thờ đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh là một công trình văn hóa có ý nghĩa lịch sử và nhân văn sâu sắc của nhân dân TP, của đồng bào Nam Bộ. Công trình sẽ là một trong những địa điểm góp phần giáo dục truyền thống, ôn lại những trang lịch sử oanh liệt, hào hùng, kiên cường, bất khuất và khơi dậy lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ, qua đó hun đúc lòng yêu nước thương dân, tin Đảng, phát huy truyền thống kiên cường, vẻ vang của TP.HCM, của Việt Nam văn hiến và anh hùng...”.
Nguyễn Hữu Cảnh (1650-1700) được chúa Nguyễn Phúc Chu sai làm Thống suất kinh lược xứ Nam Bộ năm 1698 (đây cũng là năm được lấy làm khai sinh vùng đất Sài Gòn xưa, tức TP.HCM ngày nay). Ông đặt doanh trại tại Cù lao Phố (Đồng Nai) cùng quan chức dưới quyền thiết lập bộ máy hành chính nơi vùng đất mới; đặt xứ Nông Nại làm phủ Gia Định, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, đặt dinh Trấn Biên; lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn. Với những công lao to lớn trong việc mở mang bờ cõi đất nước, chúa Nguyễn đã truy tặng Nguyễn Hữu Cảnh nhiều chức vị. Thời các vua Nguyễn, ông được truy phong Thượng đẳng công thần đặc Trấn phủ quốc Chưởng cơ với tước Lễ Thành hầu. Hiện ngoài lăng mộ của ông ở quê hương Quảng Bình, những nơi ông đến an dân, nhân dân đều lập đền thờ hoặc lập bài vị ông như Cù lao Phố (Biên Hòa), đình Minh Hương Gia Thạnh, Ô Môn (Cần Thơ), nhiều nơi trong tỉnh An Giang... |
Một số hình ảnh tại lễ khánh thành:
Ông Nguyễn Hữu Tiến, đại diện gia tộc đời thứ 10 của Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, trân trọng cám ơn lãnh đạo TP.
Các lãnh đạo TP dâng hương tưởng nhớ công đức vị thành hầu.
Đông đảo người dân bày tỏ sự tri ân đến vị thành hầu.
Khuôn viên đền thờ còn tổ chức trưng bày triển lãm ảnh về Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh.
Đông đảo người dân đến tham dự lễ khánh thành đền thờ đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh.