Thăm đền thờ người mở cõi phương Nam

Song hiện nay ngôi đền thờ Vĩnh an hầu - nơi thờ ông ở xã Vạn Ninh (Quảng Ninh, Quảng Bình) dù được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia nhưng đang bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.

Khi qua đời, Nguyễn Hữu Cảnh về quê hương Quảng Bình tựa giấc ngàn thu, con cháu khoai sắn tùng tiệm khói hương nơi thờ tự.

Chuyện ở quê nhà

Vạn Ninh là vùng đất bán sơn địa, nằm sâu trong đất liền phía đông dãy Trường Sơn.

Ngày nay, hậu duệ trực hệ của ông là nông dân Nguyễn Hữu Tiến (62 tuổi), đời thứ 10 của Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh.

Ông Tiến thắp hương lên trang thờ của đền thờ Vĩnh an hầu (di tích lịch sử cấp quốc gia), xin được nói chuyện với khách khứa đến viếng hương, xin được đưa gia phả trong ống tre ra để chiêm bái. Mọi thứ đều được làm cung kính, cẩn trọng.

Ông Tiến chia sẻ: “Tui là cháu trực hệ, trực tiếp coi sóc khói hương cho ngài (Nguyễn Hữu Cảnh - PV). Ngày xưa, khi ngài mất, nhà vua ban cho tám mẫu ruộng, cử đội đinh cày trong hương thôn gồm 12 người cày bừa các mẫu ruộng này để có tiền cúng giỗ, khói hương cho ngài. Ngoài ra còn dành lương thực để cứu tế và nộp thuế cho triều đình cũng như nuôi đội cày cấy. Hiện nay, số ruộng này đã được đem chia cho người dân trong địa phương. Đền thờ ngài bằng cột gỗ, mái lá, trong chiến tranh bị cháy do bom. Ông nội và bố tui phải đựng gia phả trong ống tre, giấu trong bếp để tránh bị mất, hòa bình lập lại mới đưa gia phả lên trang thờ”.

Thăm đền thờ người mở cõi phương Nam ảnh 1

Đền thờ cụ Nguyễn Hữu Cảnh tại quê nhà. Ảnh: MINH QUÊ

Ông Tiến cùng vợ dựng liếp nhà trong khu đất nhà xưa của cụ Nguyễn Hữu Cảnh để tiện bề chăm sóc đền thờ Vĩnh an hầu.

Vì thời cuộc, ngôi mộ của cụ Nguyễn Hữu Cảnh được đưa về táng tại Thác Ro xã Trường Thủy, Lệ Thủy. “Bẵng đi nhiều đời, mộ của ngài không còn ai nhớ, bố tui, Nguyễn Hữu Chương, rồi ông nội tui canh cánh trong lòng. Hơn 50 năm thất lạc, đến năm 1995 nhà văn Sơn Nam trong Nam ra đọc bia chữ cổ trên mộ ở Thác Ro mới xác nhận đó là mộ của ngài. Lúc đó con cháu mừng mừng tủi tủi, lạy tạ ngài xin xá tội cho hậu thế” - ông Tiến kể.

Vạn dặm mưu sinh

Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh có một sự nghiệp làm rạng rỡ đất nước. Hơn 300 năm trước, ông đã bỏ nhiều công sức huy động lưu dân mở cõi phương Nam. Và nay, con cháu của ông cũng hết sức bình dị. Ông Nguyễn Hữu Tiến cùng vợ gánh vác 12 mẫu ruộng giữa làng, quần quật đầu tắt mặt tối. Ruộng nhờ trời là chính, mùa vụ nắng tốt, nước đủ sẽ dư dả chút đỉnh để lo thêm khói hương giỗ kỵ vào 19 tháng 5 âm lịch.

Ông Tiến vóc dáng to cao như hộ pháp, dòng giống nhà tướng, thân cao, mày rậm. Đã 62 tuổi vẫn cày sâu cuốc bẫm, hôm chúng tôi đến ông vừa mới đi cày ruộng sâu về chuẩn bị cho vụ chiêm. Nhà ông dựa hẳn vào ruộng đồng và thu nhập thêm từ gà, vịt, ngan, ngỗng nuôi được. Vợ ông, bà Trần Thị Thêm (58 tuổi) nuôi thêm bồ câu và mấy con lợn để có chút tiền cho con cái ăn học. Nhưng theo lời ông Tiến: “Vừa rồi bà ấy đau, qua bệnh viện huyện khám sức khỏe thì phát hiện nhiều bệnh nặng phải nhập BV Chợ Rẫy mãi tận TP.HCM để điều trị. Tui phải một mình lo cho toàn vẹn nhà cửa. Mong mấy con gà, lợn, ngan, ngỗng không con mô chết để bán có tiền thuốc thang cho bà ấy”.

Ông Tiến giọng buồn thườn thượt bộc bạch thêm, ông có 4,5 ha rừng thông, keo lai, định bụng cuối năm bán để ra năm có tiền tổ chức bữa giỗ cho Khai quốc công Nguyễn Hữu Cảnh được trịnh trọng. Thế nhưng cơn bão số 10 vừa qua quật ngã hết, mỗi cây bán chưa được 10.000 đồng. Trước đó, thương lái đã ra giá mỗi cây 60.000 đồng, họ vô cắt tận rừng, giờ 10.000 đồng họ chẳng vào cắt mà bắt ông chở ra đường lộ. “Thế thì để trong rừng luôn. Đưa cây ra, thuê người, thuê máy xong còn lỗ nữa nên tui đành để vậy” - ông Tiến giãi bày.

Vợ chồng ông Tiến được hai trai, ba gái. Có người qua Lào kiếm việc, có người vào Nam làm ăn, học hành.

Theo ông Tiến, cuộc sống khó khăn, con cháu phải mỗi đứa một xứ, riêng ông, khổ mấy cũng phải coi sóc thờ vượng khói hương cho bậc huân hiền mở cõi phương Nam Nguyễn Hữu Cảnh với tấm lòng thành kính nhất.

Nỗi buồn sau hơn 300 năm

Cha của người mở cõi Nguyễn Hữu Cảnh là Nguyễn Hữu Dật, cũng là một vị tướng lớn được nhà Nguyễn phong là khai quốc công thần. Ông Nguyễn Hữu Dật sinh ra các con Nguyễn Hữu Hào, Nguyễn Hữu Thắng, Nguyễn Hữu Tịnh, Nguyễn Hữu Thuyên... đều rạng ngời công danh hiển hách.

Riêng cụ Dật và cụ Cảnh được dựng đền Tĩnh Quốc Công để thờ ngay tại Vạn Ninh quê nhà khi họ mất đi. Nhưng qua thời gian, đền thờ ấy ở xóm Bến nay chỉ còn nền xi măng và hai ụ cao, không được thờ tự khói hương, hiu quạnh đến nao lòng.

Cha con ngài Nguyễn Hữu Dật được lập mộ ở làng Phúc Sơn cùng xã, đó là mảnh đất hoang vắng. Ngày nay khu mộ đó nằm phía sau Nhà máy xi măng Áng Sơn. Chúng tôi vào thăm mộ của những người từng một thời công hầu, khanh tướng lừng lẫy của dòng họ Nguyễn Hữu, thấy không khỏi xót xa. Ngoài khuôn viên mộ được Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Bình dựng ra, các đường đi lối lại bị trâu bò giẫm đạp.

Việc thờ Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh được ông Tiến coi sóc riêng nhưng hương khói cho ngài Nguyễn Hữu Dật và các con trai là anh em của cụ Nguyễn Hữu Cảnh lại do trưởng tộc Nguyễn Hữu Kim (50 tuổi) cùng xã Vạn Ninh chủ trì. Cũng vì mải lo mưu sinh thường nhật nên ông Kim giật mình khi biết trâu bò vào phá khu mộ của bậc tài cao đức trọng. Ông hứa sẽ làm hàng rào ngăn trâu bò.

Ông Tiến buồn bã kể: “Ngôi đền thờ Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh do mưa bão ngói trụ bị sượt, tui báo, ban di tích tỉnh lên, họ nói hậu duệ tự khắc phục. Tui nghĩ, đây là di tích quốc gia, đúng ra ban di tích tỉnh phải chi tiền để sửa chữa. Tui đâu dám dỡ di tích quốc gia lên mà làm, tui chỉ biết khói hương. Nếu gió bão vừa qua không quật rừng của tui thì việc sửa sang đền thờ chừng trăm triệu, tui sẽ cố. Giờ tui trắng tay, chờ Nhà nước làm thôi, không thì hậu thế có tội với ngài lắm”.

Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23-11) được Bộ VH-TT&DL phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tổ chức kể từ năm 2005 theo Quyết định số 36/2005/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm phát huy truyền thống và ý thức trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

MINH QUÊ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm