Tại đây, chúng tôi đã có dịp gặp lại cô Xuân Hồng, cô Chín Mai - thành viên CLB Truyền thống kháng chiến TP.HCM kể lại những tháng ngày gian khó nhưng đầy tự hào của cuộc đời những tiểu thư Gia Định đi đánh Mỹ.
Tuổi trăng tròn đã lên đường chống Mỹ
Cô Xuân Hồng (tức Nguyễn Thị Hải) - thành viên CLB Truyền thống kháng chiến TP.HCM đã tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước khi chỉ vừa 17 tuổi. “Ngày đó mới học tới lớp đệ tứ, thấy cảnh đất nước chia đôi, dân mình còn khổ, lòng cũng sục sôi tinh thần kháng chiến. Lúc ấy lòng chỉ muốn mỗi sự hòa bình, độc lập cho dân tộc, muốn đuổi Mỹ ra khỏi đất nước, thế là cô lên đường” - cô Hồng mở đầu câu chuyện.
Cô Chín Mai kể về những ngày tham gia kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: LÊ THOA
Ngày đó, gia đình cô Xuân Hồng là một trong những gia đình giàu có ở Bến Tre. Căn nhà to gấp mấy lần các gia đình khác nên gia đình dùng để nuôi giấu cán bộ lớn như ông Đồng Văn Cống, Bùi Sĩ Hùng... Cô Hồng lại là tiểu thư trong gia đình, lén gia đình tham gia kháng chiến với nhiệm vụ ban đầu là rải truyền đơn, tổ chức quần chúng, tuyên truyền để quần chúng cùng tham gia đấu tranh.
“Mỗi lần rải truyền đơn là cận kề cái chết vì mình rải ngay trong lòng địch. Truyền đơn được rải trong chợ, trong nhà trường, trong bất cứ cơ quan nào có đông đảo nhân dân. Không những thế, có lần đi rải ban đêm bị chó sủa, rượt theo, bị công an phát hiện, nguy hiểm vô cùng. Mãi đến khi cô bị bắt, bọn chúng kêu người nhà lên lấy đồ, má mới biết cô tham gia đấu tranh” - cô Xuân Hồng kể lại.
Cô Chín Mai (bìa trái) và cô Xuân Hồng (bìa phải) cùng nhau ôn lại ngày sát cánh bên nhau. Ảnh: LÊ THOA
Còn cô Chín Mai (tức Trần Thị Ngọc) - thành viên CLB Truyền thống kháng chiến TP.HCM cũng tham gia kháng chiến chống Mỹ từ khi là cô tiểu thư nhỏ bé tròn 16 tuổi.
Cô Chín Mai được đồng đội mến yêu đặt cho biệt danh “Tiểu tư sản Sài Gòn” cùng câu chuyện “Tiểu tư sản Sài Gòn mà đạp xe chậm rì” là bởi lẽ: Trong một lần nguy hiểm phải vận chuyển cho được 10 trái lựu đạn và hai khẩu K54 về căn cứ trước khi địch phát hiện. Tình thế cấp bách mà cô gái nhỏ Chín Mai không biết phải làm thế nào để vận chuyển ra ngoài. Thế rồi, dù không biết chạy xe đạp nhưng cô vẫn đánh liều đèo vũ khí lên xe rồi nhấp từng chút ra ngoại thành, về căn cứ.
Các tiểu thư Gia Định đi đánh Mỹ hỏi thăm nhau. Ảnh: LÊ THOA
“Lúc chạy xe va phải cô gánh nước và cô học trò mà cũng không kịp ngừng lại xin lỗi vì công việc gấp gáp mà ngừng lại thì lên xe rất khó, chân lại chống không tới. Mỗi lần tới ngã tư dừng đèn đỏ lại nhảy xuống xe rồi lại leo lên. Cũng may sao vận chuyển trót lọt mà không bị phát hiện vì thời đó vận chuyển một thùng hàng hóa kềnh càng lại chỉ biết nhấp xe chứ không đạp được rất dễ bị địch phát hiện. Hơn nữa nếu chẳng may té xe thì một là số vũ khí sẽ rớt ra ngoài, hai sẽ phát nổ, thế nào cũng nguy hiểm cả” - cô Chín nhớ lại. Sau lần đó, mọi người đều chòng ghẹo cô là “Tiểu tư sản Sài Gòn mà đạp xe chậm rì”.
Không dám nghĩ ngày độc lập mà mình còn sống
“Suốt những năm tham gia kháng chiến, trong lòng đều sẵn sàng tâm lý hy sinh. Tiền ở nhà gửi lên cho đều rủ cả nhóm đi ăn hết, xài hết, chứ không dám để dành đến ngày mai vì không bao giờ tính tới ngày mai, không nao giờ dám nghĩ tới ngày đất nước thống nhất mà mình còn sống. Nhưng mình còn sống đến bây giờ là cái phước phận của mình” - cô Xuân Hồng nghẹn ngào nói.
Cô Xuân Hồng có suy nghĩ như vậy cũng bởi lẽ những ngày tham gia kháng chiến là những ngày sống - chết cận kề. Những tiểu thư Gia Định chỉ biết chiến đấu hết mình chỉ mong một ngày nào đó đất nước được độc lập.
Thanh niên TP.HCM hỏi thăm các tiểu thư Gia Định đi đánh Mỹ. Ảnh: LÊ THOA
Cô Hồng kể những ngày đi từ chiến khu này qua chiến khu khác đều gặp máy bay phản lực nhả đạn, lúc đó chỉ biết ôm chặt mấy gốc cây lớn mới mong thoát chết chứ đồng đội hy sinh rất nhiều. Hay có lần trốn địch mà ba chị em mang bầu phải chui xuống hầm. Vì trời mưa nên hầm bị nghẹt, nước ngập đến ngực khiến ai cũng ngộp thở, chút nữa là chết. Hầm lại cách địch chỉ 50 thước. Tình thế nguy kịch, mọi người bảo nhau “Xuân Hồng sao nó yếu quá rồi” nên anh em phải chống nắp hầm lên hai tấc để cô mới thở được. May sao địch chỉ đi ngang hầm chứ ở lại thì rất nguy hiểm.
“Điều đau đớn nhất là mỗi lúc đi đánh đồn, các anh em đều dự kiến số người chết, số người bị thương rồi chuẩn bị bao nhiêu tấm nylon, bao nhiêu cái huyệt, bao nhiêu người khiêng. Mới đi chừng một, hai tiếng sau là hy sinh rồi. Lúc đó không biết lòng dũng cảm thế nào mà chẳng ai sợ chết cả” - cô Hồng xúc động nhắc lại.
Bởi cuộc kháng chiến đầy nguy hiểm, khó khăn mà chẳng ai dám mơ đến một ngày đất nước độc lập mà mình còn sống, ai cũng chỉ mong sống hết mình cho Tổ quốc trọn vẹn ngày hôm nay, ai cũng sẵn sàng hy sinh cho một ngay mai thống nhất mà không có bóng dáng mình.
Tình yêu trên chiếc giường ngập nước Cô Xuân Hồng cùng chồng cũng là người đồng đội, người anh của mình đã trải qua muôn vàn khó khăn trong khói lửa đạn thù để đến bến bờ hạnh phúc. Gặp nhau từ khi còn là những cô cậu học sinh học cùng trường, chú lại là thầy dạy thêm của cô. Sau này tham gia kháng chiến, họ lại gặp nhau ở chiến khu, rồi gặp nhau trong tù như duyên như nợ. “Ngày còn trong nhà giam, mỗi lần chú đi tắm nắng đều lén nhón lên nhìn cô, rồi hai người nhìn nhau, thế là tình cảm bắt đầu từ dạo ấy. Đến năm 1965 khi cả hai được thả về căn cứ thì gặp lại rồi cưới nhau. Thời điểm ấy, hai vợ chồng luôn sát cánh bên nhau. Vì tiền bạc không có nên chỉ thuê được mỗi cái giường để ngủ tại một con hẻm trên đường Nguyễn Tri Phương, quận 1 hiện giờ. Mỗi khi trời mưa, nước lại ngập lênh láng xung quanh cái giường nhỏ xíu đó” - cô kể. Lần thứ hai cô Xuân Hồng bị bắt, lúc ấy đứa con nhỏ mới ba tháng tuổi, ai cho cũng không bú, chỉ bú mẹ mà thôi. Sau một năm được thả về, gặp lại đứa con nhỏ ốm nhách, không biết đi, không được chăm bẵm mà xót thương nhưng không thể mang con theo vì giặc sẽ dùng con làm áp lực. Cứ như thế, cặp đồng đội mang nghĩa phu thê ấy đã cùng nhau chiến đấu, mong đợi một ngày cả hai cùng về xây tổ ấm ở mảnh đất Sài Thành bình yên. Đã không ít lần họ nhìn thấy nhau thoát chết trong gang tấc mà phải gắng gượng mà đứng lên. |