Ông Bùi Văn Nhân (cựu chiến binh từng tham gia đánh Khmer Đỏ ở Campuchia từ năm 1981, hiện ngụ thị trấn Châu Thành, Tây Ninh) xúc động kể: mùa khô năm 1981, địch đánh vô Siem Riep rất ác liệt. Lúc đó ông Nhân là vệ binh Bộ Tham mưu, chứng kiến bộ đội Việt Nam hy sinh rất nhiều. “Có những chuyến xe chở thương binh, chở tử sĩ rút ra, thấy toàn những gương mặt trẻ măng. Lúc đó thằng Ngô Văn Thể, người cùng làng với tôi đang làm vệ binh cho kho đạn của Cục Kỹ thuật, chỗ đó bị bắn rất ác, có lẽ nó hy sinh lúc đó. Có người còn xác, có người không còn một mảnh” - ông Nhân nhớ lại.
Sau lần đó ông Nhân vĩnh viễn không còn gặp lại anh bộ đội trẻ măng người cùng làng nữa. Năm đó anh Ngô Văn Thể mới 19 tuổi.
Chọn giỗ ngày 27-7
Đến nay anh Ngô Văn Thể vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ bởi không có hài cốt, gia đình không nhận được giấy báo tử. Ông Ngô Văn Toàn, anh của anh Thể, kể: “Nhà có sáu anh em trai, đều đi bộ đội tham gia chiến đấu. Còn tôi làm cán bộ huấn luyện tân binh. Có một lần tôi qua Campuchia giao quân vào năm 1981 gặp thằng Thể. Tôi bất ngờ quá, vì nó đi mà không nói gì với gia đình. Tôi gọi điện thoại về đơn vị huấn luyện hỏi, họ nói nó được cử huấn luyện tân binh nhưng nó đòi ra chiến trường cho bằng được”. Nói tới đây, ông Toàn lặng người đi.
Sau nhiều năm tháng mỏi mòn chờ tin, ông Toàn đã đưa di ảnh của em trai lên bàn thờ, cúng giỗ vào ngày 27-7. Điều mong mỏi nhất của ông Toàn bây giờ là Nhà nước ghi nhận sự hy sinh của em trai, minh định rằng anh Thể không làm gì sai với đất nước. Ông bày tỏ: “Em tôi đã hy sinh nhưng không có một sự xác nhận nào. Công văn số 42 của Phòng Bảo vệ an ninh Cục Chính trị Quân khu 7 xác nhận em tôi không đào ngũ, không vượt biên, không đầu hàng giặc. Nhưng vì không có giấy báo tử, không đủ hồ sơ nên em tôi không được gọi là liệt sĩ. Cha mẹ tôi đã chờ tin con cho tới ngày cuối cùng, đến khi mất vẫn rất buồn về chuyện của em”.
Nhiều đồng đội của anh Thể đã viết đơn xác nhận thời gian chiến đấu của anh để các cơ quan chức năng xem xét giải quyết. Năm 2010, phòng Chính sách Quân khu 7 đã có công văn trả lời cho gia đình anh Thể: Những trường hợp mất tin mất tích trong khi làm nhiệm vụ chiến đấu, không còn lưu trữ được hồ sơ gốc đang chờ Bộ Quốc phòng kiến nghị với Chính phủ có chủ trương xem xét.
Ông Diệp Văn Luôn bên mộ cha. Cha ông hy sinh đã 67 năm, được an táng tại nghĩa trang liệt sĩ nhưng vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ. Ảnh: H.MINH
Bức ảnh kỷ niệm của liệt sĩ Lâm Văn Mạnh (giữa) cùng bạn bè khi còn ở Campuchia. Anh được Cục Chính trị Quân khu 7 xác nhận hy sinh ngày 1-6-1972 nhưng vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ. Ảnh: H.MINH
Xác nhận đã hy sinh nhưng…
Ông Lâm Văn Ngỡi (75 tuổi, xã biên giới Tân Lập, Tân Biên) buồn bã nói: “Em trai tôi là Lâm Văn Mạnh, hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, không biết được chôn ở đâu. Nhưng em đã được Quân khu 7 xác nhận hy sinh ngày 1-6-1972. Tuy vậy, vì gia đình không có giấy báo tử và chưa tìm được mộ phần nên giờ em vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ. Điều đó không đúng, đã hy sinh vì đất nước sao không phải là liệt sĩ?”.
Mùa hè năm 1970, anh Lâm Văn Mạnh, một Việt kiều ở Campuchia, nhập ngũ. Tham gia chiến đấu vài tháng, anh được về thăm nhà ba ngày cùng hai cán bộ cấp trên của anh. Họ về cùng để xác minh lý lịch, xem xét kết nạp đoàn cho anh. Không ngờ rằng đó là chuyến về thăm nhà cuối cùng của anh lính trẻ.
Sau đó, gia đình anh chuyển về xã biên giới Tân Lập sinh sống. Năm 1977, quân Pôn Pốt từ bên kia biên giới tràn sang thảm sát dân thường. Gia đình, họ hàng của anh Mạnh bị giết hại tới 19 người. Chỉ vài người may mắn sống sót, trong đó có ông Ngỡi.
Năm 2008, ông Ngỡi làm đơn gửi các cơ quan chức năng đề nghị xem xét công nhận anh Lâm Văn Mạnh là liệt sĩ. Tháng 6-2009, Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh Tây Ninh có công văn gửi phòng Chính sách Quân khu 7 đề nghị thẩm định trường hợp quân nhân Lâm Văn Mạnh. Phòng Chính sách đã có giấy xác nhận như sau: “Phòng Chính sách - Cục Chính trị Quân khu 7 có quản lý danh sách liệt sĩ Lâm Văn Mạnh, sinh năm 1948, quê quán: Phờ Sốp, Phờ Chớp, Cần Ché, Campuchia; nhập ngũ: tháng 5-1970, chức vụ: A phó, đơn vị E207, hy sinh ngày 1-6-1972 trong trường hợp chiến đấu tại Xầm Long. Phòng Chính sách - Cục Chính trị Quân khu 7 xin xác nhận để các cơ quan chức năng xem xét”.
Như vậy, anh Lâm Văn Mạnh đã có tên trong danh sách liệt sĩ mà Quân khu 7 đang quản lý. Ông Ngỡi nói: “Năm nay tôi đã 75 tuổi rồi, tôi sợ rằng mình không chờ được nữa. Họ đã xác nhận em tôi hy sinh, sao không xác nhận em tôi là liệt sĩ?”.
Chờ đợi gần 70 năm
Ông Diệp Văn Luôn (67 tuổi, thị trấn Bến Cầu, Tây Ninh) đến Nghĩa trang liệt sĩ huyện Bến Cầu viếng mộ cha và chuẩn bị cho ngày giỗ 27-7. Cha ông là liệt sĩ Diệp Văn Mừng, hy sinh năm 1948, lúc đó ông Luôn còn nằm trong bụng mẹ.
Ông Mừng bị giặc bắn khi đang làm văn thư cho Công an xã Lợi Thuận. Ngày ông hy sinh có nhiều người biết, sau đó ông đã được an táng tại nghĩa trang địa phương. Rồi chiến tranh kéo dài ác liệt, gia đình ông chia lìa tản mác khắp nơi. Hai con trai của ông Mừng mồ côi, phải ở với chú. Rồi người chú cũng tham gia kháng chiến và hy sinh.
Đến ngày hòa bình, hai con của ông Mừng mới suy nghĩ về việc cha mình chưa được xác nhận là liệt sĩ dù hài cốt vẫn nằm ở nghĩa trang. Cách đây vài năm, ông Luôn đến ngành chức năng hỏi về trường hợp của cha và được hướng dẫn làm hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ cho cha. Nhưng sau đó gia đình ông được cho biết: Ông Mừng không có hồ sơ gốc, không có giấy chứng tử nên không xem xét giải quyết được. Ông Luôn bày tỏ tâm tư: “Cha tôi hy sinh cách đây gần 70 năm lúc tôi còn chưa sinh ra, anh tôi còn nhỏ xíu. Giấy tờ từ thời đó bây giờ làm gì còn nữa. Tôi không có ký ức gì về cha nhưng tôi nghe kể cha tôi rất anh dũng, xứng đáng được ghi nhận là liệt sĩ. Anh tôi đã chết cách đây mấy năm, tôi giờ cũng đã lớn tuổi rồi, không biết tôi có đợi được nữa không”.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Hoàng Trung (chuyên viên Phòng LĐ-TB&XH huyện Bến Cầu) cho biết năm 2004 khi gia đình đến trình bày, Phòng LĐ-TB&XH đã hướng dẫn gia đình làm hồ sơ. Nhưng tại thời điểm đó cấp trên yêu cầu phải có hồ sơ gốc. Đây thực sự là yêu cầu bất khả thi vì các con ông không thể đáp ứng được điều kiện này.
Đến năm 2013, Phòng LĐ-TB&XH rà soát hồ sơ liệt sĩ Diệp Văn Mừng. Ông Trung nói: “Đây là trường hợp hy sinh được nhân dân suy tôn, an táng tại nghĩa trang. Theo Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP thì trường hợp này có căn cứ để xác định là liệt sĩ. Chúng tôi đã hướng dẫn gia đình làm hồ sơ đầy đủ, chỉ còn chờ ý kiến xác nhận của cấp trên rồi chuyển đến Cục Người có công xem xét. Dù ông hy sinh đã rõ nhưng để công nhận vẫn phải làm theo quy trình quy định”.
Căn cứ vào giấy tờ để xác nhận liệt sĩ không còn giấy tờ Thiếu tá Giáp Đức Cường (chuyên viên Ban Chính sách Ban chỉ huy Quân sự tỉnh Tây Ninh) cho biết Ban chỉ huy Quân sự tỉnh đã chuyển các hồ sơ này lên quân khu xem xét. Anh Cường nói: “Thông tư 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP có những bất cập khi áp dụng vào thực tế. Ví dụ như lực lượng du kích, thanh niên xung phong thì không thể có hồ sơ lưu như bên lực lượng vũ trang. Hoặc trong trường hợp đơn vị hành quân về mà bị hy sinh hết, gần như không còn giấy tờ nào nữa. Thông tư này để hướng dẫn xác nhận liệt sĩ, thương binh không còn giấy tờ nhưng cuối cùng vẫn căn cứ vào giấy tờ”. Anh Cường cũng cho biết trong lòng anh rất buồn mỗi khi người thân của liệt sĩ tìm gặp anh để hỏi thăm vì sao họ phải chờ đợi lâu như vậy. Từ cuối năm 2013, kể từ khi có Thông tư 28, Ban chỉ huy Quân sự tỉnh Tây Ninh đã rà soát và hướng dẫn cho tám gia đình làm hồ sơ công nhận người thân đã hy sinh là liệt sĩ. Tuy vậy đến nay vẫn chưa có trường hợp liệt sĩ nào trong số đó được chính thức công nhận. _____________________________________ 1. Danh sách liệt sĩ lưu tại cơ quan, đơn vị có ghi tên người hy sinh hoặc giấy tờ, tài liệu có giá trị pháp lý lập từ 31-12-1994 trở về trước có ghi nhận là liệt sĩ hoặc hy sinh trong chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu. 2. Người hy sinh đã được chính quyền và nhân dân suy tôn đưa vào an táng trong nghĩa trang liệt sĩ nơi hy sinh, được gắn bia mộ liệt sĩ từ 31-12-1994 trở về trước. (Trích Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP hướng dẫn xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách nhưthương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ) |