Lưu ý của Phó Thủ tướng Lê Thành Long về phát triển vùng ĐBSCL

(PLO)- Phó Thủ tướng Lê Thành Long lưu ý nghiên cứu lựa chọn các dự án quan trọng, cấp bách theo nghị quyết của Bộ Chính trị và quy hoạch vùng ĐBSCL, để ưu tiên nguồn vốn bố trí trong kế hoạch trung hạn 2026-2030.

Chiều 3-1, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phối hợp với Văn phòng Chính phủ, tổ chức Hội nghị Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lần thứ 5 trực tuyến với 13 tỉnh, thành của vùng này.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Đức Tuân

Nhiều kết quả khả quan

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL, đánh giá cao những kết quả đạt được của toàn vùng trong năm qua.

Theo Phó Thủ tướng, trong năm 2024, vùng ĐBSCL có những bước phát triển tương đối rõ. Kết quả này có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt là đóng góp trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.

Cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư đồng bộ hơn. Từ sự quan tâm của Trung ương và cố gắng tự thân, các địa phương đã có bước phát triển và khẳng định được sự phát triển của vùng trong lĩnh vực cây ăn quả, thủy hải sản, lúa gạo…

Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP dự kiến đạt 7,31%, cao hơn bình quân chung cả nước. Thu nhập bình quân đầu người gần 81 triệu đồng/năm, tăng gần gấp đôi so với năm 2020. Tổng thu ngân sách đạt gần 117.000 tỉ đồng.

Xuất khẩu tương đối tốt, lũy kế 11 tháng đạt 12,5 tỉ USD; giải ngân vốn đầu tư công đến hết 31-12-2024, cả vùng đạt 64,5 nghìn tỉ đồng, trên 72%.

Theo Phó Thủ tướng, hoạt động của Hội đồng điều phối vùng từ khi thành lập năm 2020 đến nay cơ bản đi đúng hướng. Các địa phương chủ động thực hiện việc liên kết giữa các tỉnh trong vùng.

Nhiều dự án trọng điểm trong vùng đã được tích cực triển khai và khẩn trương hoàn thành, chủ yếu là đường cao tốc. Phấn đấu hoàn thành 600 km đường cao tốc tại ĐBSCL vào năm 2025.

Đẩy nhanh thực hiện nhiệm vụ đã đề ra

Tuy nhiên, vùng còn nhiều hạn chế, khó khăn và thách thức như tăng trưởng một số địa phương còn chậm; sự gắn kết giữa các nhà, trong đó có nhà nông và doanh nghiệp còn chưa chặt chẽ; tối ưu thế mạnh của các chuỗi liên kết trong nông nghiệp và sản xuất quy mô còn nhỏ; kết cấu hạ tầng vẫn còn thiếu tính kết nối; thủ tục hành chính còn chậm; biến đổi khí hậu có ảnh hưởng sâu sắc đến an ninh nguồn nước và vấn đề sụt lún…

Đại biểu tại TP Cần Thơ tham dự hội nghị bằng hình thức trực tuyến. Ảnh: NHẪN NAM

Cũng theo Phó Thủ tướng, Hội đồng điều phối vùng đề ra nhiều nhiệm vụ nhưng điểm lại những nhiệm vụ được giao cho năm 2023, 2024 còn chậm. Trong số 26 việc đề ra thì mới có 7 việc xong, còn lại đang thực hiện.

“Một việc nữa là chúng ta đặt ra nhiệm vụ rà soát, kiến nghị cơ chế chính sách đặc thù cho khu vực để có sự phát triển kinh tế xã hội của vùng để làm sao giảm bớt sự phụ thuộc của các tỉnh trong vùng với ngân sách Trung ương nhưng làm chưa tốt lắm”- Phó Thủ tướng Lê Thành Long thẳng thắn.

Về các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị những nhiệm vụ chưa hoàn thành (đề án, dự án trong vùng) thì phải cố gắng thực hiện, đẩy nhanh thực hiện nhiệm vụ đã đề ra.

Ông Lê Thành Long yêu cầu các địa phương và bộ, ngành triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tại các quy hoạch đã được phê duyệt. Song song đó, nghiên cứu và đề xuất các giải pháp đẩy mạnh cơ chế hợp tác vùng trong đảm bảo an ninh nguồn nước.

Bộ Công Thương tăng cường liên kết vùng trong phát triển thương mại, nhất là xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của vùng.

Một nhiệm vụ nữa mà Phó Thủ tướng lưu ý là nghiên cứu lựa chọn các dự án quan trọng, cấp bách theo nghị quyết của Bộ Chính trị và quy hoạch vùng để ưu tiên nguồn vốn bố trí trong kế hoạch trung hạn 2026-2030, trong đó, dành nguồn vốn phù hợp làm công tác chuẩn bị đầu tư trong năm 2025, để triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công 2026-2030.

Đề xuất 51 dự án liên vùng, khoảng 189.000 tỉ đồng

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết đối với đề xuất các dự án trọng điểm liên vùng thì 13/13 địa phương đã có văn bản báo cáo đề xuất thực hiện trong giai đoạn 2026-2030 với tổng cộng 51 dự án liên vùng, khoảng 189.000 tỉ đồng.

Một số địa phương đã báo cáo sơ bộ những kết quả nổi bật về tình hình kinh tế - xã hội của địa phương và đề xuất, kiến nghị cụ thể liên quan đến địa phương mình trong mối quan hệ tổng thể với vùng ĐBSCL.

Theo đó, tỉnh Long An đề xuất Trung ương quan tâm đầu tư các dự án mang tính vùng, có tính dài hạn và bền vững, cụ thể là dự án ngăn mặn, trữ ngọt mang tính căn cơ cho các địa phương trong bối cảnh toàn vùng đang chịu tác động của biến đổi khí hậu.

Tỉnh Tiền Giang đề xuất cần phải có kế hoạch đồng bộ về thủy lợi cho cả vùng, trong đó tỉnh này đề xuất xây đập ngăn mặn cửa sông Hàm Luông; đẩy nhanh tiến độ làm đường ven biển...

Tỉnh Cà Mau cũng mong Trung ương sớm có giải pháp hỗ trợ tỉnh trong việc ứng phó với tình trạng sụt lún bờ sông, bờ biển.

TP Cần Thơ kiến nghị Trung ương tiếp tục quan tâm hỗ trợ vùng ĐBSCL đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng theo Nghị quyết 78 của Chính phủ. Ban hành cơ chế đặc thù để phát triển vùng ĐBSCL gắn với từng mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp cụ thể theo Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị.

Đồng thời sớm ban hành quy chế phối hợp vùng, đặc biệt là quy chế về tài chính để đủ nguồn lực đầu tư các công trình mang tính chất cấp vùng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới