Để làm bài thi môn ngữ văn đạt hiệu quả cao trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, các thí sinh (TS) nên lưu ý 3 điểm sau đây:
1. Cấu trúc đề thi
Ở kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, đề thi môn ngữ văn có 2 phần. Phần chung gồm 2 câu. Câu 1 (2 điểm) thuộc dạng tái hiện kiến thức (trình bày cuộc đời, sự nghiệp, phong cách nghệ thuật của nhà văn lớn; giải thích nhan đề tác phẩm; nêu tình huống truyện; khái quát một giai đoạn, một nội dung nào đó…). Câu 2 (3 điểm) viết một bài văn nghị luận xã hội theo số chữ quy định với các nội dung nghị luận về một tư tưởng đạo lý; một hiện tượng trong đời sống; một vấn đề xã hội trong tác phẩm văn học.
Phần riêng có 2 câu (3a hoặc 3b, 5 điểm), TS chỉ chọn làm một câu với kiến thức nghị luận văn học.
Rất đông thí sinh chọn mua sách tham khảo trong những ngày ôn thi ĐH, CĐ. Ảnh: Minh Quyên
2. Trình bày nội dung tương ứng
Đối với câu 2 - nghị luận một tư tưởng đạo lý, TS nên làm theo hướng giải thích – phân tích, bàn luận – nêu bài học kinh nghiệm; nếu nghị luận một hiện tượng trong đời sống thì làm theo hướng thực trạng – nguyên nhân – giải pháp; nếu nghị luận một vấn đề xã hội trong tác phẩm văn học thì nên kết hợp các cách trên và nêu cảm nhận của bản thân về vấn đề được bàn luận. Điểm chú ý ở câu này là nên bám sát yêu cầu, có cái nhìn, đánh giá đúng vấn đề.
Ở câu 3, có thể đề yêu cầu nghị luận một đoạn thơ, bài thơ, một nhân vật, một đoạn trích hoặc một ý kiến bàn về tác phẩm, giai đoạn văn học. Đây là câu có số điểm cao nhất nên TS cần đầu tư thời gian dài.
Chú ý, ngoài phần mở bài và kết bài, trọng tâm phần thân bài phải có luận điểm, mỗi luận điểm trình bày một ý. Trong luận điểm phải có các luận cứ và dẫn chứng. Các luận điểm phải cùng làm rõ nội dung của bài văn. Nếu là phân tích thơ, nhất thiết bài làm phải rõ nội dung và nghệ thuật, trong mỗi phần phải có nhiều ý nhỏ để thuyết phục.
Ví dụ, phân tích đoạn đầu trong bài Tây tiến, phần nội dung cần có là thiên nhiên (hùng vĩ nhưng nên thơ) và con người (hào hùng nhưng hào hoa); phần nghệ thuật gồm cả thể thơ, giọng điệu, từ ngữ, gieo vần… Nếu phân tích nhân vật, phải chú ý đến mặt con người và tính cách, nghệ thuật xây dựng nhân vật. Nếu phân tích một ý kiến, một giai đoạn văn học, cần chú ý đến đặc điểm vấn đề được trình bày…
3. Tránh lối viết chữ ít nghĩa
Ngoài lượng kiến thức, khi làm bài thi văn, TS cần chú ý đến cách trình bày. Mỗi câu phải được trình bày tách bạch, bằng dấu hiệu xuống hai dòng và ghi câu hỏi ở đầu, nên gạch chân chữ ghi câu hỏi. Trong mỗi câu có phần ranh giới giữa các đoạn văn. Dẫn chứng phải để trong ngoặc kép nếu là văn, xuống dòng đối với thơ, phải có chú thích và trình bày thống nhất từ đầu đến cuối bài. Chữ viết trong bài làm phải theo một chiều, viết đều nét, dễ đọc. Câu và cách dùng từ phải giản dị, trong sáng, tránh lối viết chữ ít nghĩa. Chữ viết ở lề phải, trái của tờ giấy phải thẳng, đều. Bố cục bài làm phải cân xứng.
Theo NLĐ