Lưu ý trong phiên đấu giá hơn 140 triệu cổ phần LienVietPostBank

8(PLO)- Có nhiều quy định về tỷ lệ sở hữu mà nhà đầu tư cần lưu ý khi tham gia phiên đấu giá hơn 140 triệu cổ phiếu LPB của Ngân hàng Liên Việt do VNPost thoái vốn…
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 12-4, Sở GDCK Hà Nội (HNX) thông tin về phiên đấu giá cổ phần LPB của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank).

Theo đó, HNX sẽ tổ chức đấu giá 140,5 triệu cổ phần do Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) sở hữu. Đây là toàn bộ số cổ phần VNPost sở hữu, chiếm 8,13% vốn thực góp của LienVietPostBank

Giá khởi điểm chào bán cổ phần là 22.908 đồng/cổ phần.

LienVietPostBank niêm yết cổ phiếu LPB năm 2020. Ảnh: LienVietPostBank
LienVietPostBank niêm yết cổ phiếu LPB năm 2020. Ảnh: LienVietPostBank

Việc thoái vốn của VNPost nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc cơ cấu lại khoản vốn góp trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm và theo đề nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông.

HNX nhấn mạnh, về số lượng cổ phần đăng ký mua tối đa, nhà đầu tư trong và ngoài nước cần tuân theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 01/2014/NĐ-CP về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam và Điều 55 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 được sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Nhà đầu tư phải đảm bảo tuân thủ quy định về tỉ lệ sở hữu của cá nhân, tổ chức và người có liên quan theo quy định nêu trên.

Đối với số cổ phần trúng đấu giá nhưng vượt quá tỉ lệ sở hữu quy định và không được Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam chấp thuận chuyển quyền sở hữu, VNPost không chịu trách nhiệm và cũng không hoàn trả lại tiền, kể cả tiền đặt cọc.

Số cổ phần đã thanh toán nhưng không được mua vẫn thuộc sở hữu của VNPost.

Nhà đầu tư nước có trách nhiệm cập nhật khối lượng cổ phần còn được phép mua theo công bố hàng ngày trên website của Sở GDCK TP Hồ Chí Minh (HSX). Nhà đầu tư phải đảm bảo khối lượng đăng ký mua không vượt quá khối lượng còn được phép mua do HSX công bố tại thời điểm đăng ký tham dự đấu giá.

Trước đó, NHNN đã có ý kiến chỉ đạo LienVietPostBank phối hợp với VNPost xây dựng phương án, lộ trình xử lý hệ thống phòng giao dịch bưu điện sau khi VNPost thực hiện chuyển nhượng cổ phần. Trong đó, có phương án quản lý các đơn vị mạng lưới của LienVietPostBank (bao gồm hệ thống phòng giao dịch bưu điện), đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả, tuân thủ quy định pháp luật.

Văn bản này cũng yêu cầu LienVietPostBank phối hợp với VNPost thông tin đầy đủ tới các nhà đầu tư phải thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của cổ đông theo đúng quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (đã được sửa đổi, bổ sung).

LienVietPostBank lưu ý cổ đông phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của nguồn vốn mua cổ phần; không sử dụng vốn vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để mua cổ phần; không được góp vốn, mua cổ phần của LienVietPostBank dưới tên cá nhân, pháp nhân khác dưới mọi hình thức, trừ trường hợp ủy thác theo quy định của pháp luật.

Được biết, LienVietPostBank thành lập năm 2008 với tên gọi Ngân hàng TMCP Liên Việt và 3 năm sau đó đổi tên thành Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt.

Sau 9 lần tăng vốn điều lệ, tính đến tháng 1-2023, vốn điều lệ của ngân hàng là hơn 17.291 tỉ đồng.

Hiện, LienVietPostBank có một trụ sở chính, ba văn phòng đại diện, 80 chi nhánh, 481 phòng giao dịch tại 63 tỉnh, thành phố cả nước.

Các sản phẩm, dịch vụ LienVietPostBank cung cấp bao gồm các sản phẩm huy động, sản phẩm tín dụng, sản phẩm ngân hàng số Lienviet 24h, sản phẩm bảo hiểm và các sản phẩm dịch vụ truyền thống khác tương ứng với từng mảng hoạt động của Ngân hàng.

LienVietPostBank hiện đang đầu tư góp vốn vào CTCP Chứng khoán Liên Việt và CTCP điện Việt Lào với tổng giá trị vốn góp gần 316 tỉ đồng.

Tổng giá trị tài sản năm 2022 của ngân hàng đạt 327.746 tỉ đồng, tăng 13,33% so với năm 2021. Thu nhập lãi thuần tăng 31,97%, đạt gần 11.900 tỉ đồng và hoàn thành 110% kế hoạch năm 2022.

Lợi nhuận sau thuế đạt 4.510 tỉ đồng, mức cao nhất kể từ khi thành lập và lớn hơn gấp 1,57 lần so với năm 2021, vượt 17,45% so với kế hoạch năm 2022.

Điều 7 Nghị định số 01/2014/NĐ-CP quy định:

Tỷ lệ sở hữu cổ phần của một cá nhân nước ngoài không được vượt quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng (TCTD).

Tỷ lệ sở hữu của một tổ chức nước ngoài không được vượt quá 15% vốn điều lệ của một TCTD.

Tỷ lệ sở hữu của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không được vượt quá 20% vốn điều lệ của một TCTD.

Tỷ lệ sở hữu của một nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan của nhà đầu tư nước ngoài đó không được vượt quá 20% vốn điều lệ của một TCTD.

Tổng mức sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm