Theo Điều 33 Nghị định 56/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em (có hiệu lực từ ngày 1-7 tới đây), thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em gồm có: “Tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em”.
Lâu nay việc đăng ảnh, bảng điểm của con trẻ lên Facebook, mạng xã hội là thói quen thường thấy của các bậc phụ huynh. Nhiều người lo sợ từ ngày 1-7 này, khi đăng những thông tin này của con trẻ lên Facebook là sẽ bị phạt.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, cho biết: “Chúng ta chỉ không được đăng tải những thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà Điều 33 Nghị định 56 đã liệt kê khi chưa được sự đồng ý của trẻ từ bảy tuổi trở lên. Còn những hình ảnh, thông tin của trẻ em mà không thuộc phạm vi của Điều 33 nói trên thì không phải bí mật đời tư của trẻ. Ví dụ gia đình đi chơi, chụp ảnh vui chơi rồi đăng ảnh con lên Facebook thì có gì đâu mà bị phạt” - ông Đặng Hoa Nam nói.
Cũng theo ông Nam, việc đưa bảng điểm, kết quả học tập của con từ bảy tuổi trở lên lên mạng xã hội mà không có sự đồng ý của con thì sẽ gây ảnh hưởng tâm lý cho con trẻ. Nếu kết quả học tập tốt thì có thể sẽ giúp trẻ tự hào nhưng cũng có thể mang lại tác dụng ngược là trẻ kiêu ngạo hoặc tạo tâm lý tự ti cho trẻ nếu sau này vì lý do gì đó mà kết quả học tập bị thấp đi.
Lý giải về mốc “bảy tuổi trở lên” cần phải được sự đồng ý của trẻ, ông Đặng Hoa Nam cho rằng các nhà khoa học nghiên cứu và chỉ ra rằng đây là lứa tuổi đã biết nhận thức khá đầy đủ về thế giới xung quanh. Các luật khác liên quan đến trẻ em cũng dựa theo lứa tuổi này, chẳng hạn như Luật Hôn nhân và Gia đình quy định khi vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ bảy tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.