Ngày 18-7, trao đổi với PLO ông Mai Đức Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi, Cứu hộ động vật và Quản lý bảo vệ rừng (Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk), cho biết đơn vị vừa phối hợp xử lý, nhổ cả hai ngà của một chú voi 8 tuổi.
Theo ông Vĩnh, chú voi bị nhổ cả hai ngà là voi Gold. Lý do, trước đó voi Gold nghịch với một cá thể voi khác và húc trúng thân cây nên bị gãy ngà.
Một thời gian dài, cán bộ tại Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk đã tích cực điều trị nhưng vết thương ở ngà của voi Gold vẫn không thuyên giảm.
Các bác sĩ, chuyên gia về voi thăm khám, xác định voi Gold bị gãy ngà đã ảnh hưởng đến phần tủy, không thể phục hồi ngà và có dấu hiệu lây nhiễm nặng.
Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk đã báo cáo, xin ý kiến các cấp và được đồng ý cho rút cả hai phần ngà còn lại, nhằm chữa trị dứt điểm cho voi Gold.
Từ đầu tháng 4 đến nay, các chuyên gia hàng đầu về voi trên thế giới đã phối hợp với bác sĩ tại Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk, nhổ cả hai ngà bị tổn thương của voi Gold.
Việc nhổ phần ngà còn sót lại của voi Gold được chia làm hai đợt. Đợt một nhổ ngà trái, đợt hai nhổ ngà phải.
Mỗi ca thực hiện phẫu thuật nhổ ngà của voi Gold diễn ra trong vòng khoảng hai giờ đồng hồ. Do voi lớn, khỏe nên trước khi phẫu thuật nhổ ngà, các bác sĩ phải tiến hành tiêm thuốc, gây mê đối với voi Gold.
Theo ông Vĩnh, Gold là voi đực, hiện nặng hơn 1 tấn. Việc phải nhổ ngà của voi Gold là việc bất đắc dĩ.
“Trước khi nhổ ngà, voi Gold đã trải qua quá trình điều trị ngà nhưng không khỏi. Vết thương ảnh hưởng tủy nên voi biếng ăn, ốm dần, sụt cân” - ông Vĩnh nói.
Cũng lời ông Vĩnh, sau hai lần phẫu thuật nhổ ngà, hiện voi Gold đã ổn định sức khỏe, mập mạp trở lại và ham chơi như trước đây.
Gold là một chú voi rừng. Năm 2016, chú voi này theo đàn về huyện Ea Súp uống nước và bị rơi xuống một giếng gần hồ.
Thời điểm bị nạn, voi Gold mới được vài tháng tuổi. Sau khi nhận tin báo lực lượng của Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk đã nhanh chóng cứu hộ, đưa voi Gold lên bờ.
Do voi còn nhỏ, chưa biết tự ăn nên cán bộ của Trung tâm bảo tồn voi nhiều lần đưa voi Gold vào rừng tìm mẹ. Dù vậy, việc tìm mẹ cho voi Gold bất thành. Sau đó, voi Gold được đưa về Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk chăm sóc cho đến nay.