Lý do chuyển 19 ha rừng để nâng cấp Quốc lộ 28B

(PLO)- Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 28B qua tỉnh Bình Thuận và Lâm Đồng có chiều dài khoảng 69km với tổng mức đầu tư 1.435 tỉ đồng.

Kỳ họp thứ 30, HĐND tỉnh Bình Thuận khóa XI (nhiệm kỳ 2021-2026) mới đây đã thông qua nghị quyết thống nhất chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 28B (đoạn qua tỉnh Bình Thuận và Lâm Đồng).

Quốc lộ 28B dài 69km kết nối Bình Thuận với Lâm Đồng. Ảnh Google Map

Cụ thể điều chỉnh chủ trương chuyển mục đích hơn 19 ha rừng (trong đó rừng trồng hơn 1,7 ha và rừng tự nhiên 17,9 ha) để thực hiện dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 28B.

Dự án này vốn đã khởi công từ tháng 4-2024 nhưng đến nay lại thay đổi quy mô, dẫn đến thay đổi diện tích rừng so với chủ trương chuyển mục đích rừng trước đây. Lý do là hồi tháng 8 và tháng 10-2024, Cục Đường bộ Việt Nam có công văn gửi UBND tỉnh Bình Thuận và Bộ GTVT đề nghị điều chỉnh quy mô dự án.

Cụ thể, trong quá trình tiến hành khảo sát chi tiết về địa hình, địa chất để lập, trình, thẩm định phê duyệt hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công có một số đoạn tuyến qua địa bàn tỉnh Bình Thuận cần phải điều chỉnh thiết kế chi tiết như cống, kè, đường cứu nạn... Việc điều chỉnh này nhằm đảm bảo điều kiện hình học và an toàn công trình, an toàn giao thông khi xây dựng và đưa vào vận hành Quốc lộ.

Hiện nay Quốc lộ 28B có đường nhỏ hẹp, đèo quanh co nguy hiểm.

Do đó, Cục Đường bộ Việt Nam đã phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, chỉ dẫn kỹ thuật của dự án và tổng diện tích dự án đi qua địa bàn tỉnh Bình Thuận sau điều chỉnh là hơn 111 ha (giảm hơn 2 ha so với quy mô dự án trước đây), trong đó có 1,7 ha rừng trồng và 17,9 ha rừng tự nhiên.

Theo Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, do dự án thay đổi vị trí, có diện tích rừng nằm ngoài diện tích rừng đã được Thủ tướng Chính phủ, HĐND tỉnh cho chủ trương trước đây nên việc UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua điều chỉnh chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác là cần thiết và đúng thẩm quyền.

Nội dung đề nghị điều chỉnh phù hợp với Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia đã được Sở NN&PTNT tổ chức thẩm định hồ sơ. Ban Quản lý dự án 5 (chủ đầu tư) đã có văn bản cam kết thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế.

Sở NN&PTNT sẽ hướng dẫn chủ đầu tư dự án nộp tiền trồng rừng thay thế vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh làm cơ sở tham mưu UBND tỉnh phân bổ kinh phí cho 55 ha diện tích rừng mất đi theo quy định.

Quốc lộ 28B sau khi hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang Đông - Tây, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, du lịch liên kết vùng.

Đối với thủ tục khai thác tận dụng, Sở NN&PTNT sẽ tổng hợp tham mưu quyết định khai thác tận dụng lâm sản trên diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định và tổ chức bán đấu giá nộp ngân sách.

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 28B khi hoàn thiện và đưa vào vận hành sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại, lưu thông hàng hóa của người dân trong khu vực. Đồng thời kết nối giao thông với tỉnh Lâm Đồng, liên vùng và từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, khai thác hiệu quả quỹ đất hai bên tuyến đường, tạo động lực phát triển các khu công nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 28B qua tỉnh Bình Thuận và tỉnh Lâm Đồng có chiều dài khoảng 69km, điểm đầu tại Km0+000, giao Quốc lộ 1 tại Km1656+900, (địa phận huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận); điểm cuối tại Km68+100 - Ngã ba Tahine giao với Quốc lộ 20 tại Km185+690 (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng).

Tổng vốn đầu tư của dự án là 1.435 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào năm 2025. Quốc lộ 28B là tuyến đường ngắn nhất nối liền Bình Thuận với Lâm Đồng, kết nối tuyến Quốc lộ 1, đường bộ cao tốc Bắc – Nam, Quốc lộ 20… với các vùng ven biển tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa và kết nối Lâm Đồng, các tỉnh Tây Nguyên với Quốc lộ 1; cảng tổng hợp Quốc tế Vĩnh Tân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới