Theo hãng tin Bloomberg, doanh thu xuất khẩu dầu thô của Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục đạt kỷ lục từ nay đến năm sau khi nước này liên tục chiếm lĩnh thị phần ở nhiều nước, nhất là ở châu Âu, trong bối cảnh khu vực này tìm cách thoát khỏi sự lệ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga.
|
Một cơ sở tinh chế dầu ở bang Texas của Mỹ hồi tháng 7. Ảnh: GETTY |
Vị thế đang lên của Mỹ trên thị trường dầu quốc tế
Giữa lúc thế giới đang chật vật giữa một trong những cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng nhất lịch sử, Mỹ đang dần trở thành nhà cung cấp dầu hàng đầu với các đối thủ cạnh tranh có dấu hiệu hụt hơi, còn giá nhiên liệu toàn cầu đã tăng vọt kể từ sau khi xung đột quân sự Nga - Ukraine nổ ra. Công suất khai thác của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) đang chững lại trong khi dầu khí Nga không được ưa chuộng. Trong khi đó, những biến động “cực đoan” trên thị trường dầu kỳ hạn đã khiến Bộ Dầu mỏ Saudi Arabia xem xét cắt giảm nguồn cung hơn nữa bất chấp tình trạng thiếu hụt ở các quốc gia tiêu thụ.
“Các nhà cung cấp dầu của Mỹ đã nắm bắt được thị phần trên khắp châu Âu và có lẽ sẽ tiếp tục giữ thị phần này trong hai năm tới, khi mà các nhà sản xuất khác, bao gồm ở khu vực Biển Bắc và Tây Phi, đã không tăng sản lượng một cách ổn định” - chuyên gia Conor McFadden thuộc Tập đoàn kinh doanh dầu mỏ Trafigura (Mỹ) nhận định.
Trong một cuộc thăm dò ý kiến của các nhà phân tích trong ngành mới đây, dù việc Mỹ ngừng xả dầu dự trữ vào quý III có thể làm hoạt động xuất khẩu chững lại một thời gian ngắn, trong dài hạn điều này sẽ không làm giảm dòng chảy khổng lồ từ nước này sang các khu vực khác.
Các công ty khai thác dầu của Mỹ đã và đang tăng sản lượng - cho dù chỉ tăng ở mức độ vừa phải - trong khi công suất của các nhà máy lọc dầu ở nước này được dự báo không tăng nên lượng dầu thô dành cho xuất khẩu chắc chắn tăng thêm. Theo số liệu Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) công bố ngày 24-8, Mỹ trong tháng này đã xuất khẩu gần 5 triệu thùng dầu thô mỗi ngày - một con số chưa từng có tiền lệ.
Tính từ nay đến cuối năm, xuất khẩu dầu thô của Mỹ được dự báo đạt bình quân 3,3-3,6 triệu thùng một ngày, tăng từ mức gần 3 triệu thùng của năm ngoái, theo các nhà phân tích tại ba công ty phân tích có trụ sở tại Mỹ là ESAI Energy, Rapidan Energy Group và Kpler. Chuyên gia Elisabeth Murphy của ESAI còn dự báo con số này là 4,3 triệu thùng một ngày vào năm sau.
Chuyên trang thông tin dầu OilPrice ngày 25-8 cho biết đang có nhiều dấu hiệu cho thấy Nga và Iran đang chuẩn bị thiết lập một liên minh dầu khí giống OPEC để đối kháng các lệnh cấm vận của phương Tây. Biên bản ghi nhớ (MoU) trị giá 40 tỉ USD được ký vào tháng trước giữa Tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga và Công ty Dầu mỏ quốc gia Iran (NIOC) là một bước đệm, cho phép hai nước thực hiện kế hoạch này.
Các đơn hàng quan trọng từ Âu, Á
Bloomberg cho biết một phần không nhỏ số dầu xuất khẩu nói trên của Mỹ hầu hết đều xuất sang các nước châu Âu - nơi đang tìm kiếm nguồn cung mới trước khi lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga của Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực từ đầu tháng 12.
“Hiện tại Mỹ chiếm khoảng 16% tổng lượng dầu thô nhập khẩu qua đường biển của châu Âu, tăng nhẹ từ mức 15,3% trước xung đột Nga - Ukraine nhưng dư địa và cơ hội để mở rộng thị phần còn rất lớn vì châu Âu chưa tìm đủ nguồn cung thay thế năng lượng của Nga” - chuyên gia Rohit Rathod của Tập đoàn vận chuyển Vortexa (Anh) cho biết. Hiện 27 nước thành viên EU vẫn nhập khoảng 1,1 triệu thùng dầu từ Nga mỗi ngày.
Mỹ không chỉ lấp vào khoảng trống mà Nga để lại ở châu Âu mà cũng đang thay thế nguồn cung từ các nhà cung cấp truyền thống khác của châu lục này như Kazakhstan. Hoạt động xuất khẩu dầu của nước này trong năm nay bị gián đoạn liên tục do loạt vấn đề kỹ thuật liên quan tới đường ống Caspian Pipeline Consortium (CPC).
“Mỹ đang thâm nhập cả thị phần của các nước Bắc Phi ở châu Âu, cũng như bù đắp cho dòng chảy dầu thô bị gián đoạn từ Libya - nơi đang phải ngừng sản xuất do vấn đề chính trị” - chuyên gia Hunter Kornfeind của Tập đoàn Rapidan Energy (Mỹ) nói. Theo ông, các cơ sở tinh luyện dầu ở châu Âu đang ngày càng thoải mái hơn với việc sử dụng dầu Mỹ bởi hoạt động giao hàng đang diễn ra ổn định và đáng tin cậy. “Khi các chuỗi cung ứng năng lượng của thế giới trở nên căng thẳng quá mức, dầu thô Mỹ đang chứng tỏ ưu thế vượt trội về cung ứng và chất lượng của mình” - ông nói thêm.
Trong dài hạn, các đơn hàng ở châu Á cũng sẽ là nhân tố quan trọng giúp xuất khẩu dầu thô của Mỹ tăng lên. Trong hai tháng qua, các nước châu Á đã mua một lượng lớn dầu Mỹ, khi cạnh tranh với nguồn cung ở Trung Đông nóng lên. Dù vậy, Nga vẫn chiếm thị phần lớn ở khu vực này, nhất là khi hai nước có nhu cầu cao nhất châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ có quan hệ nồng ấm với Nga hơn là Mỹ.•
Nga đề xuất giảm 30% giá dầu cho châu Á
Bloomberg cho biết chính quyền Nga thời gian gần đây đã tiếp cận một số quốc gia châu Á để thảo luận về các hợp đồng dầu dài hạn với mức chiết khấu có thể lên tới 30%. Một quốc gia đã lên tiếng chính thức về vấn đề này là Indonesia. Chia sẻ trên mạng xã hội vào cuối tuần trước, Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế sáng tạo Indonesia Sandiaga Uno cho biết Nga đã đề nghị bán dầu cho Indonesia “với giá thấp hơn 30% so với giá thị trường quốc tế”. Ông nói thêm rằng Tổng thống Joko Widodo đang xem xét lời đề nghị “nhưng giữa hai bên đang có bất đồng” vì phía Indonesia lo ngại bị Mỹ cấm vận.
Một quan chức EU giấu tên nhận định với Bloomberg rằng động thái của Moscow nhiều khả năng là nhằm tìm cách giảm tác động trước nguy cơ bị Mỹ và phương Tây áp giá trần lên dầu Nga xuất khẩu. Một số quốc gia châu Âu đã lên tiếng ủng hộ việc áp trần giá dầu Nga nhưng cũng có một số ý kiến cho rằng hệ thống này sẽ chỉ có hiệu quả nếu các nước châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ đồng ý tham gia.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết đang cùng Mỹ và đồng minh thảo luận nghiêm túc đề xuất này. Tuy nhiên, đây là vấn đề phức tạp, đòi hỏi sự ủng hộ của các quốc gia khác. “Chúng tôi sẽ nỗ lực cùng thực hiện chiến lược này. Tuy nhiên, nó sẽ không hiệu quả nếu chỉ có một số nước tham gia. Chúng ta cần thêm các đối tác nữa” - ông Scholz nói. Hiện chưa rõ lập trường của các nước châu Á về kế hoạch này. Tuy nhiên, rất ít quốc gia ở đây công khai ủng hộ.