OPEC+ họp nhưng Nga quyết định sản lượng dầu

(PLO)- Nhóm OPEC+ họp bàn tăng sản lượng dầu bán ra trong tháng 9 nhưng chưa biết kết quả ra sao và thị trường sẽ thế nào khi Nga muốn duy trì giá dầu ở mức cao.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thị trường dầu đang đặt kỳ vọng vào việc các nước Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác bao gồm Nga (OPEC+) sẽ cùng ngồi lại vào ngày 3-8 để bàn quyết định về sản lượng dầu của tháng 9.

Khó đoán định giá dầu sắp tới ra sao

Trả lời phỏng vấn của tờ Alrai (Kuwait) trước phiên họp tới, tân Tổng thư ký OPEC Haitham al-Ghais mô tả tình trạng hiện tại của thị trường dầu “rất bất ổn và hỗn loạn”.

Các đợt tăng giá dầu gần đây không chỉ liên quan đến diễn biến giữa Nga và Ukraine. Tất cả dữ liệu xác nhận rằng giá dầu bắt đầu tăng dần và được tích lũy từ trước xung đột Nga - Ukraine, do nhận thức phổ biến trên thị trường rằng một số quốc gia thiếu năng lực sản xuất dự phòng.

Tổng thư ký OPEC

HAITHAM AL-GHAIS

Năm 2022, giá dầu tăng vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2008, lên trên 139 USD/thùng vào tháng 3, sau khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) trừng phạt Nga vì chiến dịch quân sự ở Ukraine. Từ mức cao này, dần dần giá dầu đã giảm xuống khoảng 108 USD/thùng, do lạm phát tăng vọt và lãi suất cao hơn làm gia tăng lo ngại về một cuộc suy thoái.

Trả lời câu hỏi về những yếu tố sẽ ảnh hưởng đến giá dầu cuối năm nay, ông al-Ghais cho rằng yếu tố ảnh hưởng nhất sẽ là sự thiếu vắng các khoản đầu tư vào lĩnh vực khoan, thăm dò và sản xuất. Điều này sẽ đẩy giá theo hướng đi lên nhưng OPEC không thể xác định liệu giá dầu có lập đỉnh mới hay không. Ông al-Ghais khẳng định OPEC+ không chủ trương kiểm soát giá dầu nhưng tuân thủ cái gọi là điều chỉnh thị trường theo cung và cầu.

Về diễn biến cuộc họp sắp tới, hai trong tám nguồn tin từ OPEC+ mà hãng tin Reuters tiếp cận tiết lộ rằng OPEC+ sẽ thảo luận mức tăng khiêm tốn đối với sản lượng tháng 9. Chuyên gia Helima Croft thuộc Công ty tài chính RBC Capital (Canada) nhận định chuyến thăm Saudi Arabia hồi tháng 7 của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thành công trong việc thuyết phục nước này mở van dầu và bổ sung nguồn cung cho thế giới.

Chuyện này có thể sẽ chưa diễn ra ngay lập tức nhưng chúng tôi tin rằng nước này sẽ đáp lại lời kêu gọi của ông Biden để tăng dần sản lượng” - bà Croft nói. Tổ chức nghiên cứu Energy Aspects (Anh) cũng kỳ vọng OPEC+ có thể điều chỉnh thỏa thuận sản lượng hiện tại để bơm thêm nhiều dầu hơn ra thị trường.

Lãnh đạo các nước thành viên OPEC+ trong cuộc họp ở thủ đô Vienna của Áo hồi tháng 12-2019. Ảnh: BLOOMBERG

Lãnh đạo các nước thành viên OPEC+ trong cuộc họp ở thủ đô Vienna của Áo hồi tháng 12-2019. Ảnh: BLOOMBERG

Tuy nhiên, sáu trong tám nguồn tin còn lại mà Reuters tiếp cận lại cho rằng sản lượng có thể sẽ vẫn được giữ nguyên, vì giá dầu đang giảm mạnh sau mức đỉnh hồi tháng 3. Một số nhà phân tích cảnh báo thị trường không nên kỳ vọng vào bất kỳ quyết định nào về việc tăng mạnh sản lượng của nhóm OPEC+. Theo chuyên gia Tamas Varga thuộc hãng môi giới dầu PVM Oil (Anh), “OPEC+ sẽ xem xét đến lợi ích của Nga, quốc gia đóng vai trò quan trọng trong liên minh, vốn hoàn toàn trái ngược với lợi ích của Mỹ”.

Yếu tố Nga chi phối mạnh

Theo ông al-Ghais, là thành viên của OPEC+, Nga đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của tổ chức, là “một người chơi lớn, chủ chốt và có ảnh hưởng lớn trong bản đồ năng lượng thế giới”. Ông al-Ghais cũng nói rõ OPEC không cạnh tranh với Nga.

Theo nhận định của hãng tin Bloomberg, sẽ khó có chuyện Nga tăng sản lượng dầu khai thác để đáp ứng hạn ngạch mà OPEC+ đặt ra, dù chỉ là nhường tạm thời, trừ phi Nga nhận được thứ gì đó đổi lại. Các nước OPEC đã phải bỏ ra rất nhiều vốn liếng chính trị để đưa Nga vào liên minh và sẽ làm tất cả những gì cần thiết để giữ Nga ở lại.

Bên cạnh đó, cũng khó có chuyện Nga sẽ ủng hộ bất kỳ một biện pháp nào khiến cho giá dầu giảm nhiều. Để thuyết phục các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ mua dầu Nga, phía Nga đã buộc phải đưa ra mức giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường.

Trong hai tháng 4 và 5, dầu thô Urals của Nga loại xuất khẩu có giá thấp hơn gần 35 USD/thùng so với giá dầu Brent - giá tham chiếu của thị trường dầu toàn cầu. Khoảng cách này gần đây được rút ngắn nhưng ở thời điểm giữa tháng 7, giá dầu Urals vẫn thấp hơn 25 USD/thùng so với dầu Brent. Thực tế này một lần nữa làm đậm hơn khả năng OPEC+ sẽ không thể tăng mạnh sản lượng dầu, vì Nga không muốn giá dầu giảm sâu hơn nữa. Lý do rất dễ nhìn thấy là Nga cần duy trì nguồn thu ngân sách trong bối cảnh chiến tranh và bị trừng phạt.•

Giá dầu tiếp tục giảm trước cuộc họp của OPEC+

Reuters ghi nhận phiên giao dịch ngày 2-8 chứng kiến giá dầu thế giới giảm mạnh. Giá dầu Brent giao tháng 9 giảm 1,4 USD (tương đương 1,4%) xuống 98,63 USD/thùng. Giá dầu WTI cùng giao tháng 9 cũng giảm 1 USD (1,1%) xuống 92,89 USD/thùng.

Sự trượt giá trên diễn ra sau khi giá dầu Brent hôm 1-8 đã có lúc xuống mức thấp nhất kể từ ngày 15-7 là 99,09 USD/thùng. Giá dầu WTI của Mỹ cũng có thời điểm chạm giảm xuống mức thấp nhất cùng phiên là 92,42 USD/thùng.

Các chuyên gia từ Công ty môi giới đầu tư Haitong Futures (Hong Kong) cho biết động lực làm tăng giá dầu đang dần yếu đi. Một khi tình hình cung và cầu có dấu hiệu xấu thêm, giá dầu có khả năng giảm thêm, dẫn đầu đà sụt giảm của các loại hàng hóa trên thị trường.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm