Ngày 17-2, TAND huyện Tân Biên (Tây Ninh) mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, tuyên chấp nhận đề nghị đổi tội danh truy tố đối với các bị cáo Nguyễn Thanh Giàu, Nguyễn Lê Anh Quốc, Trịnh Văn Kiệt, Nguyễn Ngọc Gia Bảo, Huỳnh Công Đình Nghi từ tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm (Điều 191 BLHS 2015) sang tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới (Điều 189 BLHS 2015).
HĐXX đã phạt Giàu hai năm tù, phạt tiền Quốc 200 triệu đồng theo khoản 2 Điều 189 BLHS; phạt tiền Kiệt 20 triệu đồng, phạt tiền Bảo 25 triệu đồng, phạt tiền Nghi 20 triệu đồng theo khoản 1 Điều 189 BLHS.
Ngoài ra, các bị cáo còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phạt tiền.
VKS chuyển tội danh ngay tại tòa
Tại tòa, các bị cáo không đồng ý với tội danh bị truy tố. Giàu (bị cáo đầu vụ) và Bảo, Nghi cho rằng xe máy cũ không phải là hàng cấm nên việc truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 191 BLHS là không đúng người, không đúng tội.
Sau phần xét hỏi, cũng như căn cứ vào tài liệu có trong hồ sơ vụ án, đại diện VKS đã áp dụng Điều 319, Điều 321 BLTTHS 2015 để chuyển tội danh truy tố từ tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm sang tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới đối với cả năm bị cáo.
Dù chỉ chở thuê ở Việt Nam để nhận tiền vận chuyển nhưng một số bị cáo vẫn bị kết tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Ảnh: THÀNH ĐẠT
Hình phạt mà VKS đề nghị, cụ thể: Giàu 24-30 tháng tù, Quốc 200-250 triệu đồng, Kiệt 20-25 triệu đồng, Bảo 25-35 triệu đồng, Nghi 20-25 triệu đồng.
Tranh luận với đại diện VKS, luật sư bào chữa cho Bảo, Nghi cho rằng ngay cả khi truy tố về tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới cũng không ổn.
Lý do là tội này phải được thực hiện với lỗi cố ý. Ngay cả cáo trạng cũng khẳng định không có sự bàn bạc, thống nhất cũng như hưởng lợi từ việc “buôn bán” xe của Giàu mà Bảo, Nghi chỉ chở thuê để nhận tiền vận chuyển.
Và quan trọng, những người này chở thuê cho Giàu ở trong nước, hoàn toàn không có dấu hiệu “qua biên giới” nên việc truy tố, xét xử Bảo, Nghi là đồng phạm với Giàu trong vụ vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới là không có căn cứ.
Tòa kết tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới
Tuy nhiên, HĐXX cho rằng nghĩa vụ của các bị cáo phải tìm hiểu nguồn gốc, xuất xứ của những xe này. Đây là lỗi cố ý gián tiếp. Hành vi của các bị cáo trực tiếp xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế được pháp luật hình sự bảo vệ, ảnh hưởng đến trật tự an ninh tại địa phương. Do vậy, HĐXX đã bác lập luận của luật sư.
Đáng chú ý, HĐXX nhận định việc cơ quan điều tra (CQĐT) căn cứ Điều 5 Nghị định 69/2018 (quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương) để xác định mô tô đã qua sử dụng thuộc danh mục hàng cấm, rồi từ đó VKS truy tố các bị cáo theo tội danh của Điều 191 BLHS là không chính xác.
Bởi lẽ theo Phụ lục I - Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu (kèm theo Nghị định 69/2018) thì hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu không phải là hàng cấm theo Điều 191 BLHS.
Nhận định này của tòa hoàn toàn trùng khớp với phân tích của Pháp Luật TP.HCMtrong bài viết “Dấu hiệu truy tố oan vì xe máy cũ không phải là hàng cấm” (số ra ngày 22-1).
Chở thuê xe máy cũ bị truy cứu trách nhiệm hình sự Theo hồ sơ, Giàu (ngụ huyện Tân Biên) mua ba mô tô ở Campuchia. Khi xe được mang đến khu vực xã Tân Lập (huyện Tân Biên) thì Giàu nhờ Quốc, Kiệt vận chuyển về nhà Giàu. Đến ngày 28-9-2020, Giàu liên hệ với nhà xe Gia Bảo, do Bảo (ngụ quận 12, TP.HCM) làm chủ, để vận chuyển về TP.HCM với giá 2,5 triệu đồng. Sau đó, Bảo điều tài xế là Nghi lái ô tô từ TP.HCM đến nhà Giàu để nhận xe. Khi thấy ba mô tô này, Nghi cũng nghi là nhập lậu nhưng vẫn vận chuyển về TP.HCM. Tối 28-9-2020, Công an huyện Tân Biên kiểm tra xe, Nghi không xuất trình được hóa đơn, chứng từ nên bị tạm giữ tất cả xe. Theo kết luận điều tra, trước đó Giàu đã nhiều lần thuê Bảo vận chuyển mô tô từ Tây Ninh về TP.HCM và từ TP.HCM đi các tỉnh. Những lần chở thuê này, Bảo điều các tài xế khác. Họ cũng không hỏi nguồn gốc xe do Bảo nói là giấy tờ liên quan để Bảo giải quyết. Kết luận điều tra cũng thể hiện các xe trên không có trong hồ sơ xuất nhập khẩu, không được đăng ký lưu hành và theo Điều 5 Nghị định 69/2018 (quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương) thì mô tô đã qua sử dụng thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu. Theo định giá, tổng giá trị ba xe máy cũ là 156 triệu đồng. CQĐT và VKSND huyện Tân Biên khởi tố, truy tố Giàu, Kiệt, Quốc tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm theo khoản 2 Điều 191 BHLS; Bảo, Nghi theo khoản 1 Điều 191 BLHS. |