Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) cho biết: Thời gian qua, một số quận có tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) đi qua phải điều chỉnh thời gian thực hiện dự án bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB). Do đó, công tác GPMB cho metro số 2 từ đầu năm đến nay có chậm lại. Hiện các quận này đang chạy nước rút để có đủ mặt bằng bàn giao cho chủ đầu tư.
Công tác giải phóng mặt bằng của metro số 2 hiện đã hoàn tất thủ tục ban hành quyết định bồi thường hơn 99%. Ảnh: ĐT
Bàn giao mặt bằng đạt hơn 78%
MAUR cho biết hiện các quận đã cơ bản hoàn tất thủ tục ban hành quyết định bồi thường. Cụ thể, có 601/603 trường hợp (đạt 99,67%) nhận quyết định bồi thường; trong đó, các quận 1, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú đã đạt 100%. Tỉ lệ bàn giao mặt bằng toàn dự án đạt 78,61% (474/603 trường hợp).
Theo ông Võ Khắc Hưng, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án 2 (thuộc MAUR), hiện nay tiến độ GPMB metro số 2 đã và đang thực hiện ráo riết. Từ đầu năm 2021 đến nay tiến độ thực hiện đã chậm lại, chỉ tăng thêm 2,66% (16/603 trường hợp). Nguyên nhân là các quận phải điều chỉnh thời gian thực hiện dự án bồi thường. Trong đó, vướng mắc đáng lưu ý nhất là hệ số giá đất của quận 3 chưa được phê duyệt.
Cụ thể, ông Hưng cho biết tháng 11-2020, UBND quận 3 đã có công văn gửi UBND TP và Sở TN&MT, kiến nghị sớm trình UBND TP xem xét, phê duyệt đơn giá đất tính bồi thường. Trên cơ sở đó, quận mới kịp tiến độ tổ chức thực hiện việc ban hành lại quyết định phê duyệt phương án bồi thường trong tháng 12-2020.
Đến tháng 12-2020, Sở TN&MT có công văn trình UBND TP xem xét, phê duyệt phương án hệ số điều chỉnh giá đất trên địa bàn quận 3. Sau đó, Văn phòng UBND TP đề nghị Sở TN&MT rà soát, báo cáo pháp lý và phê duyệt lại giá đất tại dự án theo đúng kết luận của Hội đồng thẩm định giá đất. Trường hợp đảm bảo cơ sở pháp lý để xác định và phê duyệt lại giá đất thì báo cáo, trình Hội đồng thẩm định giá đất TP thẩm định, trước khi trình UBND TP theo đúng quy định.
Tại cuộc họp ngày 23-2, UBND TP đã giao Sở Tài chính khẩn trương tham mưu báo cáo trình Hội đồng thẩm định giá đất TP. Từ đó, hội đồng tổ chức họp xem xét có ý kiến thẩm định phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất dự án bồi thường hỗ trợ tái định cư trên địa bàn quận 3.
Tại cuộc họp ngày 16-3, UBND TP giao Sở TN&MT, căn cứ kết luận của Hội đồng thẩm định giá đất TP.HCM, chủ trì phối hợp với UBND quận 3 và các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát thủ tục pháp lý đối với hồ sơ điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ của dự án tại quận 3. Trong đó, phân tích xác định rõ các vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện và đề xuất phương án giải quyết dứt điểm những vướng mắc, khó khăn đó.
Đến nay, Sở TN&MT đã có công văn gửi các đơn vị liên quan xin ý kiến về vấn đề trên để trình UBND TP.
Một số phương án giải quyết trước mắt
Trước vướng mắc trên, MAUR đã kiến nghị UBND các quận tiếp tục tập trung và đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về lãnh đạo, chỉ đạo trách nhiệm người đứng đầu, xây dựng cơ chế hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ thực hiện tuyến metro số 1 và metro số 2. Trong đó có công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của tuyến metro số 2.
Bên cạnh đó, MAUR kiến nghị Hội đồng thẩm định giá đất TP, Sở TN&MT xem xét giải quyết dứt điểm việc phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất của quận 3.
MAUR cho biết hiện nay các quận đã được bố trí vốn và duyệt điều chỉnh dự án. Để đảm bảo tiến độ dự án, MAUR đề nghị UBND các quận tiếp tục thực hiện chỉ đạo của UBND TP về việc tuyên truyền, vận động người dân nhận kinh phí bồi thường và bàn giao mặt bằng, quản lý mặt bằng đã thu hồi. Đồng thời chuẩn bị kế hoạch thực hiện đối với các trường hợp còn vướng mắc.
Riêng khu vực quận 12, MAUR kiến nghị Sở TN&MT phối hợp UBND quận này khẩn trương báo cáo, tham mưu giải quyết dứt điểm các vướng mắc thuộc dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại khu vực depot Tham Lương.
Chủ động di dời hạ tầng kỹ thuật Đối với công tác di dời hạ tầng kỹ thuật, hiện MAUR đã hoàn thành công tác ký kết biên bản ghi nhớ về việc bồi thường với các đơn vị chủ sở hữu công trình viễn thông bị ảnh hưởng bởi dự án (12/15 đơn vị, có 3/15 đơn vị cam kết tự thực hiện di dời không yêu cầu bồi thường). Các gói thầu về công trình điện lực, cấp nước, thoát nước, biển báo, cây xanh, chiếu sáng, đèn tín hiệu giao thông (áp dụng hình thức di dời - tái lập) đang được thực hiện. Hiện các gói thầu này cũng đang được MAUR tổ chức lựa chọn nhà thầu. Song song với quá trình các tư vấn thực hiện công tác thiết kế, MAUR đang chuẩn bị các thủ tục tiếp theo để tuyển chọn các đơn vị tư vấn đấu thầu, tư vấn giám sát thi công trong thời gian tới. Ông Võ Khánh Hưng cho biết dự kiến cuối năm 2021 sẽ triển khai thi công di dời hạ tầng kỹ thuật điện, thoát nước, cấp nước, viễn thông… “Tất cả sẽ hoàn thành trong năm 2022 để bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu chính triển khai thi công” - ông Hưng thông tin. |