Lý do nhiều doanh nghiệp chi ngàn tỉ gom trái phiếu trước hạn

(PLO)- Trong khi nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền trả nợ trái phiếu thì một số công ty đã chi hàng ngàn tỉ đồng để mua lại trái phiếu trước hạn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thời gian gần đây, hàng loạt công ty liên tục bỏ tiền tỉ để thu gom khối lượng trái phiếu đã phát hành trước hạn. Đặc biệt có những doanh nghiệp (DN) tung ra cả ngàn tỉ đồng để trả nợ cho trái chủ từ rất sớm, thay vì chờ đến thời điểm đáo hạn.

Gần 30 công ty mua trái phiếu trước hạn

Trong tháng 3 vừa qua, Công ty CP Yamagata bỏ ra gần 1.700 tỉ đồng mua lại ba lô trái phiếu DN. Trước đó và những tháng cuối năm 2022, công ty này cũng bỏ ra 4.000 tỉ đồng để mua lại trái phiếu trước hạn.

Cũng trong giai đoạn này, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng bỏ ra 1.000 tỉ đồng mua lại trái phiếu DN trước thời gian đáo hạn. Ngoài ra, hàng chục DN khác cũng bỏ ra từ vài tỉ đến hàng trăm tỉ đồng để thanh toán cho trái chủ trước hạn.

Nhiều doanh nghiệp đang bỏ ra số tiền lớn để mua lại trái phiếu trước hạn. Ảnh: NGUYỆT NHI

Nhiều doanh nghiệp đang bỏ ra số tiền lớn để mua lại trái phiếu trước hạn. Ảnh: NGUYỆT NHI

Bước sang tháng 4, tính đến thời điểm này có gần 30 công ty thông báo cho Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội mua lại trái phiếu trước hạn.

TS Ronald Ravinesh Kumar, giảng viên kinh tế cấp cao ĐH RMIT Việt Nam, cho biết việc các công ty quyết định mua lại hoặc thu hồi trái phiếu sớm có thể do họ đang có lượng tiền mặt dư thừa không được sử dụng cho các dự án đã định, hoặc do họ muốn hoán đổi các khoản thanh toán nợ bằng các tài sản phi tiền mặt khác.

Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), tổng giá trị trái phiếu đã được các DN mua lại trước hạn trong tháng 3-2023 là gần 14,3 ngàn tỉ đồng (tăng 137% so với tháng trước và tăng 64% so với cùng kỳ tháng 3-2022).

“Cần lưu ý rằng từ đầu năm 2020 đến đầu năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm do các sự kiện toàn cầu như dịch COVID-19, xung đột Nga - Ukraine đã tác động tiêu cực đến dòng tiền của các tập đoàn và thị trường chứng khoán. Do đó, các công ty có thể đã thực hiện việc vay nợ như một biện pháp phòng ngừa trong giai đoạn này.

Tuy nhiên, với sự lạc quan mở ra vào năm 2023, các biện pháp phòng ngừa có thể ít cần thiết hơn. Việc mua lại trái phiếu sớm có thể báo hiệu rằng các tập đoàn sẵn sàng sử dụng ít đòn bẩy hơn. Điều này có thể làm tăng niềm tin vào thị trường tài chính” - TS Ronald Ravinesh Kumar đánh giá.

Đôi bên cùng có lợi

Theo TS Ronald Ravinesh Kumar, việc mua lại trái phiếu sớm có thể giải phóng công ty khỏi các nghĩa vụ trong tương lai đối với các trái chủ, đặc biệt là về các yêu cầu công bố thông tin và khả năng trả lãi suất cao hơn thị trường. Các tập đoàn có thể coi đây là cơ hội để tái cơ cấu hoặc giảm nợ.

Chuyên gia kinh tế Trần Thanh Hải nhìn nhận việc mua lại trái phiếu DN trước hạn cũng là hoạt động bình thường của các DN. Việc mua lại sớm có thể do DN thấy dự án không còn khả thi để sử dụng nguồn tiền thu được từ phát hành trái phiếu. Hoặc họ có nguồn tiền khác có lãi suất thấp hơn trái phiếu.

Ngoài ra, Nghị định 65/2022 có quy định nếu sử dụng tiền phát hành sai mục đích thì buộc DN phát hành phải mua lại. Do đó, để tránh vi phạm pháp luật, DN cũng phải xem xét mua lại trái phiếu trước hạn.

“DN mua lại sớm có thể khiến trái chủ mất các thu nhập lãi cao nhưng hiện tình hình kinh tế và thị trường trái phiếu chưa mấy khả quan nên việc nhận được tiền lúc này lại là điều tốt. Dùng nguồn tiền này để tái tài trợ cho các khoản đầu tư mới đem lại lợi nhuận cao hơn” - ông Hải nói.

Theo TS Bùi Duy Tùng (ĐH RMIT Việt Nam), khi phát hành trái phiếu, công ty đồng ý trả lãi định kỳ cho các trái chủ cho đến khi trái phiếu đáo hạn. Trái phiếu DN có lãi suất cố định không thay đổi cho đến khi đáo hạn. Tuy nhiên, nếu lãi suất thị trường giảm xuống dưới lãi suất trái phiếu, công ty có thể mua lại trái phiếu với giá thấp hơn, tiết kiệm tiền trả lãi cho thời gian còn lại của trái phiếu.

Theo TS Tùng, các công ty có thể mua lại trái phiếu của họ trước khi đáo hạn để cải thiện bảng cân đối kế toán và xếp hạng tín dụng. Bằng cách giảm nợ tồn đọng, các tập đoàn có thể cải thiện các tỉ lệ tài chính của họ, chẳng hạn như tỉ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu và khả năng chi trả lãi suất vốn được các nhà đầu tư theo dõi chặt chẽ. Điều này có thể dẫn đến xếp hạng tín dụng cao hơn, làm giảm chi phí vốn của công ty và cải thiện khả năng huy động thêm nợ hoặc vốn cổ phần trong tương lai.

“Ngoài ra, việc mua lại trái phiếu trước khi đáo hạn có thể chứng minh cho các nhà đầu tư và nhà phân tích rằng công ty cam kết quản lý mức nợ và cải thiện hiệu quả tài chính. Điều này có thể nâng cao danh tiếng của công ty và thu hút các nhà đầu tư mới vào cổ phiếu hoặc trái phiếu của công ty” - TS Tùng nhận định.

Kỳ vọng lãi suất ngân hàng sớm giảm

Theo TS Ronald Ravinesh Kumar, một lý do các DN mua lại trái phiếu là vì kỳ vọng lãi suất ngân hàng sẽ sớm giảm. Triển vọng kinh tế tích cực sẽ cho phép các công ty đảm bảo nguồn tài chính với lãi suất thấp hơn mức họ đang trả cho trái chủ. Tóm lại, các công ty có thể mua lại trái phiếu với lãi suất thấp hơn lãi suất trái phiếu ban đầu, giảm chi phí lãi vay và hỗ trợ lợi nhuận cao hơn.

Nếu một công ty có dư thừa tiền mặt và sử dụng nguồn tiền này để mua lại trái phiếu thì công ty đó có thể giảm mức nợ, cải thiện xếp hạng tín dụng, giành được niềm tin của cổ đông và giảm chi phí đi vay trong tương lai. Khi mua lại trái phiếu của mình, công ty có thể cải thiện tình hình tài chính và có khả năng ảnh hưởng tích cực đến giá cổ phiếu, mang lại lợi ích cho các cổ đông.

Các doanh nghiệp mua lại trái phiếu và kỳ vọng lãi suất ngân hàng sẽ sớm giảm. Ảnh: T.LINH
Các doanh nghiệp mua lại trái phiếu và kỳ vọng lãi suất ngân hàng sẽ sớm giảm. Ảnh: T.LINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm