Lý do sửa hẻm chính, chưa sửa hẻm nhánh

(PLO)- Người dân thắc mắc vì sao hẻm chính được sửa chữa nhưng hẻm nhánh lại không.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phản ánh đến báo Pháp Luật TP.HCM, người dân sống tại hẻm 2221/1/2/1/15/1 đường Huỳnh Tấn Phát, thị trấn Nhà Bè, huyện Nhà Bè, TP.HCM cho biết thời gian qua, hẻm 2221 đường Huỳnh Tấn Phát được nâng cấp, sửa chữa khiến nhánh hẻm nhỏ 2221/1/2/1/15/1 đường Huỳnh Tấn Phát xảy ra tình trạng ngập nặng, nước không kịp thoát.

Video: Vì sao hẻm chính được sửa chữa nhưng nhánh hẻm lại không?

Hẻm chưa được cập nhật vào hệ thống

Chị Trần Thị Bích Trâm (người dân sống tại hẻm 2221/1/2/1/15/1 đường Huỳnh Tấn Phát) cho biết trước đây lúc mua nhà, đường trước nhà rất cao và không xảy ra tình trạng ngập. Đến khi đường Huỳnh Tấn Phát được nâng cấp, đường trước nhà chị Trâm mới bắt đầu ngập nhưng ngập khá ít.

Tuy nhiên, suốt một tháng qua, khi hẻm 2221 đường Huỳnh Tấn Phát được nâng cấp, đường trước nhà chị Trâm xảy ra ngập nặng. Dù đã xây tường chống ngập trước nhà nhưng nước vẫn chảy vào trong khiến tất cả đồ đạc bị ướt, chị Trâm và một số nhà khác phải dùng gạch kê đỡ các đồ dùng trong nhà.

“Trước khi nâng hẻm 2221 đường Huỳnh Tấn Phát, có cán bộ xuống nghiệm thu và thông báo sẽ nâng toàn bộ hẻm lên 6 tấc, trong đó có cả hẻm của nhà tôi. Họ còn đến đo cột điện đầu hẻm để biết nâng mặt đường lên bao nhiêu. Nhưng đến khi tuyến hẻm chính 2221 được nâng thì một cán bộ lại thông báo do hẻm nhà tôi không nằm trong bản đồ nên không được nâng cùng tuyến hẻm chính. Người này còn cho biết khu nhà này trước đây do tư nhân xây dựng rồi phân lô, tách thửa bán nên hiện không có trong hệ thống.

w-P14-hem bị ngap 1.jpg
Việc nâng cấp tuyến hẻm chính 2221 đường Huỳnh Tấn Phát khiến tình trạng tuyến hẻm 2221/1/2/1/15/1 ngập nặng hơn. Ảnh: TRẦN MINH

Tôi mua nhà với giấy tờ hợp pháp, tại sao lại không được nâng, tại sao lại không có trong hệ thống, trong bản đồ?” - chị Trâm bức xúc.

Cũng là người dân sống tại hẻm này, ông Quang Hiệp Minh cho biết cách đây một tháng, khu phố có họp thông báo cho người dân việc nâng hẻm. Sau buổi họp cũng ký biên bản và hứa hẹn thực hiện nâng cấp hẻm nhưng đến nay chỉ có hẻm phía ngoài được nâng.

“Sau khi hẻm chính 2221 được nâng mà hẻm nhà tôi chưa đá động gì, mọi người thắc mắc. Lúc này, tổ trưởng tổ dân phố mới cho biết hẻm nhà tôi không được phép nâng, nếu muốn nâng thì mọi người phải tự bỏ tiền ra, hơn 170 triệu đồng.

Tôi thắc mắc vì sao người dân phải tự chi trả, lẽ ra phải được đưa vào quy hoạch và được chính quyền sắp xếp, phân loại để nâng cấp, sửa chữa. Hơn nữa, tiền sửa chữa, nâng hẻm phải được thực hiện kiểu Nhà nước và nhân dân cùng làm, chứ sao người dân tự bỏ tiền ra được?” - ông Minh nói.

Hẻm thuộc trường hợp ưu tiên thứ hai

Trao đổi với PV, ông Hà Minh Tân, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Nhà Bè, cho biết trong quá trình triển khai chương trình “Xây dựng nông thôn mới” kết hợp việc đô thị hóa tăng nhanh hình thành các cụm dân cư, các tuyến đường giao thông, các tuyến hẻm mới, trong những năm qua cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện đã được đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp nhiều công trình trọng điểm.

Hiện UBND huyện Nhà Bè đã giao Phòng Quản lý đô thị thực hiện khảo sát, đánh giá hiện trạng, lập bản đồ các tuyến hẻm mới. Đồng thời cập nhật các tuyến hẻm có thay đổi so với Bản đồ địa chính VN-2000, làm cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quy hoạch, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bồi thường giải phóng mặt bằng khi thực hiện dự án. Từ đó, làm cơ sở đề xuất ghi vốn duy tu, sửa chữa, nâng cấp định kỳ và đột xuất hằng năm.

w-P14-hem bị ngap 2.jpg
Người dân mong sớm có chính sách hỗ trợ sửa chữa tuyến hẻm. Ảnh: TRẦN MINH

Thế nhưng, nguồn kinh phí phục vụ công tác duy tu giao thông các tuyến đường, hẻm, cầu còn hạn chế nên việc triển khai được thực hiện trên cơ sở đề xuất của UBND các xã, thị trấn. Sau đó, các tuyến đường, hẻm sẽ được khảo sát, đánh giá ưu tiên theo thứ tự: Cấp bách (lưu thông khó khăn, bị hư hỏng nặng, ổ voi, ổ gà, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cao...); cần thiết (tạm thời lưu thông); chưa cần thiết (đảm bảo lưu thông, triển khai khi còn kinh phí thực hiện hoặc sẽ được bố trí kinh phí vào các năm sau).

“Tuyến hẻm 2221 đường Huỳnh Tấn Phát được duy tu theo đề xuất của UBND thị trấn Nhà Bè vì thuộc trường hợp cấp bách, phải xử lý ngay. Còn tuyến hẻm 2221/1/2/1/15/1 đường Huỳnh Tấn Phát do hệ thống cống thoát nước không bị tắc nghẽn, vẫn hoạt động bình thường, chỉ xảy ra ngập cục bộ khi có mưa lớn và triều cường. Hơn nữa, mặt đường còn tốt, chưa thấy dấu hiệu bong tróc, hư hỏng, vẫn đảm bảo lưu thông cho người dân nên sẽ được cho vào kế hoạch thực hiện của năm tiếp theo. Đồng thời, việc nâng cấp tuyến hẻm này sẽ được thực hiện theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm” - ông Tân cho hay.

Giải pháp hạn chế ngập trong thời gian chờ đợi hẻm được nâng cấp

Trên địa bàn huyện hiện nay còn khoảng 467 tuyến hẻm đang được đề xuất cập nhật và đưa vào kế hoạch để duy tu, sửa chữa. Do đó cần nguồn kinh phí tương đối lớn, trong khi kinh phí phục vụ công tác duy tu hiện nay còn hạn hẹp, cần có nguồn kinh phí để đảm bảo thực hiện.

Để hạn chế ngập trong thời gian chờ sửa chữa, UBND huyện sẽ triển khai công tác duy tu, nạo vét hệ thống thoát nước các tuyến đường, hẻm trên địa bàn nhằm kịp thời khơi thông dòng chảy, giảm thiểu tình trạng tắc nghẽn cống do bùn đất.

Ông HÀ MINH TÂN, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Nhà Bè

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm