Nga và một số cường quốc châu Âu ngày 2-10 hoan nghênh thỏa thuận mới giữa Ukraine và phe đòi ly khai về việc tổ chức bầu cử địa phương tại khu vực do lực lượng này kiểm soát ở miền Đông Ukraine.
Trong khi đó, hàng trăm người dân Ukraine mang biểu ngữ “Nói không với thỏa hiệp” xuống đường biểu tình ở thủ đô Kiev sau khi thỏa thuận được ký kết ở Belarus ngày 1-10.
Thỏa thuận bầu cử nằm trong kế hoạch mang tên “công thức Steinmeier” nhằm trao một chức danh đặc biệt cho vùng phía Đông này. Ngoài việc tổ chức bầu cử, lãnh đạo hai bên cũng cam kết sẽ rút quân khỏi hai khu vực ở vùng Donetsk và Luhansk từ đầu tuần tới.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy khẳng định cuộc bầu cử sẽ phải diễn ra theo luật pháp Ukraine và kết quả chỉ được công nhận chừng nào các quan sát viên Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) xác định cuộc bầu cử này là tự do và công bằng.
Mấu chốt giải quyết xung đột
Ông Zelenskiy ca ngợi thỏa thuận này là một bước quan trọng trong việc giải quyết cuộc xung đột và cuộc bầu cử địa phương này được xem là rào cản cuối cùng trước hội nghị thượng đỉnh được mong đợi giữa ông Zelenskiy, Tổng thống thống Nga Vladimir Putin và các nhà lãnh đạo của Pháp, Đức, hãng tin AP cho biết.
Về phía Nga, phát ngôn viên của điện Kremlin Dmitry Peskov cũng hoan nghênh thỏa thuận này và xem đó là một bước tích cực để thực hiện hiệp định năm 2015. Đồng thời Moscow cũng cho biết sẽ sớm công bố ngày diễn ra hội nghị thượng đỉnh giữa bốn nhà lãnh đạo.
Đây là một quyết định khá ngạc nhiên vì trước đây, Nga một mực từ chối ngồi vào bàn đối thoại hòa bình với Ukraine.
Trước những bước tiến khá quan trọng trong cuộc xung đột Nga-Ukraine và đặc biệt sau cuộc trao đổi tù nhân giữa hai bên diễn ra tháng trước, một số cường quốc châu Âu như Pháp và Đức đang nỗ lực nới lỏng các biện pháp trừng phạt lên Nga.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gặp riêng hai nhà lãnh đạo của Nga và Ukraine mùa hè này để khuyến khích hai nước khởi động lại cuộc đàm phán hòa bình. Trong khi ca ngợi ông Zelenskiy vì đã hỗ trợ cư dân ở các vùng lãnh thổ của phiến quân, ông Macron cũng ủng hộ quyết định trả lại quyền bầu cử cho Nga tại Hội đồng châu Âu và cho biết sẽ ủng hộ Nga quay trở lại Nhóm các nước công nghiệp G7 nếu có tiến triển về hòa bình ở Ukraine.
Phát biểu hôm 2-10, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết vẫn còn quá sớm để nói về khả năng dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhưng bà ca ngợi thỏa thuận ngày 1-10 là một bước đi đúng đắn.
“Chúng ta đã đạt được những tiến triển tốt nhưng vẫn còn nhiều bước phải thực hiện ở phía trước. Điều mà chúng ta có thể nói bây giờ không phải là khả năng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt mà là có những điều kiện cần phải đạt được, về một cuộc gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo” – bà Merkel tuyên bố ở Berlin.
Hay thỏa hiệp với Nga?
Vài trăm người dân Ukraine biểu tình phản đối thỏa thuận ngoài phủ Tổng thống và trên Quảng trường Độc lập hôm thứ Ba (1-10). Người biểu tình cũng được thấy ngoài tòa nhà Quốc hội một hôm sau đó.
Cựu Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko không có mặt tại các cuộc biểu tình nhưng cũng bày tỏ sự phản đối với thỏa thuận mới này. Ông gọi đó là “sự thỏa hiệp trước Nga”, trang tin Aljazeera cho biết.
Hình ảnh người dân Ukraine biểu tình ở Kiev phản đối thỏa thuận về việc tổ chức bầu cử địa phương tại khu vực bị lực lượng ly khai chiếm đóng. Ảnh: AFP
“Ngày nay, sự tham gia của lực lượng gìn giữ hòa bình (ở miền đông Ukraine) là hết sức quan trọng cũng như việc áp dụng lộ trình thực hiện Hiệp định Minsk. Thiếu điều đó, thỏa thuận Minsk chỉ là một sự thỏa hiệp với Nga. Tôi muốn lưu ý rằng chính phủ Ukraine không nhận được bất cứ đề nghị nào mà chỉ được đề nghị có mặt ở hội nghị. Ukraine rất dễ đối mặt với rủi ro phải đầu hàng, khoan nhượng vì cuộc gặp gỡ đó” - ông Poroshenko nói.
Theo nhà báo Jonah Fisher của BBC, khía cạnh nhạy cảm nhất của công thức Steinmeier là nó cho phép bầu cử địa phương được tổ chức tại lãnh thổ của Ukraine trước khi lực lượng đòi ly khai rút khỏi vùng này và Kiev được nắm giữ quyền kiểm soát biên giới.
Hơn nữa, mặc dù các cuộc bầu cử ở Donetsk và Luhansk sẽ được theo dõi bởi các quan sát viên của OSCE và về lý thuyết sẽ theo luật pháp Ukraine, thật khó để thấy được sự công bằng trong các cuộc tranh luận, ông Fisher nhận định.
Hầu hết những người có quan điểm ủng hộ Ukraine mạnh mẽ từ lâu đã rời khỏi các khu vực bị chiếm đóng vì sự an toàn của chính họ. Vì vậy, những cuộc bầu cử có lẽ sẽ củng cố vị trí của các nhà lãnh đạo hiện nay đang nắm quyền điều hành khu vực.
Đồng ý với nhận định trên, nhà báo Cristian Tabara từ đài TVR (Romania) còn cho rằng cơ hội để thống nhất Ukraine đến từ việc tổ chức bầu cử này là khá mỏng manh. Vì sự kiện này có thể góp phần công nhận quyền lãnh đạo của lực lượng đòi ly khai và cũng có rủi ro rằng họ sẽ quyết liệt hơn trong việc tách khỏi Ukraine.
Bà Tatyana Stanovaya từ trung tâm nghiên cứu Moscow Carnegie nhận định thỏa thuận này khá mơ hồ vì không nhắc đến việc Ukraine hay Nga phải cam kết bất cứ điều gì. “Ukraine vừa đồng ý một công thức khá mơ hồ và không đề cập đến chi tiết. Câu hỏi được đưa ra là điều gì sẽ xảy ra tiếp theo” - bà Stanovaya nói.
Tiêu điểm Thỏa thuận chứng minh rằng những nỗ lực ngoại giao bền bỉ đã được đền đáp. Nó sẽ không làm tổn hại đến sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Về việc Ukraine có cần giành lại quyền kiểm soát biên với Nga trước khi bỏ phiếu hay không, điều này vẫn cần được thảo luận. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức RAINER BREUL |