Như PLO đã thông tin, dự kiến vào ngày 11-3 tới, TAND Cấp cao tại TP.HCM sẽ xử phúc thẩm vụ án bà Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm.
Trước đó, xử sơ thẩm vào ngày 21-9-2023, TAND TP.HCM đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Phương Hằng ba năm tù về lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân (theo Điều 331 BLHS).
Cùng tội danh trên, bị cáo Đặng Anh Quân bị tuyên phạt 30 tháng tù; các bị cáo Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà, Huỳnh Công Tân cùng bị phạt 18 tháng tù.
Sau khi có bản án sơ thẩm, các bị cáo Quân, Tân, Nhi, Hà có kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt vì cho rằng mức án mà TAND TP.HCM đã tuyên đối với các bị cáo là quá nặng.
Được biết, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án là bà Đặng Thị Hàn Ni và bà Đinh Thị Lan cũng có kháng cáo.
Riêng bị cáo Nguyễn Phương Hằng không kháng cáo và chấp nhận mức án sơ thẩm mà TAND TP.HCM đã tuyên.
Tuy nhiên, theo thông tin mà PLO có được, thẩm phán chủ tọa phiên tòa phúc thẩm là ông Phan Đức Phương vẫn triệu tập bà Hằng đến tòa dù bà không kháng cáo.
Vậy luật quy định ra sao về vấn đề này?
Trao đổi với PV, luật sư (LS) Phạm Viết Dũng (nguyên ĐTV trung cấp, Đoàn LS tỉnh Bình Thuận) cho biết: Tuy bị cáo Hằng không kháng cáo nhưng các bị cáo còn lại và một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu kháng cáo bản án sơ thẩm.
Do bản án sơ thẩm bị kháng cáo nên vụ án phải được thụ lý và xét xử phúc thẩm theo Điều 330 BLTTHS.
Theo quy định tại Điều 345 BLTTHS quy định về phạm vi xét xử phúc thẩm, tòa án cấp phúc thẩm xem xét phần nội dung của bản án, quyết định bị kháng cáo, kháng nghị.
Nếu xét thấy cần thiết, có thể xem xét các phần khác của bản án, quyết định không bị kháng cáo, kháng nghị.
“Nghĩa là mặc dù bà Hằng không kháng cáo nhưng nếu HĐXX cấp phúc thẩm xét thấy cần thiết vẫn có quyền xem xét lại phần hình phạt mà cấp sơ thẩm đã tuyên đối với bà Hằng theo hướng nhẹ hơn (vì không có người bị hại kháng cáo và VKS không kháng nghị yêu cầu tăng nặng hình phạt đối với bà Hằng)... Vấn đề này được quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 357 BLTTHS”, LS Phạm Viết Dũng nhận định.
Xét xử khi vắng mặt bị cáo
Bị cáo có kháng cáo hoặc bị kháng cáo, bị kháng nghị nếu vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì HĐXX có thể vẫn tiến hành xét xử nhưng không được ra bản án, quyết định không có lợi cho bị cáo. Nếu sự vắng mặt của bị cáo vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan và sự vắng mặt đó không gây trở ngại cho việc xét xử thì HĐXX vẫn tiến hành xét xử.
(Trích điểm c khoản 1 Điều 351 Bộ luật Tố tụng hình sự)