Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) ở TP.HCM vừa chạy thử một số đoạn trên cao và đang dần về đích. Các chuyên gia cho rằng để tuyến metro số 1 nói riêng, các tuyến metro ở TP.HCM nói chung khai thác hiệu quả, TP cần sớm khai thác mô hình TOD.
Đầu tư đường sắt đô thị, cần nguồn lực lớn
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết để giải quyết những vấn đề về giao thông đô thị, TP đã ban hành hai đề án gồm phát triển hạ tầng giao thông và phát triển giao thông công cộng, từng bước kiểm soát xe cá nhân. Đây là xu hướng trên thế giới, nếu không hạn chế xe cá nhân thì không thể giải quyết ùn tắc hiện nay.
Sở GTVT cho rằng xung quanh metro cần phát triển theo mô hình TOD để tăng giá trị sử dụng cho dự án. Ảnh: ĐT |
Hiện nay, TP đã quy hoạch tám tuyến metro, BRT. Tuy nhiên, các tuyến metro đòi hỏi nguồn lực rất lớn, nếu hoàn thiện hết các tuyến thì cần tới 15 tỉ USD. Trong khi đó, hiện nay mới giải quyết được khoảng 25% nguồn vốn này.
Ông Lâm cho biết hiện TP cũng đã ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông, song chưa đáp ứng được mong đợi. Hiện ngân sách của địa phương khó đáp ứng được các dự án đang triển khai. Tuy vậy, TP.HCM lại có nguồn lực từ đất đai để thu hút các nhà đầu tư và cần có cơ chế để khai thác nguồn lực này. Do đó, xung quanh các nhà ga, các trục giao thông lớn của TP, cần hoạch định để tăng giá trị sử dụng cho dự án.
Ví dụ, dự án đường vành đai 3, trung ương đã hỗ trợ, TP.HCM cũng đã rà soát quỹ đất dọc dự án. Từ đó, nghiên cứu đầu tư từ nguồn lực đất đai của TP nếu tổ chức tốt, gắn với giao thông công cộng sẽ mang lại lợi thế lớn.
Từ metro phát triển thành khu đô thị mới
Ông Bùi Xuân Nguyện, đại diện Ban quản lý đường sắt đô thị TP (MAUR), cho biết: TP.HCM cần đầu tư cho hạ tầng giao thông giai đoạn 2022-2025 là 234.000 tỉ đồng, riêng metro cần đến 103.000 tỉ đồng, chiếm khoảng 43%.
Để khai thác TOD cho các dự án giao thông, MAUR cũng đã nghiên cứu tuyến số 5 giai đoạn 2. Dự án này có 14 km với 13 ga (tám ga ngầm).
Với mô hình TOD, khu vực này phát triển được khu đô thị mới, có tính kết nối vùng và khả năng thân thiện phù hợp với nhiều loại hình giao thông. MAUR cũng đưa ra ba nhóm nhân tố như nhu cầu, khả thi và tính địa phương. Trong các tiêu chí, ga S6 (khu vực đường Nguyễn Văn Linh, quận 7) của tuyến này là hoàn toàn phù hợp.
Cụ thể, ga S6 có mật độ dân số cao hơn so với các ga khác. Đặc biệt, đây còn là nơi trung chuyển đến BRT 2 và monorail số 2 nên có thể kích cầu trong đi lại, là đầu mối trong trung chuyển công cộng. Không chỉ vậy, ga S6 có thể trở thành khu trung tâm, khu phức hợp với mạng lưới vành đai kết nối với các trục giao thông huyết mạch Bắc - Nam và đông - tây.
TP.HCM cần đầu tư cho hạ tầng giao thông giai đoạn 2022-2025 là 234.000 tỉ đồng, riêng metro cần đến 103.000 tỉ đồng, chiếm khoảng 43%.
Ước tính tổng diện tích đất sử dụng cho ga S6 là hơn 772.000 m2, bao gồm khu dân cư, thương mại, văn phòng; khu công cộng, không gian xanh… Ước tính chi phí xây dựng ga S6 khoảng 3,4 tỉ USD. Theo đó, cần có phương án tài chính và huy động được nguồn tài chính khổng lồ này.
MAUR cho biết nhóm nghiên cứu theo phương án PPP với 500 triệu USD từ Nhà nước, khối tư nhân có thể đóng góp 1,5 tỉ USD và đi vay hơn 1,2 tỉ USD. Theo đó, từ kết quả hợp tác của TOD và PPP trên tổng diện tích sẽ tính được tỉ lệ lợi nhuận, các khoản chi phí khác.
PGS-TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Trường ĐH Việt Đức, cũng cho biết nếu phát triển giao thông theo mô hình TOD đối với tuyến metro số 5 (giai đoạn 2) thì chỉ riêng ga S6 có thể tạo nguồn vốn bổ sung dự án với hơn 700 triệu USD. Nghĩa là nguồn vốn này đã đáp ứng được 60% nhu cầu vốn toàn dự án.
Theo đó, việc phát triển đô thị tích hợp nhà ga đường sắt đô thị theo mô hình TOD sẽ là chìa khóa, cơ hội để giải quyết thách thức về huy động vốn. Từ đó cũng thu hút hành khách sử dụng giao thông công cộng nhanh, sức chở lớn.
Đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định TP.HCM phát triển giao thông công cộng cả mảng đường bộ và đường sắt. Theo đó, WB sẵn sàng hỗ trợ TP.HCM vào việc phát triển theo định hướng giao thông công cộng và quan hệ đối tác công tư (PPP) trong vận tải hành khách khối lượng lớn. Từ đó giúp tăng số lượng người đi lại giao thông công cộng và tăng thêm nguồn thu khác, bên cạnh nguồn thu từ vé.
Hiện nay, các nước khác đều triển khai các chiến lược tương tự như vậy. Cụ thể, phát triển theo định hướng giao thông công cộng và quan hệ đối tác công tư (PPP) trong vận tải hành khách khối lượng lớn đã triển khai ở nhiều nước khác như Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ… tạo nguồn vốn rất quan trọng. Vì vậy, đã đến lúc TP.HCM có cơ hội trong việc phát triển mạng lưới metro theo hình thức này.•
Giải pháp “bù lỗ” cho quá trình vận hành
Ông Shige Sakaki, chuyên gia giao thông của Ngân hàng Thế giới, nhận định TOD là một chiến lược quy hoạch và thiết lập tập trung hình thành đô thị để phát triển phương tiện giao thông công cộng, hỗ trợ các cộng đồng sôi động, đa dạng và đáng sống.
TOD và thu hồi giá trị đất cần phải kết hợp với nhau, bởi khi có một dự án thì giao giá trị đất sẽ gia tăng. Ở châu Âu và châu Mỹ giao thông công cộng không có đủ doanh thu để duy trì vận hành hệ thống giao thông công cộng. Theo đó, việc phát triển giao thông công cộng theo mô hình TOD là một trong những giải pháp để “bù lỗ” cho quá trình vận hành.