Hai cấp tòa ở tỉnh Cà Mau xác định việc ông chủ tiệm vàng bán rẻ hết tài sản cho con trong lúc đang bị kiện đòi nợ là hành vi tẩu tán tài sản, né nghĩa vụ trả nợ. Tuy nhiên, VKSND Cấp cao tại TP.HCM kháng nghị cho rằng việc mua bán hợp pháp vì tài sản không bị ngăn chặn.
Hiện các chủ nợ của chủ tiệm vàng đang chờ phán quyết của Tòa Cấp cao.
Bán rẻ tài sản cho con gái
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Quới (xã Tắc Vân, TP Cà Mau) từng có tiệm vàng Đạt Vinh tại địa phương. Ông có một bến đò ngang trị giá vài tỉ đồng, một nhà lầu ngay chợ và nhiều đất đai cơ ngơi. Cơ ngơi bề thế của ông Quới khiến người dân địa phương tin tưởng gửi tiền cho vay, chơi hụi.
Bến phà qua sông mà vợ chồng chủ tiệm vàng đã bán cho con gái trong thời gian họ bị kiện đòi nợ. Ảnh: TRẦN VŨ
Theo tài liệu, hồ sơ liên quan, đầu năm 2018, 24 người đã kéo đến UBND xã Tắc Vân gửi đơn, làm áp lực để xã can thiệp, buộc ông Quới trả nợ.
UBND TP Cà Mau, Sở GTVT tỉnh Cà Mau cũng đã có nhiều động thái can thiệp khi các chủ nợ của ông chủ tiệm vàng yêu cầu ngăn chặn nguy cơ tài sản bị tẩu tán.
Ông Quới khi đó làm cam kết sẽ bán bến đò để trả nợ. Sau đó, các bên đưa nhau ra tòa nhờ giải quyết chuyện nợ nần. Tuy nhiên, khi chủ nợ cầm bản án đã có hiệu lực pháp luật đi đòi nợ thì ông Quới đã bán bến đò, phà… cho con gái.
Lúc này, các chủ nợ lại phải nhờ tòa giải quyết việc dân sự, xác định hành vi bán bến đò và hai cái phà cho con gái là hành động tẩu tán tài sản nhằm né nghĩa vụ thi hành án (THA) của ông chủ tiệm vàng.
Tháng 10-2019, TAND TP Cà Mau xác định việc ông chủ tiệm vàng bán tài sản cho con gái là nhằm tẩu tán tài sản THA. Bến đò, phà là của ông Quới, thuộc tài sản phải THA. Tòa lập luận: Việc mua bán giữa cha con ông Quới là hợp pháp. Tuy nhiên, pháp luật quy định ông phải hiểu rằng bến đò mà ông bán cho con gái là tài sản duy nhất còn lại, phải dành cho việc THA.
Tháng 1-2020, TAND tỉnh Cà Mau cũng giữ nguyên quyết định của tòa sơ thẩm, bác kháng cáo của ông Quới.
Bán cho con nên giá thấp hơn bán cho người ngoài Giá bán bến đò cho con gái có rẻ hơn so với giá trị thực tế của bến đò. Nhưng việc bán cho con cái trong nhà rẻ hơn bán cho người ngoài là chuyện bình thường. Tôi đã trả nợ đúng như cam kết, theo tỉ lệ nợ từng chủ nợ. Ông NGUYỄN VĂN QUỚI Mong Tòa Cấp cao phán quyết công bằng Khi chúng tôi khởi kiện, ông Quới bảo đã bán hết tiệm vàng, nhà lầu, đất đai, chỉ còn lại bến khách. Nhưng chúng tôi kiện thắng rồi thì ông ấy đã bán bến đò, phà cho con gái với giá tổng cộng chỉ 250 triệu đồng, mà lẽ ra phải trên 3 tỉ đồng. Nay ông không còn tài sản nào khác để THA. Xem như chúng tôi không thể nào lấy được tiền nợ, dù một đồng. Chúng tôi đang chờ Tòa Cấp cao bảo vệ công bằng, lẽ phải cho chúng tôi. Hiện nay, ít nhất năm chủ nợ chưa nhận được đồng nào kể từ ngày ông Quới bán bến khách cho con gái. Ông NGÔ QUỐC TỐNG, một chủ nợ của ông Quới |
Kháng nghị: Bán được vì tài sản không bị ngăn chặn
Trong khi cơ quan THA đang thực hiện các bước để cưỡng chế phát mại bến đò thì ngày 24-11-2020, viện trưởng VKSND Cấp cao tại TP.HCM kháng nghị giám đốc thẩm. Việc THA bị tạm dừng.
Theo quyết định kháng nghị, viện trưởng VKSND Cấp cao tại TP.HCM cho rằng tại thời điểm ông Quới bán bến khách và hai chiếc phà đưa khách cho con gái thì các bản án vẫn chưa có hiệu lực. Tức lúc này, cụ thể là ngày 31-8-2018 và ngày 12-9-2018, ông Quới không có nghĩa vụ phải thi hành một bản án nào. Hai cấp tòa ở tỉnh Cà Mau cũng xác định việc mua bán của ông Quới với con gái là hợp pháp. Bến khách và các phà đưa khách đã thuộc về con gái ông Quới, không phải tài sản để THA.
Từ đó, Viện Cấp cao đề nghị hủy cả hai quyết định giải quyết việc dân sự của hai cấp tòa tỉnh Cà Mau, việc mua bán của ông Quới với con gái là hợp pháp, không phải tẩu tán tài sản THA.
Chủ nợ cần yêu cầu tòa ngăn chặn ngay từ đầu Khoản 2 Điều 124 BLDS 2015 quy định trường hợp xác lập giao dịch dân sự giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch dân sự đó vô hiệu. Do đó, hành vi tẩu tán tài sản là việc xác lập các giao dịch giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba. Nếu chứng minh được là hành vi tẩu tán tài sản thì hành vi đó sẽ bị vô hiệu. Cần xem xét ý thức chủ quan của ông Quới, tại thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả nợ, thời điểm phát sinh giao dịch chuyển nhượng cho con gái, ông có biết bến đò là tài sản duy nhất còn lại để THA cho các chủ nợ nhưng vẫn cố tình bán rẻ cho con hay không. Theo Điều 111 BLTTDS 2015, trong quá trình khởi kiện, đương sự nếu nhận thấy bị đơn hoặc người liên quan có tài sản và có dấu hiệu tẩu tán tài sản thì nên yêu cầu tòa áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời để tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, bảo đảm giải quyết vụ án và THA. Luật cũng cho phép trong trường hợp do tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay chứng cứ, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra thì người khởi kiện có quyền vừa nộp đơn khởi kiện song song với yêu cầu áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 BLTTDS. Nghĩa là khi khởi kiện, người khởi kiện nên tự “điều tra” xem bị đơn có tài sản gì, có tẩu tán tài sản hay không để gửi đơn yêu cầu tòa ngăn chặn. Dĩ nhiên là khi yêu cầu cần tuân theo thủ tục và để thực hiện biện pháp khẩn cấp tạm thời thì tùy trường hợp, người yêu cầu phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tài sản hoặc gửi một khoản tiền… tương đương tổn thất, thiệt hại có thể phát sinh theo Điều 136 BLTTDS 2015. Luật sư NGUYỄN QUỐC CƯỜNG, Đoàn Luật sư TP.HCM (YẾN CHÂU ghi) |