Mới đây, TAND tỉnh Trà Vinh xử sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn An (sinh 1994, ngụ ấp An Cư, xã Tân Hòa, huyện Tiểu Cần) tù chung thân về tội giết người. Tòa còn buộc bị cáo bồi thường cho gia đình nạn nhân hơn 80 triệu đồng tiền mai táng phí và tổn thất tinh thần. Đáng chú ý là ngay từ đầu gia đình nạn nhân cho rằng cơ quan tố tụng bỏ lọt tội phạm.
Cả nhóm đánh, chỉ một người bị xử
Theo hồ sơ, ngày 31-5-2016, An cùng với Nguyễn Hữu Đô, Nguyễn Trường Sơn, Nguyễn Văn Hiệp và Lư Khắc Huy cùng đi dự một đám cưới ở khóm 4, thị trấn Cầu Quan, huyện Tiểu Cần.
Trong lúc uống rượu tại bữa tiệc thì Sơn có mâu thuẫn với nạn nhân Nguyễn Ngọc Tính. Vì Tính hăm dọa khi về sẽ chặn đường đánh Sơn nên Sơn kể cho cả nhóm biết. Tại đám cưới, lúc đi vệ sinh phía sau nhà, An thấy chỗ để chén có con dao liền lấy giấu trong người. Rời khỏi đám cưới, cả nhóm tiếp tục đi nhậu, Đô đề xướng chặn đường đánh Tính để dằn mặt thì cả nhóm đồng ý.
Khi thấy Tính chạy xe về, An điều khiển xe chặn đầu xe Tính lại, hai bên ẩu đả nhau làm An té ngã. Đô, Sơn, Hiệp chạy đến dùng nón bảo hiểm đánh Tính rồi bỏ đi. Tính định đứng lên đi về thì bị An rút dao đâm vào lưng dẫn đến tử vong.
Ngay từ giai đoạn điều tra ông Nguyễn Văn Trinh (cha của nạn nhân Tính) cho rằng cơ quan tố tụng bỏ lọt đồng phạm của bị cáo An gồm Đô, Sơn, Hiệp, Huy. Theo ông Trinh, giữa bị cáo An và Tính không có mâu thuẫn, không quen biết nhau. Câu chuyện xuất phát từ việc Tính chở bạn gái về, trong khi Sơn không được chở. Sơn đã kể lại việc này với cả nhóm, trong đó có bị cáo An.
Khi Tính còn ngồi chơi trong tiệc cưới thì nhóm của An đã chủ đích ra ngoài trước để chặn đường đánh Tính. An và các đối tượng này đã có sự phối hợp ăn ý ai đánh trước ai đánh sau. “Họ có sự bàn bạc, có khởi xướng, tất cả cùng đánh con tôi. Nếu đồng bọn của An không dùng hung khí nguy hiểm là mũ bảo hiểm và dây nịt đánh con tôi thì một mình An không thể dễ đâm chết con tôi được. Con tôi chết với thương tích đầy người” - ông Trinh nói.
Bị cáo An tại phiên xử sơ thẩm. Ông Nguyễn Văn Trinh (ảnh nhỏ), cha của nạn nhân trình bày. Ảnh: HY
Có nên tách thành vụ khác?
Tại phiên xử sơ thẩm, luật sư (LS) bảo vệ cho nạn nhân cho rằng cơ quan tố tụng bỏ lọt hành vi phạm tội của bốn người nêu trên. Vì họ đã cùng bị cáo An thực hiện hành vi và bỏ mặc hậu quả chết người xảy ra. Trách nhiệm này cả nhóm phải cùng chịu chứ không riêng gì An. Quá trình điều tra truy tố trước đây LS cũng đã đề nghị nhưng không được xem xét. Từ đó LS này đề nghị tòa trả hồ sơ cho VKS điều tra bổ sung, tránh lọt người, lọt tội.
Nhưng HĐXX cho rằng đề nghị này không có căn cứ vì ý chí bị cáo An là đánh nạn nhân Tính là để dằn mặt. Việc An mang theo con dao khi bốn người đi cùng không biết. Khi An đâm Tính thì bốn người kia đã ngưng hành vi đánh nạn nhân và đã bỏ ra ngoài xe. Do đó hành vi của An cấu thành tội phạm, những người còn lại không phải chịu hậu quả do An gây ra. Theo HĐXX, Đô, Sơn, Hiệp và Huy có tham gia đánh nạn nhân nhưng không có ý định tước đoạt đi sinh mạng mà chỉ có ý đánh dằn mặt. Từ đó tòa chỉ đề nghị cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ hành vi đánh người gây thương tích để xử lý sau.
Trước khi tòa xử, VKS tỉnh cũng có lập luận tương tự về hành vi gây thương tích của bốn người trên. Cơ quan điều tra đã quyết định trưng cầu Trung tâm Pháp y tỉnh Trà Vinh giám định tỉ lệ phần trăm tổn thương cơ thể của nạn nhân. Nhưng cơ quan này không đủ khả năng nên đã trưng cầu Phân viện Pháp y Quốc gia tại TP.HCM, khi nào có kết quả sẽ xử lý sau.
Nói về nhận định này, cha nạn nhân bức xức: “Sao lại phải chờ kết luận giám định mới khởi tố? Tại sao lại giám định tỉ lệ thương tật với người đã chết?”.
Hậu quả đến đâu xử đến đó Theo LS Đỗ Hải Bình (Đoàn LS TP.HCM), khó có thể giám định thương tật để buộc tội bốn người liên quan về hành vi cố ý gây thương tích vì nạn nhân đã chết. Người thì đã chết, chỉ còn cách giám định qua hồ sơ nhưng sẽ khó xác định chính xác vết thương nào do ai gây ra, hậu quả sao… Cũng không cần tách ra điều tra riêng mà nên xử lý trong cùng một vụ án. Nếu thấy họ có dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích hoặc tội gây rối thì cứ xử lý, tránh việc bỏ lọt tội phạm. Thẩm phán Vũ Phi Long (nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự, TAND TP.HCM) cho rằng trong vụ này hậu quả chết người xảy ra, hậu quả đến đâu chịu trách nhiệm đến đó. Nghị quyết 02/2003 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn hành vi gây rối trật tự công cộng mà để hậu quả chết người xảy ra thì bị coi là “gây hậu quả nghiêm trọng” và phải chịu trách nhiệm tương ứng. Theo ông Long, trước hết phải xử lý bốn người liên quan tội gây rối. Sau đó nếu phát hiện ai dùng hung khí nguy hiểm nào, gây thương tích ra sao thì có thể xem xét tội cố ý gây thương tích hoặc đồng phạm tội giết người. |