'Ma men' cầm lái: Phạt tiền liệu có đủ?

(PLO)- Phải chăng chế tài pháp luật hiện nay vẫn chưa đủ nghiêm khắc với những “ma men” cầm lái?
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vụ việc tài xế ô tô say rượu, tông thẳng vào cây xăng trên đường Láng (Hà Nội) tối 12-8 vừa qua lại thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về việc vấn nạn lái xe sau khi sử dụng rượu, bia. Đã có quá nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc, làm nhiều người bị chết và bị thương, mà nguyên nhân chủ yếu là do những “ma men” lái xe.

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia: Khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông và 11% số người chết có liên quan rượu bia, và con số này đang có xu hướng gia tăng.

Thực trạng này khiến không ít người đặt dấu hỏi: Phải chăng chế tài pháp luật vẫn chưa đủ nghiêm khắc với những “ma men” cầm lái? Vẫn biết rằng rượu bia ở Việt Nam đã trở thành thứ “văn hóa” độc hại, nhưng nếu như có chính sách xử lí nghiêm khắc, quyết liệt, chắc hẳn sẽ hạn chế được đáng kể vấn nạn “ma men” cầm lái.

Hiện trường vụ tai nạn do tài xế ô tô say rượu, tông thẳng vào cây xăng trên đường Láng (Hà Nội) tối 12-8. Ảnh: PH

Hiện trường vụ tai nạn do tài xế ô tô say rượu, tông thẳng vào cây xăng trên đường Láng (Hà Nội) tối 12-8. Ảnh: PH

Phần đầu của chiếc ô tô bị biến dạng nặng, chắn ngang là một chiếc xe máy cũng không còn nguyên vẹn. Ảnh: PH
Phần đầu của chiếc ô tô bị biến dạng nặng, chắn ngang là một chiếc xe máy cũng không còn nguyên vẹn. Ảnh: PH

Ở Việt Nam hiện nay, lái xe khi có nồng độ cồn sẽ bị xử lí hành chính, nếu gây tai nạn với hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị xử lí hình sự.

Như vậy, nếu như không gây tai nạn, người lái xe sau khi uống rượu bia chỉ phải chịu xử phạt hành chính. Theo quY định hiện hành, người lái xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, thì tùy theo mức độ sẽ bị phạt rất nặng: Đến 40 triệu đồng với ô tô và đến 8 triệu đồng với xe máy. Người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe tối đa 24 tháng.

So với mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chỉ khoảng 4,2 triệu đồng/tháng, thì mức phạt này là tương đối cao. Tuy nhiên, mức phạt bằng tiền cũng có hạn chế, đó là không có sự công bằng giữa người giàu và người nghèo: Với một “đại gia” lái chiếc siêu xe hàng chục tỉ đồng, số tiền phạt tối đa 40 triệu thậm chí còn chưa bằng một lần bảo dưỡng xe tại ga-ra. Trong khi đó, với một người xe ôm lỡ uống vài li rượu trước khi lái xe, số tiền phạt vài triệu đồng sẽ làm họ khốn đốn.

Cũng vì lí do này, nên khó có thể tăng thêm số tiền phạt hành chính lên cao hơn nữa, vì sẽ không phù hợp với mặt bằng thu nhập của đông đảo nhân dân. Điều này dẫn đến hệ quả là hình phạt rất khắc nghiệt với người nghèo, nhưng lại như “gãi ngứa” với người giàu. Thậm chí, những người giàu, với khả năng “quan hệ” của mình, lại có thể xin xỏ, nhờ cậy các mối quan hệ để tránh việc bị cảnh sát giao thông xử phạt. Rõ ràng, đã tồn tại một sự bất công ở đây.

Hiện trạng này xuất phát từ sự hạn chế của pháp luật hành chính Việt Nam, đó là chỉ nặng về xử phạt bằng tiền. Để giải quyết vấn đề này, bên cạnh hình phạt tiền, các nước tiên tiến thường qui định xử phạt rất nghiêm khắc bằng các hình thức như phạt lao động công ích, thậm chí phạt giam hành chính. Trong quá khứ, Việt Nam cũng từng có qui định về các hình thức xử phạt này, nhưng sau này đã bãi bỏ.

Để đấu tranh chống lại các hành vi phạm pháp nghiêm trọng, tuy chưa đến mức phải xử lí hình sự, Việt Nam cần phải đa dạng hóa các hình thức xử phạt vi phạm hành chính, để giảm hình phạt tiền, tránh sự phân biệt giàu - nghèo trong chính sách xử phạt. Rõ ràng, với một số hành vi như lái xe sau khi uống rượu bia, hay bạo lực gia đình, v.v…, hình thức phạt lao động công ích tỏ ra phù hợp hơn, cũng như có tính giáo dục cao hơn đáng kể. Những người có điều kiện tài chính cũng không thể dùng tiền để nộp phạt, mà phải chấp nhận chịu phạt giam, nên tính răn đe cũng tăng lên đáng kể.

Khi bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe, người vi phạm vẫn có thể trốn tránh bằng cách lái xe “chui”, và cầu mong mình sẽ may mắn không bị Cảnh sát giao thông chặn lại kiểm tra. Để phòng ngừa điều này, nhiều bang ở Mỹ như Iowa, Kansas, New Jersey, v.v… qui định sẽ khóa bộ phận khởi động của xe có thời hạn (như bang Alabama qui định tối đa có thể khóa đến 4 năm nếu vi phạm nhiều lần). Người vi phạm cũng thường bị buộc phải tham gia các khóa đào tạo, điều trị tâm lí để cai nghiện rượu.

Hình phạt cũng có thể được áp dụng theo hình thức lũy tiến: Vi phạm lần đầu sẽ phạt tiền, nhưng vi phạm từ lần thứ hai trở đi sẽ phạt lao động công ích.

Dĩ nhiên, các hình phạt lao động công ích là hình phạt xâm phạm đến tự do thân thể của người bị xử phạt, nên sẽ cần có qui định pháp lý chặt chẽ, cũng như sự chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất. Tuy nhiên, đã đến lúc Việt Nam cần nghiên cứu để áp dụng trở lại các hình thức xử phạt nói trên.

Cũng cần lưu ý rằng: Các nước tiên tiến có sự phân biệt khá rõ giữa DUI (Driving Under the Influence) và DWI (Driving While Intoxicated). DUI nghĩa là lái xe khi chịu ảnh hưởng của chất cồn (bia rượu), chất kích thích (ma túy). Còn DWI nghĩa là lái xe khi bị say xỉn, bị “phê”, bị “nhiễm độc” bởi chất cồn hay chất kích thích.

Với trường hợp lái xe sau khi sử dụng rượu bia, ranh giới giữa DUI và DWI là mức nồng độ cồn trong máu (Blood Alcohol Concentration - BAC) thường được xác định là 0.08, nghĩa là trong 100ml máu có 80mg cồn. Ở Việt Nam, người vi phạm ở mức này sẽ bị xử phạt ở mức cao nhất trong khung hành chính; nhưng ở nước ngoài, trong nhiều trường hợp người lái xe sẽ bị truy tố hình sự về hành vi lái xe gây nguy hiểm. Chính sách xử lí DWI nghiêm khắc hơn rất nhiều so với DUI, thường là xử phạt hành chính ở mức rất cao, thậm chí là khởi tố hình sự.

Song song với việc đa dạng hóa các hình thức xử phạt hành chính, cần bổ sung thêm xử phạt lao động công ích, cũng cần có điều chỉnh về chính sách hình sự với những người lái xe khi say rượu bia hay phê ma túy. Trách nhiệm bồi thường dân sự đối với các “ma men” lái xe gây thiệt hại cũng cần có sự thay đổi, kéo theo đó là chính sách bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới trở nên chặt chẽ hơn.

Quan trọng nhất, các lực lượng chức năng như Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông cần kiên quyết và không khoan nhượng, không nể nang hay bỏ qua các hành vi vi phạm của những “ma men” cầm lái. Chỉ khi đó, những chính sách xử phạt mới thực sự phát huy tác dụng trong đời sống.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm