Ngày 20-4, Bộ GTVT nghe báo cáo về đề xuất cần hình sự hóa một số hành vi nguy hiểm trong lĩnh vực GTVT. Trong dự thảo, Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị xử lý hình sự đối với hành vi điều khiển ô tô chở hàng quá tải trên 150%, đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng vẫn tái phạm.
“Chở quá tải là hủy hoại tài sản nhà nước”
Tổng cục Đường bộ đưa ra hai phương án: Một là xây dựng điều khoản riêng trong BLHS (sửa đổi) quy định về tội trên; hai là có văn bản hướng dẫn áp dụng khoản 4 Điều 202 BLHS quy định về hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ có thể dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời. Mức phạt theo đề xuất là cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho rằng: Nghị định 171/2013 đã tăng mức phạt đối với hành vi điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải. Cụ thể, xe quá tải trên 100% bị phạt 7-8 triệu đồng (mức cũ 5-7 triệu đồng), bị tước giấy phép lái xe. Tuy nhiên, tình trạng xe chở hàng quá tải vẫn diễn ra hết sức nghiêm trọng. Nhiều xe chở quá tải 100%-200%, tài xế bị xử phạt nhiều lần nhưng vẫn tái phạm. “Chở quá tải như vậy thì đường bị phá nát hết. Đó là hành vi hủy hoại tài sản của Nhà nước nên cần phải đưa vào BLHS (sửa đổi)” - ông Huyện nhấn mạnh.
Cũng theo ông Huyện, tình trạng xe chở quá tải cho phép đã để lại hậu quả nặng nề về mặt kinh tế-xã hội, làm méo mó thị trường vận tải hàng hóa, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp vận tải.
Một xe hàng chở quá tải trên đường Nguyễn Văn Linh, TP.HCM. Ảnh: HTD
Đề nghị phạt tù “ma men”
Tổng cục Đường bộ cũng kiến nghị bổ sung vào BLHS (sửa đổi) hoặc áp dụng khoản 4 Điều 202 BLHS xử lý hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 100 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở.
Theo đại diện Tổng cục Đường bộ, trong những năm qua an toàn giao thông cả nước luôn ở mức báo động, hàng loạt vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra trên khắp mọi miền đất nước. Các con số thống kê cho thấy có tới 45% số vụ tai nạn giao thông xuất phát từ việc người cầm lái đã uống rượu bia.
“Đây là con số báo động đỏ, do vậy cần phải có chế tài nghiêm khắc đối với hành vi này. Việc xử hình sự tài xế say xỉn cũng phù hợp với xu thế chung của các nước trên thế giới, đảm bảo tính răn đe, ngăn chặn những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội” - một lãnh đạo Tổng cục Đường bộ nói.
Được biết hiện nhiều nước đã có quy định phạt tù tài xế uống rượu bia quá mức quy định. Cụ thể, Pháp, Thụy Điển, Đài Loan phạt tù đến hai năm; Trung Quốc phạt tù đến ba năm; Anh phạt tù từ sáu tháng đến ba năm, phạt tiền 5.000 bảng, cấm lái xe một năm (trường hợp vi phạm nghiêm trọng dẫn đến chết người mức phạt có thể lên tới 14 năm tù, cấm lái xe từ hai năm tới vĩnh viễn).
Phải có hậu quả xảy ra Đối với các tội cấu thành vật chất, chỉ xử lý khi hành vi ấy phải mang tính nguy hiểm đáng kể và phải gây hậu quả trên thực tế. Do vậy dù là hành vi chở quá tải trọng đã bị xử phạt hành chính hay tài xế say xỉn nhưng chưa gây hậu quả thì cũng không thể xử lý hình sự. Chẳng hạn, BLHS hiện hành có quy định xử hành vi đua xe trái phép nhưng điều kiện là phải có hậu quả xảy ra chứ không phải cứ thấy đua là quy tội được. Mặt khác, chúng ta chỉ xử lý hình sự khi các biện pháp xử lý hành chính không còn hiệu quả nữa. Thực tế việc xử phạt hành chính của chúng ta hiện nay vẫn còn nhẹ khiến các tài xế không sợ. Vì thế nên chăng cần tăng mức xử phạt hành chính thật nặng với mỗi hành vi vi phạm tương ứng Thêm nữa, hành vi vi phạm giao thông được đề xuất xử lý hình sự phải nặng hơn so với các hành vi quy định tại Điều 202 BLHS (vi phạm các quy định về điều khiển giao thông đường bộ) thì mới có thể cân nhắc hình sự hóa. Bởi luật cũng quy định những hành vi tuy có dấu hiệu tội phạm nhưng chưa đến mức xử lý hình sự thì chỉ bị xử phạt hành chính là đủ. TS PHAN ANH TUẤN, Trưởng bộ môn Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM Tăng nặng phạt hành chính Thực tế có rất nhiều hành vi có thể được coi là vi phạm phổ biến và nguy hiểm khi tham gia giao thông nhưng muốn xử lý hình sự thì không đơn giản vì phải tuân theo nguyên tắc luật định. Ví dụ chở quá tải trọng chưa chắc đã nguy hiểm bằng hành vi chạy xe quá tốc độ, phóng nhanh, vượt ẩu vì nó có thể gây tai nạn liên hoàn. Khi xây dựng Điều 202 BLHS, nhà làm luật đã dẫn chiếu đến Luật Giao thông đường bộ để xem xét tất cả khả năng, hành vi nào chỉ đáng xử hành chính thì đã không được cơ cấu. Bản chất của hình sự cũng không phải là tràn lan mà cái gì đáng thì mới làm. Đề xuất của Tổng cục Đường bộ xuất phát từ tình hình tai nạn giao thông ngày càng nghiêm trọng nhưng không có nghĩa là chúng ta hình sự hóa tràn lan những hành vi chỉ đáng phạt tiền. Vậy tại sao chúng ta không quy định những mức phạt hành chính nghiêm khắc hơn như là ngoài tiền thì tước giấy phép lái xe năm, 10 năm hoặc tước suốt đời như một số nước đang áp dụng. Luật sư TRƯƠNG XUÂN TÁM, Ủy viên BCH Liên đoàn Muốn nhưng phải đúng luật Rõ ràng ý tưởng này xuất phát từ mong muốn răn đe thật nghiêm những hành vi vi phạm. Tuy nhiên, nếu chỉ để răn đe thì trước tiên cần làm cho chặt, cho nghiêm túc các biện pháp hành chính. Tôi cũng đồng tình các ý kiến cho rằng không thể hình sự hóa tràn lan những hành vi chỉ đáng xử hành chính. Một chế tài mạnh nhưng ý thức của người tham gia giao thông và người chấp hành pháp luật không nghiêm thì cũng không giải quyết được vấn đề. Luật sư NGUYỄN TOÀN THIỆN, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận THANH TÙNG ghi |