“Mãi lộ” từ một góc nhìn

Thông tin quá cụ thể, hình ảnh quá sống động, không cãi vào đâu được, không thể biện hộ “khó xử lý vì thiếu bằng chứng”. Ở một cách nhìn nào đấy, ai đó có thể băn khoăn về sức tác động ghê gớm của những hình ảnh phản diện này, rồi lo ngại về sự “bôi đen” chế độ.

Quả thật, đọc “lãng mạn ngày tình yêu”, “yêu... ấn tượng” thì nhẹ nhõm và “yêu đời” hơn nhiều thay vì phải đọc dòng chữ trần trụi “mãi lộ vẫn hoành hành”, “cảnh sát giao thông làm luật cả ngày lẫn đêm” trên trang báo ngày 14-2-2008! Nhưng ác một nỗi, “chung chi không đủ, tao lập biên bản”, lại là sự thật diễn ra hàng ngày, hàng đêm, triền miên không dứt, không ai không biết. Và chắc chắn những người có trách nhiệm từ thấp đến cao đều biết!

Trong năm ngày Tết Mậu Tý, trên cả nước xảy ra 315 vụ tai nạn giao thông, 216 người chết, liệu trong đó có bao nhiều là do “ngày Tết [CSGT] ăn dày hơn ngày thường”? Chưa có một nghiên cứu nào đưa ra con số thống kê cụ thể, mặc dầu sự phân tích này hoàn toàn trong tầm tay, nếu muốn. Nhưng lại có thống kê: năm 2006 trong cả nước có 982 vụ CSGT từ chối nhận hối lộ! Quả là một con số làm ấm lòng người. Thế nhưng, biểu dương một chuyện đương nhiên người đại diện cho pháp luật phải làm phải chăng chính là nghịch lý, vì hàng ngày chúng ta đang phải “sống chung với cái xấu”? Đây chính là nỗi đau không của riêng ai!

Phải cám ơn những nhà báo dám dành những ngày giáp Tết xông xáo thực hiện những phóng sự để đánh thức lương tri và tiếp sức cho dư luận xã hội góp phần đấu tranh chống lại cái xấu. “Phải làm cho sự nhục nhã càng nhục nhã hơn bằng cách công bố nó lên” - đấy là khuyến cáo của C.Mác!

Hơn nữa, cái xấu, sự nhục nhã đang trở thành cái ác, vì chính chuyện “làm luật” của những người mặc sắc phục cảnh sát và bằng phương tiện nhà nước đã tiếp tay cho những hành động sai trái của lái xe và chủ phương tiện giao thông cố tình chở quá tải, dùng phương tiện cũ nát đáng phải loại bỏ, phóng nhanh, vượt ẩu... gây tai nạn chết người.

Đáng sợ hơn, một khi pháp luật, điểm tựa của một xã hội an bình và văn minh, lại bị một số kẻ tha hóa trong đội ngũ những người đại diện cho pháp luật vô hiệu hóa, chuyện “làm luật” trở thành nỗi ám ảnh tàn nhẫn đối với người muốn sống theo đúng pháp luật. Tính phổ biến, trắng trợn và triền miên của nó đòi hỏi cấp có thẩm quyền phải vào cuộc một cách quyết liệt.

TƯƠNG LAI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới