Trong thời điểm hiện nay, khi đại dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành trên bình diện toàn thế giới, có giải thì hủy, có những giải rục rịch trở lại và vướng rất nhiều tranh luận, kiện tụng.
Malaysia tìm lộ trình cho tháng 9 M-League trở lại
Ngay khu vực Tây Âu không thôi cũng có những sự khác biệt trong xử lý. Chẳng hạn như Bỉ, Hà Lan, Pháp đã quyết định hủy giải theo cách của mình; Serie A, La Liga, Premier League, Bundesliga.. thì còn tranh luận và tính toán nên vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng.
Với Đông Nam Á, Malaysia được xem là quốc gia đi đầu trong việc tìm phương án hợp lý và được các CLB đồng thuận cao. Lộ trình tái khởi động M-League không tránh khỏi những ý kiến nhưng cơ bản là được sự đồng thuận cao với tiêu chí cao nhất là tất cả nhằm phục vụ đội tuyển Malaysia làm nhiệm vụ.
M-League 2020 khởi đi được bốn vòng đấu thì hoãn do dịch COVID-19. Trước quỹ thời gian hẹp và tình hình dịch bệnh tại Malaysia, LĐBĐ Malaysia (FAM) và công ty tổ chức giải (MFL) quyết định hủy bốn vòng đấu trước và tổ chức bốc thăm lại với lịch đấu mới, điều lệ mới chỉ còn đá vòng tròn một lượt và các đội đều thi đấu sân trung lập diễn ra trong trọn một tháng 9.
M-League có 12 đội, đá vòng tròn một lượt sẽ có tổng cộng 11 vòng đấu với số trận là 66. Với số trận trên, mỗi đội sẽ đá 11 trận trong một tháng sẽ không đảm bảo chất lượng nhưng các đội đều đồng thuận cao vì nạn dịch nên mọi thứ cần đảm bảo với điều kiện cho phép.
FAM và MFL giải thích cho việc cắt bỏ 11 lượt trận M-League là vì đã mất nhiều tháng cách ly để tránh dịch. Điều quan trọng hơn nữa là FAM, MFL không muốn “dồn toa” đủ các giải nội địa vào những tháng 9, 10 vì thời điểm này cấp độ đội tuyển chuẩn bị thi đấu rất nhiều. Từ vòng loại World Cup 2022 (trong đó có cả vòng loại Asian Cup 2023) và AFF Cup 2020 kéo dài năm tuần (từ ngày 23-11 đến 31-12). Mục tiêu của FAM và MFL cũng đưa ra rất rõ ràng đó là tất cả vì một đội tuyển quốc gia mạnh mẽ và được tạo điều kiện tốt nhất.
Qua đó, FAM và MFL cũng quyết định hủy League Cup và Challenge Cup (giải trẻ quốc gia). Riêng cúp quốc gia thay vì thể thức thường lệ là chia bảng đá vòng tròn mỗi bảng, sau đó xác định các đội vào tứ kết đá knock out sau hai lượt đi thì nay đổi bằng thể thức bắt cặp đá một trận knock out cho đến chung kết.
FAM và MFL khẳng định họ không muốn các cầu thủ, nhất là tuyển thủ đá quá nhiều giải sẽ tiềm ẩn chấn thương rất lớn.
Xem ra phương án thay đổi mạnh tay và quyết đoán này của Malaysia phù hợp với tình hình chung trong đại dịch.
Cũng cần biết tình hình dịch bệnh ở Malaysia phức tạp hơn Việt Nam rất nhiều ở thời điểm hiện nay.
Malaysia điều chỉnh M-League để ưu tiên cho đội tuyển lành lặn và khỏe mạnh. Ảnh: NGỌC DUNG
V-League sẽ trở lại nhưng chưa cho thấy những điều chỉnh cần thiết để tránh “dồn toa”. Ảnh: TRÂM ANH
V-League thuận lợi hơn nhưng phải biết tận dụng
Cách làm của Malaysia được AFC và FIFA khen là có những thay đổi quan trọng ứng với tình hình dịch bệnh và đặc thù của quốc gia. Nhưng quan trọng hơn là FAM và MFL đã có tiếng nói để được sự đồng thuận cao từ các CLB.
Qua cách làm của bóng đá Malaysia rất đáng để nhiều quốc gia nghiên cứu, trong đó có Việt Nam hướng đến việc ưu tiên cho một đội tuyển lành lặn và khỏe mạnh để chuẩn bị cho các trận quan trọng còn lại của vòng loại World Cup 2022 và AFF Cup.
Cái khó của bóng đá Việt Nam là thay vì VFF phối hợp cùng VPF như FAM và MFL của Malaysia thì VFF lại cứ “đẩy cây” cho VPF ra trước để thăm dò dư luận và các CLB. Bên cạnh đó, tiếng nói của VPF dù là đại diện cho các CLB nhưng lại chưa được lòng nhiều CLB do chưa mang lại quyền lợi cho các CLB nên gặp khó trong việc đồng nhất. Điển hình như cuộc họp trực tuyến mà cũng gặp phản ứng vì cách làm.
Thử tưởng tượng nếu V-League 2020 không tạm thời thay đổi lịch đấu, khiến cầu thủ bị “dồn toa” sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, thậm chí là chấn thương nếu không may.
Nếu V-League trở lại đúng với thời điểm giữa tháng 5 thì giải sẽ phải thi đấu gấp rút và kéo dài để đảm bảo hai lượt cho 14 đội với 24 lượt trận còn lại. Đó là chưa kể còn phải đá cúp quốc gia khiến các đội và cầu thủ phải đá “dồn toa” rất dễ quá tải và gây chấn thương.
Lệnh giới nghiêm chống dịch của Malaysia theo kế hoạch đến cuối tháng 8 mới dỡ bỏ, còn Việt Nam tình hình dịch bệnh tiến triển sáng sủa hơn. Đó cũng là điều mà những nhà làm bóng đá Việt Nam nên tận dụng những thuận lợi để tạo điều kiện tốt nhất cho đội tuyển.
Những hệ quả mùa dịch bệnh COVID-19 Các giải châu Âu có cách hành xử khác nhau. Hà Lan tuyên bố hủy giải mà không có nhà vô địch lẫn đội xuống hạng, dù Ajax rất cay cú khi giải Hà Lan còn chín vòng nữa và họ đang đứng đầu một cách thuyết phục. Bỉ thì hủy giải và chỉ định CLB Brugge vô địch liền bị UEFA quở trách. Bất chấp, Bỉ vẫn ra quyết định và được nhiều quốc gia ủng hộ cách làm vì tình hình dịch ở Bỉ phức tạp. Cách đây ba ngày, Pháp cũng hủy giải. Ban tổ chức Ligue 1 lấy kết quả hiện tại làm chung cuộc. PSG vô địch, trong khi các CLB xuống hạng sẽ kiện ban tổ chức, còn các đội Toulouse, Amiens chính thức đăng đàn khởi kiện vì quyền lợi bị ảnh hưởng. Riêng Malaysia gặp ít tranh luận về việc đá một lượt thì chỉ nên trao “nửa tiền thưởng và “nửa” chiếc cúp vàng mà thôi. |