Do thói quen và gu ăn uống, nhiều khách du lịch, du học sinh và người lao động thường mang theo các loại thực phẩm, gia vị phù hợp với khẩu vị của mình.
Tuy nhiên, điều này dễ gặp phải sự rắc rối khi làm thủ tục nhập cảnh tại một số sân bay do các quốc gia này cấm vận chuyển thực phẩm tươi sống hoặc rau củ quả và sản phẩm từ động vật.
Đài Loan phạt khủng hơn 750 triệu đồng
Hội đồng Nông nghiệp Đài Loan (COA) vừa tăng mức phạt đối với du khách vận chuyển trái phép thịt từ các nước có dịch vào Đài Loan từ ngày 18-12.
Cụ thể, mức phạt đối với khách vận chuyển trái phép thịt từ các nước có dịch vào Đài Loan tăng từ 50.000 đài tệ (gần 38 triệu đồng) lên 200.000 đài tệ (hơn 150 triệu đồng) cho lần vi phạm đầu tiên. Mức phạt với những người vi phạm từ hai lần trở lên tăng gấp năm lần từ 500.000 đài tệ (378 triệu đồng) lên 1 triệu đài tệ (756 triệu đồng).
Trước đó, nhà chức trách Đài Loan cũng quy định cấm mang tất cả loại hoa quả tươi nhập cảnh Đài Loan. Trong đó, các loại hoa quả tươi từ các nước Đông Nam Á, đặc biệt các loại trái cây sau bị nghiêm cấm mang vào Đài Loan: Sầu riêng, cam, quýt, ổi, quả da rắn…
Khách làm thủ tục nhập cảnh vào Nhật Bản. Ảnh: P.ĐIỀN
Nhật phạt 200 triệu hoặc án tù
Tại Nhật Bản, hồi đầu tháng 10-2018, Bộ Nông lâm thủy sản nước này yêu cầu hành khách mang thực vật (thực phẩm tươi sống, thực phẩm qua chế biến, rau củ quả, sản phẩm từ thực vật,...) đến Nhật phải nộp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do chính phủ nước xuất khẩu cấp. Đồng thời tuân thủ việc kiểm tra, kiểm dịch dựa trên luật bảo vệ thực vật của Nhật Bản.
Đồng thời nhà chức trách Nhật Bản cũng quy định nếu hành khách không xuất trình các giấy tờ nêu trên thì sẽ bị phạt 1 triệu yen Nhật (tương đương 200 triệu đồng) hoặc bị phạt tù tối đa ba năm, toàn bộ thực phẩm sẽ bị tiêu hủy.
Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng đã liệt kê ra danh mục các thực phẩm bị cấm vận chuyển vào Nhật gồm: Các loại thực phẩm, rau củ quả, thức ăn như các loại trái cây tươi và khô, các loại rau củ quả tươi sống như hành, tỏi, ớt; các loại thịt, thủy sản như ruốc, xúc xích, tôm; tất cả loại rau củ quả, hoa, chậu hoa tỉa cảnh hoặc cả chậu hoa có đất,...
Ban Quản lý lao động tại Nhật Bản cũng có cảnh báo thời gian qua có nhiều trường hợp lao động nước ngoài khi nhập cảnh Nhật Bản đã bị phát hiện mang theo rau củ quả, thực phẩm thuộc diện không được mang vào Nhật Bản.
Ngay khi Bộ Nông lâm thủy sản Nhật Bản đưa ra chế tài mạnh nói trên, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã phát đi thông báo đối với khách đi trên các chuyến bay đến Nhật về những danh mục thực phẩm không được mang vào nước Nhật, nếu không sẽ gặp rắc rối khi làm thủ tục nhập cảnh và công tác kiểm dịch.
Đồng thời, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cũng có công văn yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu lao động phổ biến thông tin cho người lao động những quy định mới về việc mang hàng hóa khi nhập cảnh vào Nhật Bản để tránh vi phạm.
Mang trứng vịt lộn tới Singapore, bị phạt 150 triệu đồng Trước đó, một phụ nữ gốc Việt là bà Lê Thị Ứng (63 tuổi) đã mua 490 trứng vịt lộn, nặng 78,4 kg, đặt trong hai thùng xốp và đưa tới Singapore. Trong khi quy định của Singapore là các thực phẩm sống như thịt, trứng,... không được phép mang vào nước này để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Cụ thể, bất cứ ai nhập khẩu bất hợp pháp các sản phẩm thịt, trứng,... từ các nguồn không được chấp thuận có thể bị phạt tới 50.000 USD và bị bỏ tù hai năm. Nếu tái phạm sẽ bị phạt 100.000 USD và có thể ngồi tù ba năm. Kết quả vào ngày 3-10, bà Ứng đã phải nộp phạt 7.000 USD (tương đương 150 triệu đồng) cho việc mang trái phép số trứng vịt lộn nói trên vào Singapore. Ăn lạt một chút còn hơn phạt trăm triệu Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, từ Nhật Bản nữ thực tập sinh Tạ Bích Thỏa làm kiểm hàng tại TP Osaka cho hay em đã nhập cảnh vào Nhật hồi cuối tháng 10-2018. Để chuẩn bị thực phẩm phù hợp khẩu vị cho ba năm làm việc tại Nhật, em đã chuẩn bị nước mắm, ớt bột, hạt nêm, hành tăm… để nêm nếm dần. Tuy nhiên, trước khi xuất cảnh một tuần em nhận được cảnh báo từ Cục Quản lý lao động ngoài nước nên em đành bỏ lại tất cả, dù rất tiếc nhưng còn hơn bị án phạt nặng và mất cơ hội ba năm làm việc ở Nhật. “Nói chung do khẩu vị của mình hay ăn cay, mặn nên ớt bột và nước mắm là hai thứ thiết yếu trong bữa ăn, vài tháng đầu chưa quen có thể ăn hơi nhạt nhưng làm quen một thời gian cũng chấp nhận được” - nữ thực tập sinh này cho biết. Từ Tokyo, nữ doanh nhân Hà Cảnh, một người Việt đang kinh doanh bất động sản và cho thuê văn phòng, cho rằng từ khi có quy định này, du học sinh và khách du lịch Việt không dám mang các thực phẩm trên vì sợ phải chịu mức phạt cao. Nhà chức trách Nhật họ làm nghiêm nên cần lưu ý hết sức để không rơi vào tình cảnh phải chịu án phạt, thậm chí ngồi tù. |