Đó là nhận định của các chuyên gia tài chính tại Công ty chứng khoán Đông Á vừa đưa ra trong hôm nay, ngày 1-7.
Theo thống kê của Công ty chứng khoán Đông Á, kết thúc phiên giao dịch cuối tháng, VN-Index chốt ở mức tăng trưởng 6% trong tháng 6-2021 sau khi đã có mức tăng 7% trong tháng trước đó. Việc kéo dài chuỗi tăng 5 tháng liên tục cho thấy đầu tư chứng khoán đang có mức sinh lời hấp dẫn hàng đầu trong các kênh đầu tư hiện nay.
Số liệu mới nhất do Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy tính đến hết tháng 5, tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế của thị trường chứng khoán ước tính đạt 116,4 nghìn tỉ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ năm trước. Trong 6 tháng đầu năm, giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 22.428 tỉ đồng/phiên, tăng 302,3%.
Cho dù thị trường chứng khoán Việt Nam tăng mạnh nhưng khối ngoại liên tục bán ròng cổ phiếu. Theo báo cáo chiến lược về dòng tiền nước ngoài của Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam vừa công bố, tính đến ngày 18-6, khối ngoại đã bán ròng 1,4 tỉ USD cổ phiếu được niêm yết trên thị trường Việt Nam.
Con số này cao hơn 67% so với tổng giá trị bán ròng của cả năm 2020 và hiện nay vẫn chưa kết thúc nửa đầu năm 2021. Đáng chú ý, khối ngoại đã bán ròng 70% số ngày giao dịch được tính từ đầu năm đến nay nhưng điều này không có tác động quá lớn đến giá cổ phiếu. Chỉ số VN-Index đã tăng 25% từ đầu năm và tốp 5 cổ phiếu khối ngoại bán ròng nhiều nhất có mức tăng trung bình rất lớn, tăng 58% từ đầu năm.
Cụ thể, 4 trong 5 cổ phiếu mà khối ngoại bán ròng nhiều nhất đều là các mã vốn hóa lớn có kết quả khả quan gồm: HPG (tăng 71%), CTG (+48%), VPB (+105%) và MBB (+78%) kể từ đầu năm.
Tính đến hết phiên ngày 1-7, các cổ phiếu HPG giao dịch ở mức 52.800 đồng/cổ phiếu; CTG 52.400 đồng/cổ phiếu, VPB là 70.400 đồng/cổ phiếu và MBB 43.540 đồng/cổ phiếu.
Theo các chuyên gia của Yuanta Việt Nam, động thái bán ròng những cổ phiếu có vốn hoá lớn có thể là một sự kết hợp giữa hoạt động chốt lời và tái cơ cấu danh mục đầu tư khi tỷ trọng các mã cổ phiếu tăng trưởng cao hơn mức tối đa.
Tuy nhiên, VNM (giảm 14% so với đầu năm) là một trường hợp ngoại lệ trong nhóm này. Khối ngoại bán ròng VNM vì mã này không khả quan và mục đích của bán ròng mã này có thể là để điều chỉnh lại danh mục đầu tư hơn là chốt lời.
Cũng theo các chuyên gia của Yuanta Việt Nam, đà tăng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán trong nước vẫn chưa chững lại mặc dù khối ngoại liên tục bán tháo. Các nhà đầu tư trong nước chứ không phải người nước ngoài - đang là nhân tố chính chi phối thị trường.
Do đó, mức thanh khoản được kỳ vọng sẽ tăng lên nhiều hơn trong nửa cuối năm 2021, nhưng độ biến động cũng sẽ lớn hơn khi thị trường tăng cao hơn. Vì vậy, các nhà đầu tư nên thận trọng và tập trung vào các cổ phiếu chất lượng.
Đồng quan điểm, các chuyên gia phân tích thị trường của Công ty chứng khoán Đông Á cho rằng thị trường đi qua 6 tháng đầu năm với những con số kỷ lục về giá trị giao dịch và hiệu ứng dòng tiền từ hàng trăm ngàn tài khoản mở mới. Nhà đầu tư vẫn đang rót tiền vào thị trường, điểm số đang duy trì xu hướng tăng trung hạn sau khi vượt qua mốc cản tâm lý 1.400 điểm.
Mùa báo cáo tài chính đang đến, các nhóm cổ phiếu đã tăng trong thời gian ngắn vừa qua có thể bị chốt lời do lo ngại báo cáo tài chính bán niên sẽ thể hiện lợi nhuận doanh nghiệp chưa theo kịp sự tăng giá của cổ phiếu. Do đó, chiến lược đầu tư hiện nay là nhà đầu tư nên quan tâm các doanh nghiệp đầu ngành với dự báo kết quả kinh doanh quý 2-2021 tăng trưởng.