Hiện tượng lạ trên thị trường chứng khoán

Thị trường chứng khoán Việt Nam (VN) đã tăng trưởng mạnh từ đầu năm 2021 đến nay, giúp chỉ số VN-Index thiết lập hết đỉnh lịch sử này đến đỉnh khác. Đáng chú ý, chứng khoán tăng trưởng nóng cao gấp nhiều lần tăng trưởng của nền kinh tế khiến một số ý kiến lo ngại về nguy cơ bong bóng.

Chứng khoán Việt Nam bùng nổ, số lượng nhà đầu tư đang gia tăng rất nhanh. Ảnh: PM

Những bài học về thị trường chứng khoán tăng điểm lịch sử năm 2007 và 2018 vẫn còn nguyên giá trị. Khi đó thị trường quá thu hút, đẩy giá cổ phiếu tăng cao nhưng sau đó là giai đoạn hoảng loạn, giá cổ phiếu đảo ngược gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư.

Những diễn biến lạ

Ở thời điểm hiện nay, dù chưa có những dấu hiệu rõ rệt về một thị trường bong bóng, song nhiều diễn tiến trên sàn chứng khoán cho thấy nguy cơ rủi ro và gây thua lỗ cho nhà đầu tư. Bằng chứng là mới đây, Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội (Handico) đã có công văn yêu cầu Công ty cổ phần Chứng khoán thương mại và Công nghiệp VN (VICS) thanh toán khoản nợ 13 tỉ đồng, nếu không sẽ mở thủ tục phá sản đối với VICS. Chưa hết, từ đầu năm 2020 đến nay, VICS kinh doanh lỗ ròng năm quý liên tiếp nhưng rất lạ là suốt một năm qua, cổ phiếu công ty này lại tăng đến hơn 500%.

Tương tự, Công ty Hoàng Anh Gia Lai (HAG) báo lỗ cả 1.000 tỉ đồng trong năm 2020. Bước sang năm 2021, công ty này tiếp tục báo lỗ quý I lên đến gần 60 tỉ đồng. Thế nhưng giá cổ phiếu HAG vẫn tăng mạnh và tính chung trong một năm qua, cổ phiếu của công ty này tăng hơn 20%.

Đây không phải là những trường hợp cá biệt, vì thực tế có nhiều công ty khác cũng kinh doanh không hiệu quả, đang thua lỗ nhưng cổ phiếu vẫn liên tục tăng mạnh. Lý giải về hiện tượng này, TS Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký chứng khoán VN, thừa nhận vẫn còn nhiều vấn đề trên thị trường chứng khoán. Đó là nhiều ngành hàng, mã cổ phiếu tăng 5-7 lần, cá biệt tăng đến 11 lần trong khi hiệu quả kinh doanh lại rất thấp, thua lỗ một thời gian dài.

“Tất nhiên, đánh giá về giá trị công ty không chỉ là lợi nhuận và tổng tài sản đằng sau. Nhiều thứ chúng ta không thể lượng hóa bằng tiền. Song có những nhóm hệ sinh thái cổ phiếu tăng, trong khi nhìn vào tổng tài sản, cách kinh doanh, lợi nhuận… đi ngược lại với giá cổ phiếu thì quả thật rất lạ. Nó nói lên có điều gì đó về tính minh bạch vẫn còn hạn chế” - ông Sơn đánh giá.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, cũng nhìn nhận: Nhà đầu tư cá nhân đang là động lực tăng trưởng cho thị trường chứng khoán trong thời gian gần đây. Mặc dù nhà đầu tư cá nhân hiện đã được trang bị kiến thức và kỹ năng khá tốt cho cuộc chơi nhưng tâm lý của họ khá dễ bị tác động với hiệu ứng đám đông.

“Việc nhiều cổ phiếu tăng giá bất hợp lý hiện nay có thể là do sự hùa theo của một số nhà đầu tư theo những nhà đầu tư khác trong việc định giá cổ phiếu. Thay vì tự mình định giá doanh nghiệp thì không ít nhà đầu tư lại dựa vào tâm lý của số đông. Điều này sẽ dẫn đến biến động thị trường rất cao và dễ dẫn đến đổ vỡ một khi thị trường đảo chiều” - ông Hiếu cảnh báo.

Cẩn trọng không thừa

Chuyên gia tài chính Trần Đình Phương cho rằng để xem xét thị trường chứng khoán đã đến giai đoạn bong bóng hay chưa cần dựa trên nhiều yếu tố. Riêng tại VN, thị trường chứng khoán nổi lên do lãi suất huy động thấp. Khi nhà đầu tư lao vào thị trường ngày càng nhiều, bắt đầu đẩy thị trường dịch chuyển dần đến giai đoạn bùng nổ.

Nói cách khác, thị trường chứng khoán VN tăng điểm lúc này là nhờ dòng tiền lớn đến từ nhà đầu tư cá nhân. Trong giai đoạn này, mọi người, kể cả bác xe ôm cũng bắt đầu bàn tán về thị trường chứng khoán. Điều này dẫn đến thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư lao vào vì tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội kiếm lời, hay còn gọi là tâm lý “sợ nhỡ tàu” của nhà đầu tư.

“Giá nhiều cổ phiếu tăng chóng mặt đến mức cực đoan, nhiều khi không dựa vào yếu tố nào hết. Vậy nhưng vẫn có nhà đầu tư lao vào mua vì tin rằng vẫn có thể bán kiếm lời. Chỉ cần những thông tin tiêu cực sẽ khiến bong bóng chứng khoán xẹp dần. Tuy nhiên, để nói chính xác thời điểm nào chứng khoán vỡ bong bóng là rất khó, vì thị trường nhiều khi có những phản ứng bất hợp lý so với những suy đoán. Do đó, các nhà đầu tư cần theo dõi chặt thị trường để có những quyết định chính xác bảo vệ tài sản, giảm rủi ro” - ông Phương nói.

Đồng quan điểm, một số chuyên gia cho rằng cần phải lưu ý đến tỉ trọng cấp margin (vay tiền của công ty chứng khoán để đầu tư) khá lớn. Cụ thể, theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tính tới thời điểm 31-5-2021, dư nợ margin toàn thị trường đã đạt gần 120.000 tỉ đồng, tăng hơn 31.000 tỉ đồng so với cuối năm 2020.

Đây là một trong những yếu tố giúp cho giá cổ phiếu tăng tương đối tốt từ đầu năm đến nay. Song dư nợ margin cao là con dao hai lưỡi, vì một khi giá cổ phiếu giảm, các công ty chứng khoán sẽ ồ ạt bán giải chấp cổ phiếu trong tài khoản nhà đầu tư để đảm bảo ngưỡng an toàn. Điều này có thể “góp phần” đẩy thị trường lao vào cú vỡ bong bóng.

 

Tùy thuộc vào từng ngành nghề

Theo TS Đoàn Bảo Huy, ĐH RMIT VN, việc nói thị trường có dấu hiệu vỡ bong bóng chưa còn tùy thuộc vào ngành nghề. Trong đó, những công ty hay ngành nghề có nền tảng cơ bản yếu mà giá cổ phiếu lại tăng nóng trong thời gian qua dễ bị tác động bởi lạm phát và chính sách kinh tế có nguy cơ điều chỉnh giá lớn nhất.

Còn các công ty có nền tảng cơ bản tốt, biết tận dụng bối cảnh chuyển đổi nền kinh tế như bán lẻ và giá thành sản phẩm điều chỉnh theo lạm phát như thép sẽ ít chịu tác động hơn.

Riêng về vấn đề nhà đầu tư nước ngoài bán ròng không chỉ ở VN mà còn các thị trường mới nổi khác. Do vậy, từ đây để rút ra kết luận rằng thị trường VN tăng quá nóng và rủi ro hay không thì không hoàn toàn chính xác.

Tăng trưởng cao gấp nhiều lần nền kinh tế

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy trong quý I-2021, kinh tế VN tăng trưởng 4,48%. Trong khi đó, chỉ số VN-Index tăng tới 60,3% so với cùng kỳ, tức cao gấp nhiều lần tăng trưởng kinh tế. Điều này cho thấy thị trường chứng khoán bùng nổ, tăng trưởng cao hơn gấp nhiều lần, thậm chí đi ngược lại tăng trưởng kinh tế.

Thị trường chứng khoán bắt đầu trở thành một kênh huy động khá hiệu quả vốn nhàn rỗi cho nền kinh tế. Vì vậy, việc kiến tạo một thị trường chứng khoán phát triển an toàn sẽ góp phần không nhỏ giúp phát triển kinh tế bền vững sau đại dịch.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm