Trong báo cáo mới phát hành, Công ty chứng khoán SSI cho biết, nhà đầu tư nước ngoài đang bán ròng mạnh. Theo đó, tổng lượng bán ròng trong tháng 5 là 11,5 ngàn tỉ đồng, cao hơn cả mức bán ròng kỷ lục của tháng 3 là 11,45 ngàn tỉ đồng. Trong 5 tháng đầu năm 2021, tổng lượng bán ròng của khối ngoại trên 3 sàn chứng khoán lên tới 25,8 ngàn tỉ đồng.
SSI đánh giá, châu Á đang là điểm trũng của dịch COVID, thị trường Việt Nam cũng không ngoại lệ và chịu ảnh hưởng tiêu cực từ xu hướng chung của khu vực.
Ngoài ra, xu hướng rút vốn của các quỹ ETF có thể thay đổi khi tình hình dịch bệnh trong khu vực được kiểm soát. Nhìn lại năm 2018, dòng vốn ETF có xu hướng đảo chiều vào giữa tháng 2 thì thị trường chứng khoán cũng tạo đỉnh vào 9-4-2018.
Dù hiện tại quy mô, chất lượng thị trường đã thay đổi, tác động của dòng vốn ngoại cũng có thể mờ nhạt hơn nhưng nếu xu hướng rút ròng của các quỹ ETF tiếp diễn cũng sẽ là một chỉ báo đáng lưu tâm để gia tăng sự thận trọng với thị trường.
Theo Tiến sĩ Đoàn Bảo Huy, Đại học RMIT Việt Nam, gần đây nhất, giá cả thực phẩm thế giới tăng 40% tháng 5-2021 so với năm trước (theo Liên Hiệp Quốc) và dự báo lạm phát quý II-2021 (theo VNDIRECT) khoảng 4-5% do giá dầu tăng mạnh.
Do đó lạm phát ở Việt Nam là điều không thể tránh khỏi với lượng cung tiền trung bình tăng 13-14% và tăng trưởng kinh tế chưa đạt 3% trong giai đoạn dịch bệnh. Điều này cũng đúng ở các quốc gia khác khi các ngân hàng Trung ương liên tục bơm tiền giải cứu nền kinh tế.
"Với việc nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng từ đầu năm, nỗi sợ lạm phát và điều chỉnh tăng lãi suất từ ngân hàng Nhà nước, rủi ro điều chỉnh trên thị trường là điều khó tránh khỏi" - tiến sĩ Huy nhận định.
Theo Tiến sĩ Huy, nhìn về việc các nhà đầu tư cá nhân ồ ạt đầu tư vào thị trường chứng khoán trong thời gian vừa qua đã giúp thị trường chứng khoán thăng hoa nhưng có rủi ro rình rập.
Theo đó, khi lạm phát càng hiện hữu bởi lượng cung tiền lớn trong nền kinh tế, thị trường chứng khoán và đặc biệt là những cổ phiếu tăng nóng trong thời gian qua bởi sự tham gia của các nhà đầu tư cá nhân gặp rủi ro điều chỉnh giá giảm ngày càng lớn.
"Các nhà đầu tư cá nhân có thể tự bảo vệ bản thân mình bằng việc xác định tỷ suất sinh lời hợp lý cho bản thân và thoái vốn ở những cổ phiếu nóng trong thời gian qua. Lợi nhuận này có thể được xem xét đầu tư cho những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và giá sản phẩm đầu ra tăng cao" - vị chuyên gia Đại học RMIT Việt Nam khuyến nghị.