Sáng 25-5, BS Nguyễn Vĩnh Phước, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, BV Thống Nhất TP.HCM, cho biết BV vừa phẫu thuật thành công cho một bệnh nhân bị dị vật đi từ mắt xuống khoang xương hàm sau một năm đi “cầu cứu” tại nhiều BV.
Bệnh nhân là anh Võ Văn Chút (33 tuổi, ở TP.HCM). Theo anh Chút, khoảng một năm trước trong một lần xô xát, anh bị người khác dùng thùng gỗ đập thẳng vào mặt làm rách da vùng mắt, mặt bị nhiều mảnh gỗ nhỏ găm vào.
Sau khi vào BV cấp cứu, anh Chút được các bác sĩ lấy các mảnh gỗ và khâu vùng da mặt bị rách. Tuy nhiên, suốt một năm sau đó phần gò má anh vẫn liên tục sưng tấy, đi khám ở nhiều BV cũng không tìm ra được nguyên nhân. Mặc dù anh Chút uống kháng sinh trong thời gian dài nhưng tình trạng sưng tấy vẫn tái đi tái lại.
Khoảng một tuần trước, anh Chút tới khám tại BV Thống Nhất, chụp CT kiểm tra lại, các bác sĩ cảm nhận có khối lạ trong khu vực dưới khoang xương mắt. Ngay sau đó, hai chuyên khoa Tai Mũi Họng và Mắt kết hợp kiểm tra rất kỹ và phát hiện có dị vật phá vỡ xương sàn mắt, cắm xuống xoang hàm phải.
Bệnh nhân đã ổn định sau phẫu thuật. Ảnh: HÀ PHƯỢNG
Theo BS Lê Thị Thanh Hải, Phó khoa Mắt, BV Thống Nhất, sau khi nhận định có dị vật, các bác sĩ đã tiến hành nội soi xoang hàm và rất bất ngờ khi phát hiện được sáu mảnh gỗ lớn và gần chục mảnh nhỏ nằm dưới khoang xương mắt phải, mảnh gỗ lớn nhất dài đến 6 cm.
Đến thời điểm này, các bác sĩ vẫn không thể giải thích được vì sao các mảnh gỗ có thể chui được vào xoang hàm anh Chút. “Điều rất lạ là khi bị đập thanh gỗ vào mặt, nhãn cầu của bệnh nhân vẫn còn nguyên vẹn, không hề bị tổn thương, dị vật không đi vào hốc mắt mà lại đi xuyên từ sàn ổ mắt đến xoang hàm, nằm nguyên ở đó hơn một năm” - BS Hải nói.
Ca mổ được tiến hành ngày 19-5, sau ba tiếng phẫu thuật nội soi, các bác sĩ đã lấy hết được các mảnh gỗ vỡ vụn trong mặt bệnh nhân. Hiện sức khỏe bệnh nhân tiến triển tốt, đợi cho đến khi xử lý hết vấn đề nhiễm trùng, các bác sĩ sẽ nối lại cơ nâng mi, giúp mắt bệnh nhân nhìn được như bình thường.
Theo BS Phước, sở dĩ khó phát hiện được dị vật trong mặt bệnh nhân bởi đây là những mảnh gỗ ép dạng mềm nên cản quang rất kém, siêu âm, chụp CT rất khó phát hiện. Đây là một trong những ca dị vật hi hữu mà BV tiếp nhận từ trước đến nay.