Trường hợp trên là của bệnh nhi Cao Ngọc Bảo (4 tuổi, ngụ Cần Giuộc, Long An). Theo lời kể của anh Cao Văn Lắm (34 tuổi, cha bệnh nhi), khoảng tháng 8 năm ngoái con trai anh có chơi một con búp bê có gắn kèn. Trong lúc chơi có thể cháu đã tháo kèn ra và nuốt nó.
Anh Lắm nhớ lại, thời gian đó cái kèn gắn trong con búp bê không còn nhưng con anh thì tự nhiên ho liên tục. Lo con bệnh, gia đình có đưa bé Bảo tới nhiều bệnh viện khám, chụp CT nhưng không thấy gì nên bác sĩ cũng chỉ cho uống thuốc rồi về.
"Mới đây, trong một lần cháu ho tôi chợt nghe tiếng kèn kêu te te phát ra từ cổ con. Để ý hai ba lần tôi đều nghe thấy vậy. Hai vợ chồng sợ quá mới đưa cháu lên bệnh viện Nhi Đồng 1 khám cho chắc", anh Lắm kể.
Bác sĩ Nguyễn Tuấn Như nói về dị vật khó tìm thấy. Ảnh: HÀ PHƯỢNG
Tại khoa Tai Mũi Họng BV Nhi Đồng 1, bác sĩ CK1 Bùi Đoàn Hải Linh, cho biết qua thăm khám, do nghi ngờ có dị vật trong cổ bé nên các bác sĩ đã cho bệnh nhi chụp CT có tái tạo 3D. Đến lúc này mới phát hiện trong cổ họng bé có dị vật.
Cũng theo bác sĩ Linh, các BV trước đó bệnh nhi đến khám dù đã chụp CT nhưng không phát hiện ra dị vật vì chiếc kèn nằm ở vị trí khá khó thấy. Phải có hệ thống CT tái tạo 3D mới may mắn phát hiện được.
Sau khi được lấy dị vật ra khỏi cổ, sức khỏe bé Bảo đã ổn định và chuẩn bị được xuất viện. Ảnh: HÀ PHƯỢNG
Giải thích về việc tại sao cháu bé nuốt kèn vào phổi hơn 6 tháng mà không ảnh hưởng gì, bác sĩ Nguyễn Tuấn Như - Trưởng khoa Tai Mũi Họng, cho rằng khi kèn lọt vào phổi, lõi cây kèn đã nằm đúng với vị trí như trong một cây kèn thực sự. Khi có luồng hơi nhanh và mạnh tác động vào thì cây kèn sẽ phát ra tiếng động như khi thổi kèn. Do đó, mỗi khi cháu bé ho hoặc hít thở mạnh thì sẽ phát ra tiếng như tiếng kèn. May mắn là chiếc kèn có lỗ thông nằm xuôi chiều với phổi nên đã không trở thành vật cản khi bệnh nhi thở, do đó bệnh nhi không bị ảnh hưởng nhiều.
“Những trường hợp hóc dị vật kiểu này BV gặp rất thường xuyên. Thông thường trẻ sẽ gặp các biến chứng ban đầu như khó thở, sau đó là viêm phổi và nhiều biến chứng nặng nề khác. Trường hợp của bé Bảo là trường hợp rất may mắn vì dị vật trong cổ đã được lấy ra mà không để lại bất cứ biến chứng nào”, BS Như nói.