Việt Nam bị Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo thẻ vàng IUU (chống khai thác hải sản trái phép, không khai báo và không theo quy định) từ ngày 23-10-2017. Thế nhưng đến nay đã năm năm Việt Nam vẫn chưa gỡ được thẻ vàng.
Liên quan vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đã chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM về những nỗ lực của Việt Nam trong suốt năm năm qua cũng như những vấn đề còn tồn tại và giải pháp để gỡ thẻ vàng của EC trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến. |
Trên 96% tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình
. Phóng viên: Xin ông cho biết Việt Nam đã nỗ lực như thế nào trong việc tháo gỡ thẻ vàng của EC trong thời gian qua?
+ Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến: Nhìn lại năm năm qua, để gỡ được thẻ vàng IUU, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc rất quyết liệt. Đến nay, chúng ta đã hoàn thiện được các văn bản quy phạm pháp luật; đã có Luật Thủy sản năm 2017 và hai nghị định, tám thông tư (vừa rồi đã sửa đổi tám thông tư gộp lại thành một thông tư). Ngoài ra, hệ thống cơ sở vật chất đang được đầu tư theo từng bước.
Tuy nhiên, ngoài các kết quả nêu trên thì quá trình tổ chức thực hiện để gỡ thẻ vàng vẫn đang còn nhiều vấn đề, nhất là việc quản lý đội tàu. Tỉ lệ sơn tàu theo màu ở các vùng biển đạt trên 95%, gắn thiết bị hành trình trên 96%. Số tàu còn lại chưa sơn, chưa gắn thiết bị hành trình không nhiều nhưng nếu đó là những tàu có nguy cơ cao trong vi phạm chống khai thác hải sản trái phép thì vẫn phải rà soát, tiếp tục lắp thiết bị hành trình. Bởi thanh tra châu Âu khẳng định kể cả tàu nằm bờ cũng phải bật thiết bị giám sát hành trình để kiểm soát.
Tàu khai thác cá ngừ đại dương của ngư dân TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên cập cảng sau thời gian đánh bắt xa bờ. Ảnh: TẤN LỘC |
Khi hoạt động trên biển, tàu đã có thiết bị giám sát hành trình phải bật để kiểm soát thường xuyên nhưng có những trường hợp ngư dân khi đến vùng giáp ranh thì ngắt kết nối rồi vi phạm vùng biển nước ngoài. Về nhật ký hành trình, Bộ NN&PTNT đã đến từng cảng cá kiểm tra, rà soát từng quyển sổ nhật ký và thấy sổ nhật ký ghi rất sơ sài. Nếu không có nhật ký thì rất khó truy xuất nguồn gốc.
EC sang Việt Nam kiểm tra
Dự kiến từ ngày 19 đến 28-10, đoàn kiểm tra của EC sẽ đến Việt Nam trực tiếp kiểm tra việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp. Dự kiến việc kiểm tra sẽ rất gắt gao.
. Vậy xử lý thế nào đối với các trường hợp vi phạm, thưa Thứ trưởng?
+ Từ đầu năm đến nay đã có 62 vụ tàu vi phạm vùng biển nước ngoài với 88 tàu/704 người. Qua đó cho thấy số tàu vi phạm còn lớn, trong khi đây là điều kiện tiên quyết nếu muốn gỡ thẻ vàng của EC.
Bộ đang rà soát, sửa đổi, hoàn thiện Nghị định 42/2019 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản và sẽ đề xuất cho phép xử lý phạt nguội. Đồng thời yêu cầu các tàu khi vào cảng phải nộp nhật ký ngay lập tức, thay vì là 24 giờ như quy định hiện nay. Mục đích để đảm bảo tính nghiêm minh, thông tin đúng, đủ, công khai, minh bạch.
Nghị định 42 chỉ xử lý chủ tàu thì tới đây khi sửa đổi chúng tôi sẽ kiến nghị xử phạt cả thuyền trưởng, như vậy mới đảm bảo tính răn đe.
Philippines chỉ mất chín tháng để gỡ thẻ vàng
. Một số ý kiến cho rằng lâu nay việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực thủy sản nhẹ, chưa đủ sức răn đe?
+ Thực tế có những địa phương xử lý rất nghiêm như Kiên Giang, Cà Mau… Nhưng một số tỉnh chỉ nhắc nhở, lập biên bản, chưa xử lý nên có tình trạng tàu ở tỉnh này bị phạt nặng, phạt đúng chuyển sang tỉnh khác chỉ nhắc nhở, phạt nhẹ. Vì vậy chúng ta phải triển khai đồng bộ, thực hiện nghiêm túc ở tất cả tỉnh, thành thì mới đảm bảo hiệu quả.
. Một số nước trong khu vực như Philippines, Thái Lancũng bị EC phạt thẻ vàng nhưng họ mất ít thời gian hơn, trong khi chúng ta mất tới năm năm mà chưa gỡ được thẻvàng. Lý do vì sao và các giải pháp tới đây là gì để gỡ được thẻ vàng, thưa ông?
+ Philippines chỉ mất chín tháng, Thái Lan mất ba năm để gỡ thẻ vàng. Tuy nhiên, đội tàu của Thái Lan có hơn 6.000 chiếc, còn của ta gấp 15 lần, hơn 91.000 chiếc.
Thực tế việc gỡ thẻ vàng IUU của EC được Đảng, Chính phủ, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, như tôi đã nói, nguồn lực đầu tư, như cảng cá loại 1, khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng thì Chính phủ chịu trách nhiệm nhưng phần kinh phí đầu tư còn hạn chế. Thủ tướng Chính phủ rất sốt ruột việc này. Thứ hai, nguồn lực của các địa phương đầu tư vào các cảng cá loại 2, 3 cũng cần được quan tâm đầu tư thỏa đáng.
Thêm nữa nhận thức, hành động của bà con ngư dân còn hạn chế. Vì vậy mấu chốt phải nâng cao nhận thức của bà con bằng cách tăng cường thông tin truyền thông, đa dạng hình thức tuyên truyền.
Mặt khác, khi tất cả địa phương cùng quyết liệt đồng hành thì chúng ta mới hy vọng gỡ thẻ vàng IUU.
.Xin cám ơn Thứ trưởng.
Nhiều năm liền Phú Yên không có tàu cá vi phạm
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên, cho hay từ năm 2019 đến nay, tỉnh này không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý. Đây là nỗ lực rất lớn của ngư dân, cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên trong việc chống khai thác bất hợp pháp.
Theo ông Đào Quang Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Yên, đến nay đã có 96% trong hơn 660 tàu cá có chiều dài 15 m trở lên ở tỉnh này được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định.
“Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đã giúp cho cơ quan chức năng kiểm soát hiệu quả các hoạt động của tàu cá khi khai thác trên biển; ngăn chặn kịp thời các hành vi khai thác trái phép tại vùng biển nước ngoài” - ông Minh nói. T.LỘC