Manila nói từng bị TQ giục 'lùi bước' trong sửa đổi hiệp ước phòng thủ với Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Báo Philstar dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana ngày 30-9 tiết lộ rằng Trung Quốc đã cố gắng phản đối nỗ lực của Mỹ và Philippines nhằm xem xét lại Hiệp ước Phòng thủ chung (MDT) năm 1951.

Phát biểu tại một diễn đàn trực tuyến kỷ niệm 70 năm thiết lập MDT do Viện Stratbase ADR tổ chức hôm 30-9, ông Lorenzana cho biết đã bị một cựu quan chức ngoại giao Trung Quốc thúc giục "lùi bước".

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana. Ảnh: PHILSTAR

“Trong khi Mỹ hoan nghênh ý tưởng xem xét lại MDT, thì một bên khác ở ngoài lại không" - ông Lorenzana cho hay.

"Khi tôi lần đầu tiên đưa ra ý tưởng xem xét lại MDT, một cựu đại sứ Trung Quốc đã đến gặp tôi và nói: Xin đừng 'đụng chạm' vào MDT. Hãy để nó như vậy" - ông Lorenzana cho biết.

Theo hãng tin Reuters, ông Lorenzana hôm 30-9 không tiết lộ tên của vị cựu đại sứ Trung Quốc. Tuy nhiên, xét về khoảng thời gian ông Lorenzana lần đầu lên tiếng về việc có thể xem xét lại MDT là vào năm 2018, vị cựu đại sứ Trung Quốc trên có thể là ông Zhao Jianhua.

Trao đổi với Reuters, ông Lorenzana cho biết: "Điều đó làm tôi ngạc nhiên. Tôi hỏi ông ấy tại sao?"

Theo ông Lorenzana, ông Zhao đã trả lời: "Bất kỳ nỗ lực nào nhằm sửa đổi MDT sẽ bị chính phủ Trung Quốc coi là hành động nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc".

Đáp lại câu trả lời trên, ông Lorenzana cho biết: "Tôi chỉ nhìn ông ấy và mỉm cười".

Cách tiếp cận tại Biển Đông

Liên quan MDT, ông Lorenzana hôm 30-9 đề xuất một cách tiếp cận đa phương đối với Biển Đông.

Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Philippines lưu ý cách Bắc Kinh đã sử dụng "chiến thuật vùng xám" trong khu vực, như việc triển khai các tàu dân quân hàng hải để khẳng định cái gọi là yêu sách của mình.

Ông Lorenzana dẫn chứng vụ việc ở đá Ba Đầu (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) hồi đầu năm, khi phía Philippines phát hiện hơn 200 tàu dân quân Trung Quốc tại khu vực.

"Các hoạt động tự do hàng hải hoặc FONOP của Mỹ có hiệu quả trong việc ngăn chặn Trung Quốc theo đuổi các tham vọng của họ ở Biển Đông không? Một gợi ý đã được đưa ra là sửa đổi MDT để giải quyết tất cả hoặc hầu hết các mối quan tâm được liệt kê ở trên" - ông Lorenzana nói.

Trước đó, ông Lorenzana hồi đầu tháng đã kêu gọi "xem xét toàn diện" hiệp ước kéo dài hàng thập niên này do "thực tế địa chính trị" đang thay đổi.

Lực lượng tuần duyên Philippines tuần tra tại Biển Đông. Ảnh: GMA NETWORK

Về phần Washington, bà Heather Variava - đại biện lâm thời tại Đại sứ quán Mỹ tại Philippines - cho biết hiệp ước MDT "thể hiện cam kết an ninh chung của chúng tôi để cùng giải quyết các thách thức,  gồm cả ở Biển Đông".

“Những bên có hành động hoặc tuyên bố đi ngược lại với luật pháp quốc tế nên biết rằng Mỹ và Philippines sẽ kề vai sát cánh cùng nhau" - bà Variava nhấn mạnh.

MDT có còn phù hợp không?

Philstar dẫn lời ông Lorenzana chỉ ra rằng môi trường an ninh trong khu vực đã thay đổi kể từ khi Philippines và Mỹ ký hiệp ước quốc phòng cách đây 70 năm.

Phát biểu tại diễn đàn hôm 30-9, Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Manuel Romualdez lưu ý thêm rằng các mối đe dọa an ninh đã xuất hiện kể từ khi hai nước ký hiệp ước quốc phòng.

Trong khi Washington đã nhiều lần khẳng định với Manila rằng bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào nhằm vào các lực lượng Philippines ở Biển Đông sẽ dẫn đến MDT, ông Romualdez cho biết hiệp ước này chưa bao giờ được viện dẫn do không có cuộc tấn công từ bên ngoài. 

"Tuy nhiên, hãy để tôi nhấn mạnh rằng việc không có điều kiện để áp dụng không thể làm cho hiệp ước này trở nên vô nghĩa" - ông Romualdez cho biết.

“Không có xung đột liên tục không có nghĩa là Philippines sẽ chần chừ trong việc tăng cường năng lực phòng thủ của mình” - ông Romualdez cho hay.

Trong bối cảnh Philippines và Mỹ kỷ niệm 75 năm quan hệ ngoại giao và 70 năm thiết lập MDT, ông Romualdez nhấn mạnh rằng liên minh "cần phải làm mới" để theo kịp thời đại".

Ông Romualdez khẳng định Philippines đang hy vọng ngồi lại với Mỹ và thảo luận đề xuất của Manila về một kế hoạch kéo dài nhiều năm nhằm hiện đại hóa năng lực quân sự và quốc phòng của đất nước.

"Đã đến lúc hiệp ước tồn tại đúng với tên gọi của nó. Chúng ta phải bảo vệ lẫn nhau" - ông Romualdez nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm