Sáng 26-7, Đoàn ĐBQH TP.HCM đã làm việc với Hiệp hội bất động sản TP.HCM và các doanh nghiệp (DN) về việc thực hiện Luật Nhà ở trên địa bàn TP giai đoạn 2016-2021.
Các DN nêu ra rất nhiều vướng mắc trong quá trình đầu tư xây dựng dự án, đặc biệt là các dự án nhà ở xã hội (NƠXH). Theo các DN, với mớ bòng bong thủ tục hành chính khiến cho DN càng làm càng nản lòng và không có động lực để tham gia làm NƠXH.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty Lê Thành trình bày các khó khăn, vướng mắc khi làm NỞXH. Ảnh VIỆT HOA |
Công ty Lê Thành, một DN duy nhất chỉ đầu tư xây dựng các dự án dành cho người thu nhập thấp tại TP.HCM. Các dự án NƠXH của DN này chủ yếu là để cho người thu nhập thấp thuê.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc công ty Lê Thành cho biết, kể cả các dự án đã đầu tư xong lẫn các dự án đang làm thủ tục pháp lý thì đều "ăn đủ" với thủ tục hành chính.
Dẫn chứng về một dự án đang trong quá trình làm thủ tục pháp lý, ông Nghĩa cho biết, một dự án NƠXH thường phải trải qua bốn bước. Nếu nhanh nhất cũng phải mất ba năm mới hoàn thành toàn bộ thủ tục pháp lý. "Tuy nhiên, chúng tôi mới chỉ ở bước đầu tiên là chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng đã mất ba năm vẫn chưa được giải quyết"- ông Nghĩa nói.
Theo ông Nghĩa, trước đây một dự án DN phải gửi 11 bộ hồ sơ đến 11 sở ngành và các cơ quan có liên quan. Tại sở ngành nào vướng, trả hồ sơ thì DN biết để điều chỉnh, bổ sung theo yêu cầu của sở ngành đó. Tuy nhiên, sau này khi Sở KH&ĐT được giao là cơ quan một cửa thì tất cả 11 bộ hồ sơ trên đều gửi về cho sở này. Sau đó, Sở này sẽ gửi lấy ý kiến của các cơ quan có liên quan.
"Nếu một cơ quan không đồng ý là xem như toàn bộ hồ sơ bị dừng lại và chúng tôi không biết cơ quan nào không đồng ý để có thể bổ sung, điều chỉnh như trước đây" - ông Nghĩa nói.
Ông Nghĩa cho biết thêm, trong bốn bước thủ tục làm NƠXH, bước nào cũng đầy những khó khăn, còn hơn cả làm nhà ở thương mại bình thường. Dẫn chứng ở bước đầu tiên là chấp thuận chủ trương đầu tư, ông Nghĩa thông tin, khi hồ sơ của DN gửi đến Sở KH&ĐT, Sở này xem xét thấy dự án chưa phù hợp quy hoạch và cần phải điều chỉnh lại nên Sở này chưa thể trình TP.
Khi DN mang hồ sơ qua Sở QHKT thì nhận được câu trả lời không thể điều chỉnh quy hoạch vì Sở KH&ĐT chưa trình TP. "Vậy cơ quan nào sẽ trình TP thì không ai trả lời được"- ông Nghĩa nói.
Ở một khía cạnh khác, khi làm thủ tục chuyển nhượng đất nông nghiệp, DN này mang hồ sơ đến Sở TN&MT, Sở này tiếp tục có văn bản hỏi quận/huyện xem có phù hợp quy hoạch. Khi xong được bước này DN quay về Sở KH&ĐT thì sở này cho rằng chưa có ý kiến đánh giá tác động của Sở GTVT...
"Phải chạy hai, ba vòng như vậy mất một năm trời mà vẫn chưa xong được bước đầu tiên"- ông Nghĩa rầu rĩ.
Chưa hết, Tổng Giám đốc Công ty Lê Thành thông tin thêm một trường hợp cụ thể khi điều chỉnh quy hoạch cục bộ tại một dự án ở Bình Chánh. Sở QHKT có văn bản hỏi huyện Bình Chánh về quy hoạch của dự án. Nộp hồ sơ 60 ngày mà vẫn chưa nhận được phản hồi, đến Sở QHKT hỏi thì Sở nói chưa nhận được văn bản của huyện.
Ông Nghĩa phải gọi điện thoại cho ông Phạm Văn Lũy, Chủ tịch huyện Bình Chánh thì chỉ hai ngày sau văn bản của huyện đã được chuyển lên Sở QHKT. Lúc đó mới biết, văn bản đã ký nhưng chuyên viên không gửi lên sở.
"Một dự án phải có tới hàng trăm văn bản, mỗi văn bản mà mất hai tháng để chuyển đi thì DN phải mất bao nhiêu thời gian cho vấn đề này?"- ông Nghĩa ngao ngán.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Huỳnh Thanh Khiết cho biết TP đang chuẩn bị ban hành quy trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ để giải quyết những vướng mắc hiện nay. Ảnh VIỆT HOA |
Theo ông Nghĩa, thủ tục pháp lý của một dự án thông thường nếu suôn sẻ hết thì phải mất đến ba năm. Tuy nhiên, thực tế một bước trong quy trình này đã phải mất tới ba năm vẫn chưa xong.
Ông Nghĩa cho rằng, trước đây TP đã có ký văn bản quy định về thời hạn trả lời văn bản lấy ý kiến. Theo đó, trong 15 ngày mà cơ quan được hỏi ý kiến không có văn bản phản hồi thì xem như đồng ý. Nhưng từ đó đến nay, không cơ quan nào dám thực hiện như thế mà vẫn ngồi chờ.
Có mặt tại buổi làm việc, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, liên quan đến những vướng mắc về quy trình giải quyết hồ sơ của DN, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đã có rất nhiều cuộc họp về vấn đề này.
"TP hiện đang chuẩn bị ban hành quy trình để tiếp nhận, giải quyết hồ sơ chặt chẽ để tránh trường hợp hồ sơ không biết cơ quan nào trình như trên, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho DN tham gia đầu tư dự án"- ông Khiết nói.