LTS: Rừng Cà Mau là hệ sinh thái điển hình với rừng ngập mặn (rừng đước) và ngập lợ (rừng tràm). Chính quyền địa phương đã đề ra nhiều chủ trương nhưng vẫn lúng túng: Làm cách nào để nâng cao đời sống người dân lâu nay gắn bó với rừng mà vẫn giữ được rừng?
Nhiều năm qua, tỉnh Cà Mau đã tìm giải pháp ổn định và phát triển đời sống dân cư được giao đất giao rừng trên đất lâm phần, đồng thời mỗi năm cũng đề ra chỉ tiêu phấn đấu trồng thêm diện tích rừng... Thế nhưng người dân sống dưới tán rừng vẫn còn nghèo.
Không sống nổi với rừng
Những năm đầu thập niên 1990, làn sóng dân cư ồ ạt đổ về rừng ngập mặn Cà Mau mưu sinh. Riêng khu vực rừng phòng hộ ven biển Đất Mũi có hơn 6.000 hộ sinh sống. Trước tình hình đó, Cà Mau thực hiện chính sách giao đất giao rừng, hợp thức hóa dân cư bao chiếm đất rừng và cấp mới cho nhiều hộ khác thuộc diện chính sách, hộ đồng bào dân tộc, hộ không đất sản xuất (theo Nghị định 01/CP của Chính phủ, nay là Nghị định 135). Từ đó khái niệm rừng kinh tế ra đời.
Mô hình quản lý, bảo vệ rừng được thay đổi với hình thức xã hội hóa lâm nghiệp. Người dân sống trên đất rừng tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo nguyên tắc chính quyền quản lý dân, dân quản lý rừng.
Chủ trương giao đất giao rừng đã tạo điều kiện cho hàng ngàn hộ nghèo có đất sản xuất. Tuy nhiên, không ít người không phải là đối tượng được giao đất giao rừng cũng được chia đất rừng. Một số lâm trường và các công ty lâm nghiệp lợi dụng chủ trương giao đất giao rừng để chia chác đất rừng. Ở khoảng rừng nào cũng có đất của những người có trách nhiệm quản lý rừng. Trong thực tế, hiện nay ở Cà Mau có không ít người không liên quan đến rừng nhưng lại được hưởng lợi từ rừng. Cà Mau đã rà soát về ba loại rừng nhưng chưa có sự rà soát nào trong số hơn 30.000 hộ được giao đất giao rừng có bao nhiêu hộ không đúng đối tượng.
Đào kênh nuôi tôm giữa rừng sinh thái. Ảnh: HUỲNH LỘC
Nhìn chung, hộ nhận giao đất giao rừng hay hộ nhận khoán đều là hộ nghèo, sau nhiều năm đời sống vẫn nghèo khó. Cuộc sống hằng ngày chủ yếu bằng săn bắt những sản vật có sẵn dưới chân rừng. Người nhận khoán hay nhận giao đất giao rừng phải có trách nhiệm giữ cây rừng cho lâm trường, đến kỳ khai thác mới hy vọng được chia phần. Trong thời gian chờ hơn chục năm đến kỳ khai thác, không ít người giữ rừng đã chặt phá cây rừng để sống.
Loay hoay bài toán dân sinh
Năm 1998, sau khi tỉnh Cà Mau được tái lập, UBND tỉnh có chủ trương cho phép nuôi tôm dưới tán rừng, như cách để người giữ rừng không tác động đến cây rừng. Từ đó, rừng ngập mặn Cà Mau xuất hiện cụm từ “con tôm ôm cây đước”. “Nhưng trên một khoảng rừng trồng khép tán, con tôm chậm lớn, thậm chí không sống được...” - ông Nguyễn Văn Lợi, ấp Mai Vinh, xã Tam Giang Đông, huyện Ngọc Hiển nói. Mục tiêu của chủ trương “con tôm ôm cây đước” là để buộc người dân giữ rừng. Nhưng để nuôi tôm, rừng phải được... tỉa thưa và rừng tiếp tục bị chặt phá.
Đến năm 2001, khi con tôm sú xuất hiện thì mọi chuyện về quản lý, bảo vệ rừng ở Cà Mau thật sự bị đảo lộn. Cách nuôi tự nhiên không còn phù hợp mà phải đào kênh mương, bao ví nước, thả tôm giống. Hàng chục ngàn hộ dân đã chặt rừng, đào kênh, đắp bờ khoanh vuông. Sau đó, để có thêm diện tích mặt nước nuôi tôm, họ lại tiếp tục chặt phá rừng. Thế là cuộc hôn phối gượng ép “con tôm và cây đước” nhanh chóng bị đổ vỡ, rừng ngập mặn Cà Mau bị tàn phá nhanh chóng trên diện rộng.
Những khoảnh kênh mương trồng rừng không được, nuôi tôm không xong. Ảnh: HUỲNH LỘC
Cứu rừng, rừng càng thu hẹp
Trước nguy cơ rừng ngập mặn có thể bị băm nát vì con tôm, năm 2005 Cà Mau có chủ trương “tách tôm ra khỏi rừng”, dành trên 36.000 ha diện tích đất rừng nhằm thực hiện chủ trương này. Như vậy, Cà Mau chấp nhận mất thêm hơn 36.000 ha đất lâm nghiệp rừng ngập mặn chuyển sang nuôi tôm trong diện tích giao đất giao rừng.
Theo chủ trương mới, hộ nhận giao đất giao rừng được nuôi tôm theo tỉ lệ 30%-50% diện tích. Người nhận diện tích đất rừng càng nhỏ thì tỉ lệ đất dành để nuôi tôm càng lớn.
Ông Trần Hoàng Chen, Bí thư Huyện ủy huyện Ngọc Hiển, nói: “Hầu hết dân nhận giao đất giao rừng rất nghèo, cuộc sống rất khó khăn. Không đủ ăn họ sẽ chặt phá cây rừng bán để sống. Muốn giữ được rừng phải làm cho đời sống của người dân khá lên. Tách tôm ra khỏi rừng mới mong giữ được rừng, đời sống người dân mới khá lên được”.
Chủ trương “tách tôm ra khỏi rừng” được đánh giá là sáng kiến và phù hợp nhưng vấp phải bài toán khó là kinh phí san ủi bờ bao, lấp ao nuôi tôm trả lại diện tích rừng quá tốn kém. Mặt khác, trở ngại trước mắt là người dân chưa thật sự đồng tình.
Nhiều bờ bao, kênh mương không dễ san lấp để “tách tôm ra khỏi rừng”. Ảnh: HUỲNH LỘC
Cho đến nay đã hơn năm năm, Cà Mau vẫn chưa thực hiện hoàn thành chủ trương “tách tôm ra khỏi rừng”. Phần lớn diện tích rừng đã đào ao đắp bờ bao nuôi tôm vẫn còn đó. “Việc ủi bờ, san lấp ao nuôi tôm để trồng lại rừng chi phí rất tốn kém” - ông Trần Quốc Hiện, Bí thư Huyện ủy Năm Căn, nhận định.
Cà Mau cần phải làm một cuộc “đại phẫu thuật” về thực trạng mất rừng, trên cơ sở đó điều chỉnh chính sách đầu tư và bảo vệ rừng phù hợp. Nếu không, ngân sách dù có đầu tư tiền tỉ thì rừng vẫn tiếp tục mất đi, diện tích rừng vẫn tiếp tục bị thu hẹp. Ông NGUYỄN HOE,nguyên UVTV Tỉnh ủy, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau |
Theo người dân địa phương, diện tích kênh mương nuôi tôm chưa được san lấp cũng không được cải tạo. Vì thế các kênh mương này trồng rừng không được mà nuôi tôm cũng không xong, gây lãng phí đất đai.
Khi chủ trương “tách tôm ra khỏi rừng” vẫn còn dở dang thì rừng đước Cà Mau lại tiếp nhận một mô hình mới: Nuôi tôm sinh thái. Hộ giữ được mật độ rừng 58% trên đất nuôi tôm được cấp giấy chứng nhận “tôm sinh thái” và được thu mua tôm với giá ưu đãi. Đây được xem là một giải pháp tình thế cứu rừng. Tuy nhiên, tâm lý người nuôi tôm chỉ quan tâm đến việc mở rộng diện tích, nếu được phép họ sẵn sàng phá rừng để nuôi tôm.
ĐẶNG HUỲNH LỘC