Mất tiền khi mua nhà vi bằng: Lỗi 3 bên

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Có thể liệt kê một số lý do chính mà chúng tôi đã từng phỏng vấn người mua nhà qua hình thức vi bằng: Khả năng tài chính thấp nên mua đại rồi tính sau, cứ ở một thời gian thế nào nhà nước cũng cho hợp thức hóa, có vi bằng công nhận giao nhận tiền thì không sợ bị trở mặt…

Những lý do tưởng chừng ngây ngô ấy lại được nhiều người dân đưa ra trước khi quyết định bỏ số tiền dành dụm cả đời để mua nhà qua vi bằng, để rồi đứng trước nguy cơ bị mất trắng.

Thực tế ở TP.HCM đã và đang tồn tại những dãy nhà kiên cố có kết cấu giống nhau, được xây dựng sai phép hoặc không phép. Những dãy nhà vi phạm quy định về xây dựng như vậy vẫn chình ình một thời gian khá dài, để rồi nó được đưa ra giao dịch mua, bán sang tay hết người này đến người khác.

Giao dịch nhà đất chưa có giấy tờ hợp lệ này thường có giá rẻ khoảng một nửa so với nhà đất chuyển nhượng đúng quy định pháp luật. Nhận thấy căn nhà vừa túi tiền cùng với những lời hứa có cánh của người bán và cái vi bằng đảm bảo việc giao nhận tiền giữa hai bên, vậy là nhiều người chấp nhận mua.

Thế nhưng, đã có nhiều trường hợp vừa mua nhà xong thì lại nhận được quyết định cưỡng chế của cơ quan chức năng yêu cầu tháo gỡ, dù căn nhà xây không phép đã tồn tại từ lâu.

Như trường hợp của chị H ở khu phố 4, phường Thạnh Xuân, quận 12, chị tự nhận mình là nạn nhân trong việc giao dịch mua, bán nhà đất dưới hình thức qua vi bằng. Chị H vay tiền mua nhà chuyển về ở được một tháng thì mới biết căn nhà chị mua bị xây dựng sai phép và bị phường, quận ra quyết định cưỡng chế. Chỉ vài ngày sau khi chị vào ở, căn nhà của chị bị lực lượng chức năng xuống đập cầu thang, khóa cửa chính bởi chủ nhà trước đã xây dựng sai bản vẽ xin phép.

Đây đó đang có rất nhiều chị H phẩy (H’) như thế. Họ mua nhà không hợp pháp qua vi bằng, đến khi sắp mất của thì xót xa quay lại bắt đền người bán. Nhưng đa phần không được đền, chỉ còn cách bắt thang lên hỏi ông trời.

Cùng đường, người dân quay sang “níu áo” chính quyền địa phương, vặn hỏi tại sao nhà vi phạm mà không xử lý ngay để dân gánh chịu hậu quả!

Ở đây cần phải nhìn nhận lỗi từ cả ba bên: Người mua, người bán nhà qua vi bằng lẫn chính quyền địa phương.

Người bán thì họ chỉ biết tìm cách luồn lách để lợi. Với người mua nhà, do người dân ham rẻ và đa phần chấp nhận rủi ro, với tâm lý hy vọng sẽ được hợp thức hóa dần cái sai thành đúng. Người mua không thể đổ lỗi rằng không biết hình thức mua nhà đất qua vi bằng là bất hợp pháp khi mà các cơ quan chức năng đã tuyên truyền rất nhiều về vấn đề này. Không thể có chuyện một người bỏ tiền mua một tài sản lớn cả đời dành dụm mà không tìm hiểu về giá trị pháp lý của căn nhà.

Với chính quyền địa phương, trách nhiệm quản lý này thuộc UBND cấp xã. Việc xây dựng cả dãy nhà không phép, sai phép trong một thời gian dài mà không phát hiện thì một là do quản lý kém, hai là “nhắm mắt là ngơ”. Vì vậy cũng cần phải xét đến trách nhiệm của cán bộ quản lý để tình trạng vi phạm xây dựng xảy ra.

Đừng để sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền gieo cho người dân hy vọng cái sai nay mai sẽ thành cái đúng. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm