Như PLOđã phản ánh vụ bốn thanh niên trộm vịt không bị xử hình sự, chỉ bị xử phạt hành chính, còn người chủ vịt ông Phan Văn Sáu (sinh năm 1963, ngụ quận 12) do chống trả kẻ trộm nên bị khởi tố về tội cố ý gây thương tích.
Nhiều ý kiến pháp lý cho rằng hành vi của ông Sáu là phòng vệ chính đáng, còn nếu vượt quá thì tỉ lệ tổn hại sức khỏe của bị hại cũng không đủ để truy tố. Bởi theo Điều 136 BLHS 2015 thì tỉ lệ tổn thương cơ thể cho nạn nhân từ 31% trở lên, mới có thể truy tố tội này, trong khi tỉ lệ tổn thương cơ thể của bị hại Nguyễn Phan Thái Dương trong vụ này chỉ là 24%.
Ở góc nhìn khác, Luật sư (LS) Lê Văn Hoan (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng, vụ án còn nhiều mâu thuẫn cần phải làm sáng tỏ. Cụ thể CQĐT chưa làm rõ được ranh giới giữa hành vi cố ý gây thương tích và hành vi có thể là phòng vệ chính đáng của ông Sáu.
Theo LS Hoan, ngay tại thời điểm nhóm này vào trộm vịt họ có bốn người, trong khi chỉ có mình ông Sáu. Nếu như, khi bị phát hiện, các đối tượng trộm cắp bỏ chạy và không có hành vi nào chống lại mà ông Sáu dùng dao chém họ thì hành vi của ông Sáu có thể đã vi phạm pháp luật.
Luật sư Lê Văn Hoan
Tuy nhiên, thực tế cho thấy khi bị phát hiện ba người đã bỏ chạy, còn bị hại Dương tay vẫn còn cầm 2 con vịt và đã chống trả ông Sáu nhằm tẩu thoát. Như vậy hành vi của ông Sáu xuất phát từ hành vi vi phạm pháp luật của bốn thanh niên đó là trộm vịt. Ở đây, ông Sáu khi thấy tài sản của mình bị xâm hại, vì bảo vệ tài sản của mình đã chống trả lại người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
Vấn đề là việc chống trả của ông Sáu là ở mức cần thiết hay quá mức cần thiết, việc này CQĐT cần phải làm rõ. Nếu hành vi của ông Sáu là ở “mức cần thiết” thì ông không có tội theo khoản 1, Điều 22 BLHS. Nếu hành vi của ông Sáu là “quá mức cần thiết” thì ông phải chịu trách nhiệm hình sự nếu thương tích gây ra cho bị hại từ 31% trở lên.
Ngoài ra tình tiết mà CQĐT lập luận theo hướng có tội nhưng chứa đựng sự mâu thuẫn. Cụ thể, Dương khai: Khi bắt trộm được hai con vịt thì Dương nhìn thấy ông Sáu tay trái cầm dao đứng chắn ngang trước mặt. Do không còn đường để chạy nên Dương tay cầm hai con vịt xô vào người ông Sáu để lấy đường chạy. Ông Sáu cầm dao chạy theo và Dương bị chém vào mặt. Lúc này, Dương bỏ hai con vịt xuống nhưng ông Sáu vẫn dùng dao chém vào người nên bỏ chạy.
Khi Dương cầm 2 con vịt xô vào người ông Sáu để lấy đường chạy, theo bản năng thì Dương ném 2 con vịt vào ông Sáu mới đúng và khi không còn vịt trên tay sẽ chạy nhanh hơn nếu muốn thoát thân.
CQĐT phải làm rõ thời điểm Dương bị ông Sáu phát hiện lúc 3 giờ sáng thì tại đó ánh sáng như thế nào? Có đủ để Dương biết ông Sáu có dao hay không? Nếu không thấy hoặc không đủ nhận thấy mà lại cầm vịt xô vào ông Sáu thì hành vi của Dương có phải là “trộm” chuyển hóa thành “cướp” hay không?
Mặt khác, chỉ đến khi ông Sáu đuổi theo chém vào mặt thì lúc này Dương mới bỏ 2 con vịt. Như vậy có thể thấy mặc dù bị phát hiện, chặn lại nhưng Dương vẫn muốn chiếm đoạt 2 con vịt này.
Lời khai của Dương chứa đựng sự mâu thuẫn: “Do không còn đường để chạy nên Dương tay cầm hai con vịt xô vào người ông Sáu để lấy đường chạy. Ông Sáu cầm dao chạy theo và Dương bị chém vào mặt”. Nếu Dương bỏ chạy, ông Sáu đuổi theo tức chạy phía sau thì tại sao lại chém vào mặt Dương?
Nếu như khi phát hiện Dương ở vị trí đối mặt mà không có đường thoát như lời Dương khai nếu ông Sáu “cố ý” chém thì thương tích của Dương không dừng lại ở 24%. Tuy nhiên, khi bị ông Sáu phát hiện trộm vịt Dương không những không bỏ chạy mà vẫn muốn chiếm đoạt đến cùng.
Do vậy CQĐT phải làm rõ được những mâu thuẫn trên mới có thể giải quyết được vụ án.
Khởi tố tội cố ý gây thương tích là không ổn Theo tôi việc khởi tố ông Sáu về tội cố ý gây thương tích là không phù hợp và không thấu tình đạt lý. Cần phải thấy rằng bốn đối tượng trộm cắp là thanh niên, trong thế chủ động và đối tượng Dương đã có hành vi chống trả khi bị ông Sáu phát hiện. Việc ông Sáu dùng dao gây thương tích cho Dương 24% là trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh về việc tài sản bị xâm phạm, thậm chí tính mạng, sức khỏe, bị đe dọa bởi hành vi trái pháp luật của các đối tượng. Vì vậy chỉ khi tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên thì mới đủ yếu tố cấu thành tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh theo Điều 135 BLHS 2015. LS Lê Hà Gia Thanh, Đoàn LS TP.HCM |