Trung Quốc và Nhật tiếp tục ăn miếng trả miếng trên không phận thuộc vùng biển giữa tỉnh Okinawa và đảo Miyako của Nhật (Tây Thái Bình Dương).
Bộ Quốc phòng Nhật thông báo ngày 10-12, lực lượng phòng vệ đường không của Nhật đã điều động các máy bay tiêm kích ngăn chặn sáu máy bay quân sự Trung Quốc bay qua eo biển Miyako.
Các máy bay Trung Quốc gồm hai máy bay tiêm kích Su-30, hai máy bay ném bom H-6, hai máy bay do thám Tu-154 và Y-8.
Theo báo Japan Times, hai máy bay Su-30 bay qua eo biển Miyako rồi chuyển hướng vòng qua biển Hoa Đông trong khi bốn máy bay còn lại trực chỉ kênh Bashi giữa Đài Loan và Philippines.
Bộ Quốc phòng Nhật khẳng định các máy bay Trung Quốc không vi phạm không phận Nhật, tuy nhiên hành động của các máy bay Nhật phù hợp với luật pháp quốc tế.
Máy bay ném bom H-6 trên vùng biển giữa tỉnh Okinawa và đảo Miyako của Nhật. Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG NHẬT
Cùng ngày 10-12, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân cho biết các máy bay tiêm kích Nhật đã quấy rối và bắn đạn gây nhiễu vào các máy bay Trung Quốc.
Phía Trung Quốc cho rằng “đây là hành vi nguy hiểm, kém chuyên nghiệp, phá hoại tự do hàng hải và hàng không”.
Người phát ngôn cho rằng các máy bay Trung Quốc tham gia huấn luyện trên biển bình thường và eo biển Miyako là đường bay quốc tế.
Thời Báo Hoàn Cầu của Trung Quốc đánh giá ít khi Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo các vụ va chạm giữa máy bay Trung Quốc và Nhật, do đó đây có thể là dấu hiệu cho thấy “Trung Quốc muốn xử lý các tình huống tương tự theo cách chủ động hơn”.
Trong khi đó, báo Taipei Times (Đài Loan) đưa tin cơ quan quốc phòng Đài Loan thông báo ghi nhận đây là cuộc diễn tập tầm xa đầu tiên của Trung Quốc sau cuộc điện đàm ngày 2-12 giữa Tổng thống đắc cử Donald Trump với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn.
Đây là lần thứ hai trong vòng hai tuần máy bay quân sự Trung Quốc bay qua Đài Loan và vượt eo biển Miyako.
Trong lần bay ngày 25-11 có hai máy bay ném bom H-6K, một máy bay do thám Tu-154 và một máy bay vận tải chiến thuật Shaanxi Y-8.
Còn trong lần bay ngày 10-12, các máy bay Trung Quốc đã cất cánh lúc 9 giờ và bay về căn cứ lúc 13 giờ 10 cùng ngày.
Các máy bay Trung Quốc bay theo chiều kim đồng hồ xung quanh Đài Loan trong khi lần bay ngày 25-11 bay ngược chiều kim đồng hồ.
Cơ quan quốc phòng Đài Loan cho biết ngay sau khi các máy bay Trung Quốc bay từ bờ biển Trung Quốc về hướng biển Hoa Đông, các trạm radar của Đài Loan đã bám sát.
Sau đó, Đài Loan đã điều một máy bay tuần tra trinh sát bay theo dõi và chụp ảnh gửi về bộ chỉ huy.
Báo Japan Times ghi nhận Trung Quốc và Nhật vẫn còn bất đồng về bản ghi nhớ về liên lạc hàng hải-hàng không để tránh đối đầu bất ngờ của máy bay và tàu thuyền hai nước.
Sau khi Nhật quốc hữu hóa quần đảo Senkaku vào năm 2012, hai bên không bàn đến vấn đề này nữa.
Giữa tháng 9, không quân Trung Quốc tuyên bố sẽ diễn tập thường xuyên trên không phận của cái gọi là “chuỗi đảo thứ nhất”, cửa ngõ chiến lược ở Tây Thái Bình Dương, trong đó bao gồm quần đảo Ryukyu (Nhật) và Đài Loan.
Mục đích diễn tập gồm bay trên “chuỗi đảo”, kiểm soát biển Hoa Đông và tuần tra trên biển Đông.
Cuối tuần trước, kênh truyền hình Fox News (Mỹ) đưa tin hôm 8-12, Trung Quốc đã điều một máy bay tầm xa H-6 bay trên “đường chín đoạn” ở biển Đông. Đây là chuyến bay đầu tiên của loại máy bay này ở biển Đông kể từ tháng 3-2015. Hai quan chức Mỹ nhận định Trung Quốc muốn gửi thông điệp sau khi ông Trump điện đàm với lãnh đạo Đài Loan. _________________________________ Ngoài ra, các vệ tinh tình báo Mỹ cũng đã phát hiện các thành phần của tên lửa đất đối không SA-21 tại cảng Yết Dương (tỉnh Quảng Đông). Fox News ghi nhận có thể Trung Quốc chuẩn bị đưa tàu chở tên lửa ra các đảo tranh chấp ở biển Đông. SA-21 là phiên bản của tên lửa S-400 Nga thuộc thế hệ hiện đại hơn HQ-9. |